Giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm chỉ đạt xấp xỉ 30% kế hoạch
Còn gần 5 tháng là hết năm, song việc giải ngân vốn đầu tư tại các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và giao thông liên vùng mới xấp xỉ một phần ba kế hoạch.
Tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án này chiếm 21,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước. (Ảnh: Vietnam+)
|
Bộ Tài chính thông tin công khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải và dự án giao thông liên vùng do địa phương quản lý, trong đó công tác giải ngân mới đạt gần 43.508 tỷ đồng, tương ứng 29,7% kế hoạch năm.
Theo Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 bố trí cho các công trình, dự án này chiếm 21,7% tổng kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước, do Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương (669.264 tỷ đồng). Trong đó, các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải hơn 112.207 tỷ đồng và các dự án giao thông liên vùng trên 32.730 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính ghi nhận đến thời điểm ngày 31/7 tại 38 các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, hoạt động giải ngân xấp xỉ 36.363 tỷ đồng, đạt 32,4% kế hoạch. Trong đó, bốn dự án (dự án thành phần) là Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang, Cao tốc Cao Lãnh- An Hữu (Tiền Giang) thuộc Bộ Giao thông vận tải và dự án do địa phương quản lý có tỷ lệ giải ngân trên 50% so kế hoạch. Bên cạnh đó, 85 các dự án giao thông liên vùng do 61 địa phương quản lý, Bộ tài chính lưu ý có 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 15% so kế hoạch (có ba dự án giải ngân 0%).
Đối với 21 dự án sạt lở sông biển do các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long quản lý, báo cáo của Kho bạc Nhà nước cho hay các dự án trên giải ngân 1.397 tỷ đồng, đạt 34,9% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao. Theo đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh thời hạn giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 còn gần 5 tháng, tuy nhiên còn nhiều địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch giải ngân đến ngày 31/12.
Để Bộ Giao thông vận tải và các địa phương kịp thời giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu đạt kết quả trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề nghị cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp theo đúng các Nghị quyết và công điện của Chính phủ. Các cấp lãnh đạo yêu cầu chủ đầu tư, sở, ngành, nhà thầu và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, chú trọng công tác kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư công. Đặc biệt là đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn tại các dự án chưa giải ngân và có tỷ lệ giải ngân thấp (theo tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước Bộ Tài chính đã công khai hàng tháng). Mặt khác, các công tác tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư cần thực hiện theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải và các địa phương quản lý chặt chẽ việc tạm ứng hợp đồng (theo đúng quy định) nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Riêng, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện nghiêm Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 8/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ-"Các địa phương tổ chức thực hiện và giải ngân vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 được bổ sung chậm nhất đến ngày 31/12 theo đúng quy định của pháp luật”./.
Hạnh Nguyễn
Vietnamplus
|