Dầu khí quý 2: Ông lớn phân hóa, nhóm hạ nguồn rực sáng
Trong quý 2/2024, nhóm các doanh nghiệp xăng - dầu - khí tiếp tục có sự phân hóa. Trong nhóm 4 ông lớn, PLX và GAS đạt lợi nhuận tăng trưởng. Nhóm còn lại phân hóa mạnh giữa các phân khúc, trong đó các doanh nghiệp hạ nguồn trải qua một quý rực sáng.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số 20 doanh nghiệp ngành xăng - dầu - khí công bố BCTC quý 2, có 9 cái tên báo lãi tăng trưởng, 6 doanh nghiệp đi lùi, và 5 trường hợp thua lỗ.
Ông lớn: Mỗi người mỗi cảnh
Trong quý 2, nhóm các ông lớn đầu ngành có sự phân hóa đều với 2 cái tên tăng lãi và 2 đơn vị giảm lãi.
Kết quả kinh doanh của nhóm ông lớn xăng - dầu - khí trong quý 2/2024
|
Petrolimex (HOSE: PLX) dẫn đầu về mức tăng trưởng với khoản lãi ròng gần 1.2 ngàn tỷ đồng, hơn cùng kỳ 55%. Doanh nghiệp cho biết, hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý 2 tốt hơn cùng kỳ, sản lượng bán gia tăng nhờ nguồn cung và giá xăng dầu thế giới ít biến động, trong khi nguồn cung trong nước ổn định.
Petrolimex có kỳ kinh doanh tăng trưởng tốt tại quý 2/2024 |
|
PV GAS (HOSE: GAS) cũng đạt lợi nhuận tăng trưởng với 3.3 ngàn tỷ đồng lãi ròng, hơn cùng kỳ 5%; nhiều khả năng nhờ sản lượng tiêu thụ khí khô cũng như giá bán phục hồi.
Chiều ngược lại, PV Oil (UPCoM: OIL) và BSR chung cảnh ảm đạm với lợi nhuận đi lùi 56% dành cho OIL (đạt 79 tỷ đồng) và 43% của BSR (đạt 768 tỷ đồng).
BSR lùi sâu lợi nhuận vì đợt bảo dưỡng tổng thể NMLD Dung Quất |
|
Về nguyên nhân, BSR chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đợt tạm dừng bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cùng việc giá dầu thô và cracking spread giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, OIL lấy lý do là kỳ điều hành giá cơ sở xăng dầu được điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày/lần. Do kỳ điều chỉnh ngắn hơn cùng kỳ nên dù giá xăng dầu biến động giảm, tốc độ giảm giá bán lại diễn ra nhanh hơn, dẫn đến lãi gộp thu hẹp. Bên cạnh đó, khoản lỗ tỷ giá cũng đóng góp một phần cho câu chuyện giảm lãi của OIL.
Phân hóa đều trong quý 2, nhưng khi xét lũy kế bán niên, chỉ mình Petrolimex tăng trưởng lợi nhuận. 3 ông lớn còn lại đều đi lùi, trong đó sâu nhất là BSR với mức giảm 35%, còn hơn 1.9 ngàn tỷ đồng lợi nhuận ròng. Dù vậy, với “truyền thống” đặt mục tiêu thấp, 3 ông lớn PLX, GAS và BSR đều đã vượt kế hoạch năm chỉ sau 6 tháng. Riêng OIL thực hiện được 57% mục tiêu lãi sau thuế của cả năm.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 của nhóm ông lớn xăng - dầu - khí
|
Phân hóa theo phân khúc
Nhóm các doanh nghiệp còn lại, kết quả quý 2 có sự phân hóa khá rõ theo phân khúc, gồm thượng nguồn (Upstream - nhóm dịch vụ khai thác và thăm dò E&P), trung nguồn (Midstream - nhóm tập hợp, vận chuyển tài nguyên) và hạ nguồn (Downstream - nhóm doanh nghiệp lọc dầu).
Kết quả các doanh nghiệp xăng - dầu - khí trong quý 2/2024
|
Nhóm thượng nguồn đi lùi nhẹ so với cùng kỳ. Như PVS lãi ròng 195 tỷ đồng, giảm 13%, chủ yếu vì doanh thu tài chính giảm do lãi tiền gửi lùi sâu.
PVD cũng đi lùi 16%, lãi ròng đạt 136 tỷ đồng, dù doanh thu tăng mạnh tới 60%, lên gần 2.3 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp cho biết, doanh thu quý 2 tăng trưởng nhờ phát sinh thêm 1 giàn khoan thuê và tăng khối lượng công việc tại các công ty con. Tuy nhiên, quý 2/2023 có phát sinh 1 khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng (quý này không ghi nhận). Bên cạnh đó, công việc tại liên doanh trong quý 2/2024 giảm đi, cùng các khoản chi phí tài chính gia tăng vì lãi vay và tỷ giá đã kéo lùi lợi nhuận của PVD trong quý 2.
Khoản lỗ khác khiến lợi nhuận của PDV đảo chiều, từ tăng thành giảm trong quý 2/2024 |
|
Cá biệt có PVB - đơn vị bọc ống dầu khí - báo lãi tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 5.2 tỷ đồng trong quý 2, nhờ triển khai được các hợp đồng dịch vụ có doanh thu và lợi nhuận cao hơn.
Nhóm trung nguồn như PV Trans (HOSE: PVT) cũng báo lãi giảm nhẹ. Thực tế, tình hình kinh doanh quý 2 của PVT khá tốt vì lãi thuần hơn 522 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 20%. Tuy nhiên, Doanh nghiệp chịu khoản lỗ khác tới 63 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 57 tỷ đồng), gây đảo chiều thành quả cả quý, chỉ còn lãi ròng 287 tỷ đồng, đi lùi 9%. Dẫu vậy, đây là kết quả không tệ của PVT khi cao hơn đa phần các quý gần đây.
Trong khi đó, quý 2 tỏ ra khá ưu ái cho các doanh nghiệp hạ nguồn. Như PGD - đơn vị phân phối khí của PVN báo lãi 117 tỷ đồng, tăng trưởng 86%. Doanh nghiệp cho biết, sản lượng khí giảm nhẹ nhưng doanh thu vẫn tăng mạnh 53% nhờ giá khí tăng lên và điều chỉnh giá bán kịp thời. Hay Comeco (HOSE: COM) thậm chí lãi gấp 8.4 lần cùng kỳ, đạt 4.8 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp hạ nguồn như Comeco rực sáng trong quý 2/2024 |
|
Tuy vậy, vẫn có một số cái tên thua lỗ, thậm chí lỗ nặng như Nam Sông Hậu (HOSE: PSH). Trong quý 2, “đại gia xăng dầu miền Tây” rơi 92% doanh thu và lỗ ròng 368 tỷ đồng, cũng là mức lỗ kỷ lục kể từ năm 2018 tới nay.
Một trong những nguyên nhân gây thua lỗ cho PSH nằm ở rắc rối về thuế. Cuối năm 2023, PSH nhận văn bản cưỡng chế từ Cục Thuế tỉnh Hậu Giang và Cần Thơ, với tổng số tiền hơn 1.2 ngàn tỷ đồng. Cập nhật vào tháng 7/2024, Doanh nghiệp vẫn đang nợ gần 1.14 ngàn tỷ đồng tiền thuế tại Hậu Giang và gần 93 tỷ đồng tại Cần Thơ. Dù đã được Bộ Tài chính mở đường, gia hạn thời gian thanh toán, sự việc vẫn gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh doanh của Công ty, đồng thời góp phần đẩy cổ phiếu PSH vào diện bị cảnh báo (do BCTC kiểm toán 2023 nêu ý kiến ngoại trừ).
Xét lũy kế 6 tháng đầu năm, kết quả có phần đảo chiều khi nhóm thượng nguồn (PVS, PVD) và trung nguồn (như PVT) đạt lợi nhuận tăng trưởng, trong khi một vài cái tên nhóm hạ nguồn như PGD đi lùi. Dù vậy, xu hướng chung không có nhiều thay đổi khi đa số nhóm hạ nguồn đều có lợi nhuận tăng cao.
Kết quả 6 tháng đầu năm 2024 của các doanh nghiệp xăng - dầu - khí
|
Triển vọng cho nhóm thượng nguồn từ dự án Lô B - Ô Môn
Theo CTCK KBSV, với giá định giá dầu Brent bình quân 2024 đạt 83 USD/thùng (đi ngang so với cùng kỳ), cán cân cung dầu từ nay đến cuối năm vẫn có sự thuận lợi. Tiêu thụ dầu thô được kỳ vọng sẽ tích cực trong quý 3/2024 nhờ nhu cầu di chuyển bằng đường bộ và hàng không tăng mạnh trong kỳ nghỉ lễ. Đồng thời, tiêu thụ dầu thô toàn cầu được dự báo vẫn tăng trưởng nhờ một số yếu tố hỗ trợ như khu vực sản xuất của Trung Quốc hồi phục, nhu cầu đầu tư mở rộng sản lượng tại Mỹ thấp, OPEC+ duy trì cắt giảm sản lượng và nguồn cung bị gián đoạn ở Biển Đỏ và Biển Đen vì chiến sự.
Đáng chú ý, KBSV đánh giá triển vọng cho nhóm thượng nguồn dầu khí sẽ được thúc đẩy nhờ dự án khí điện Lô B - Ô Môn. Vào tháng 4/2024, Bộ Công Thương đã đưa ra Dự thảo đề xuất cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện cho các dự án trọng điểm gồm LNG Thị Vải, Lô B - Ô Môn và Cá Voi Xanh. Cơ chế này chưa được thông qua, nhưng nếu thông qua, sẽ giải quyết được vướng mắc mấu chốt cho dự án, giúp mở đường cho việc ký kết FID (quyết định đầu tư cuối cùng) chính thức trong nửa cuối năm.
Dự án Lô B - Ô Môn có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD, trong đó lượng công việc cho nhóm thượng nguồn chiếm khoảng 7 tỷ USD, trung nguồn chiếm 1.3 tỷ USD và nhóm hạ nguồn (các nhà máy nhiệt điện) chiếm khoảng 3.7 tỷ USD.
Châu An
FILI
|