Thứ Hai, 05/08/2024 11:02

TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Gemadept đã chuẩn bị gì để thích ứng với xu hướng logistics nổi bật?

Nhìn về năm 2024, đại diện GMD nhận định có ba xu hướng logistics nổi bật, bao gồm: tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển logistics xanh, mở rộng hợp tác và M&A.

Thứ nhất, xu hướng tăng cường ứng dụng công nghệ là rất cần thiết để tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp khai thác cảng và logistics đang hướng đến việc tích hợp hệ thống quản lý vận tải và chuỗi cung ứng, đồng thời ứng dụng các công nghệ như IoT, AI, blockchain để thu thập và phân tích dữ liệu.

Về phía GMD, Công ty đã triển khai nền tảng SmartPort, SmartGate cho hệ thống cảng Nam Đình Vũ, cảng PIP, cảng Bình Dương và cảng nước sâu Gemalink để nâng cao chất lượng dịch vụ cho khách hàng và đồng bộ hóa công nghệ trong hệ sinh thái cảng và logistics.

Hiện nay, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu để ứng dụng công nghệ thông minh nhằm giảm thiểu chi phí và nhân sự, giảm ách tắc tại các khu vực thủ tục, giảm thiểu rủi ro và tăng cường hiệu quả.

Thứ hai, phát triển logistics xanh cũng đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là yêu cầu về trung hòa carbon, đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng giảm thiểu tác động đến môi trường. Điều này bao gồm việc sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, phát triển mô hình cảng xanh và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường.

Theo đó, GMD đã và đang thực hiện kiểm kê và báo cáo phát thải khí nhà kính tại hệ thống cảng, xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải; triển khai mô hình cảng xanh tại Cảng Dung Quất theo tiêu chuẩn TCCS 02:2022 CHHVN và đang trong quá trình triển khai tại các cảng khác; đầu tư mới và thay thế trang thiết bị hiện đại, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường để hướng đến phát triển hệ sinh thái cảng xanh, logistics xanh; nghiên cứu phát triển vận tải nội thủy, cùng Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải nghiên cứu và nâng cấp luồng hàng hải như luồng kênh Hà Nam, TP. Hải Phòng và luồng Cái Mép - Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để giảm ách tắc giao thông và giảm khí thải cho các vùng nội đô.

Cuối cùng là xu hướng mở rộng hợp tác và M&A, giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển các dịch vụ xanh và tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn và bền vững.

Đứng trước xu hướng này, GMD đang nghiên cứu các dự án mới, tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư để phát triển thêm các dịch vụ và nguồn hàng mới, làm sâu sắc hơn hệ sinh thái cảng và logistics của Công ty.

Trong ngành khai thác cảng và logistics, GMD tự tin có vị thế khác biệt và lấy được niềm tin lâu dài của nhà đầu tư.

Đầu tiên phải kể đến lợi thế hệ sinh thái cảng và logistics tích hợp. Cụ thể, GMD sở hữu và khai thác hệ thống cảng từ Bắc vào Nam, từ cảng cạn (ICD) đến cảng sông, cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu Gemalink. Đồng thời, cung cấp dịch vụ và giải pháp quản trị chuỗi cung ứng toàn diện với hệ thống logistics bao gồm 6 lĩnh vực là cảng hàng hóa hàng không, trung tâm phân phối hàng hóa, vận tải hàng siêu trường siêu trọng, vận tải biển - thủy, logistics hàng lạnh và logistics ô tô.

Ngoài ra, yếu tố như Ban lãnh đạo và đội ngũ cán bộ nhân viên, các cam kết phát triển bền vững, cũng như sự tập trung vào trải nghiệm khách hàng cũng là lợi thế cạnh tranh của GMD.

Theo đại diện GMD, có 5 yếu tố trọng yếu giúp Công ty tăng trưởng kết quả kinh doanh trong tương lai, bao gồm: mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển; tối ưu hóa hiệu quả khai thác cảng biển; nắm bắt cơ hội từ sự tăng trưởng của ngành logistics; mở rộng hợp tác chiến lược; thực hiện chuyển đổi số và phát triển bền vững.

Trong đó, việc mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng cảng biển được thể hiện rõ nét thông qua kế hoạch triển khai hai dự án mở rộng quy mô cảng là Nam Đình Vũ giai đoạn 3 tại TP. Hải Phòng và Gemalink giai đoạn 2 tại Cái Mép, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua đó, GMD có thể gia tăng công suất, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xuất nhập khẩu và nhu cầu từ các khách hàng, đối tác.

Bên cạnh đó, GMD còn tìm kiếm cơ hội để phát triển các hệ thống, cơ sở vệ tinh, kết nối với hệ thống cảng của chính Công ty.

Để truyền tải các hoạt động cốt lõi đến nhà đầu tư, hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư (IR) cũng được GMD chú trọng. Đại diện Công ty cho biết, hoạt động IR hiện đang vận hành theo mô hình kết hợp quản trị tập trung và bộ phận chuyên trách. Công ty đã thành lập phòng IR chuyên trách, đồng thời Ban lãnh đạo thường xuyên tham gia vào một số hoạt động IR quan trọng để chia sẻ với nhà đầu tư về chiến lược, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh và quản trị doanh nghiệp, như: các buổi họp nhà đầu tư, các Hội nghị nhà đầu tư, gặp gỡ chuyên gia phân tích, ĐHĐCĐ…

Từ mô hình này, GMD hướng đến sự minh bạch về công bố thông tin, đồng thời chủ động cập nhật và trao đổi thông tin thường xuyên đến nhà đầu tư và các bên liên quan, thông qua truyền thông đa kênh.

Bên cạnh đó, trước xu hướng ESG đang dần trở thành tiêu chuẩn chung đối với doanh nghiệp, bộ phận IR của GMD đã có nhiều chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đầu tiên là nâng cao nhận thức, thông qua chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ESG đối với hoạt động kinh doanh của Công ty; tham gia các khóa đào tạo, hội thảo chuyên sâu về ESG, tiêu biểu là các khóa học về kiểm kê, giảm phát thải và trung hòa carbon của Viện tiêu chuẩn Anh (BSI); tham gia và phối hợp tổ chức các hội thảo của các Hiệp hội ngành nghề liên quan đến ESG.

Thứ hai là xây dựng chiến lược và truyền thông về ESG để đảm bảo phát triển bền vững, đóng góp cho xã hội và tuân thủ quy định theo lộ trình của Chính phủ.

Để triển khai chiến lược, bộ phận IR đã tổ chức các Hội thảo chia sẻ về chuyên đề này cho nội bộ Ban lãnh đạo, cán bộ công nhân viên của hội sở và các đơn vị thành viên để truyền tải thông điệp, kế hoạch triển khai nhằm đạt hiệu quả cao. Đồng thời, bộ phận IR cũng chia sẻ về cam kết phát triển bền vững của Công ty đến các nhà đầu tư.

Thứ ba là thu thập và phân tích dữ liệu ESG của Công ty nhằm đánh giá hiệu quả và xác định các lĩnh vực cần có giải pháp cải thiện.

Cuối cùng là áp dụng tiêu chuẩn quốc tế GRI vào các báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững. Các báo cáo này luôn thực hiện đầy đủ, đảm bảo thông tin và tình hình quản trị về các hoạt động ESG của Công ty.

Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho Gemadept từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn).

Huy Khải

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   PCG: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2024 (02/08/2024)

>   POS: Nghị quyết Hội đồng quản trị (02/08/2024)

>   OIL: Nghị quyết Hội đồng quản trị (02/08/2024)

>   BRR: Giải trình lợi nhuận sau thuế báo cáo tài chính bán niên năm 2024 thay đổi từ 10% trở lên của kỳ báo cáo so với kỳ trước (02/08/2024)

>   GCF: Giải trình liên quan đến Báo cáo tài chính năm 2023 (02/08/2024)

>   HLB: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2024 (02/08/2024)

>   ACE: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (02/08/2024)

>   QNC: Báo cáo tài chính quý 2/2024 (công ty mẹ) (02/08/2024)

>   QNC: Báo cáo tài chính quý 2/2024 (02/08/2024)

>   PVX: Báo cáo tài chính quý 2/2024 (công ty mẹ) (02/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật