Dân ngóng 130.000 nhà ở xã hội, 6 tháng mới hoàn thành hơn 3.100 căn
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng khoảng 130.000 căn trong năm nay, trong khi, 6 tháng qua, chỉ có thêm 8 dự án đã hoàn thành với 3.136 căn hộ, tức đạt 2,4% kế hoạch.
"Lụt" tiến độ
Tại họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Xuân Dũng thông tin, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 619 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) được triển khai với quy mô 561.816 căn.
Trong đó, có 79 dự án với quy mô 40.679 căn đã hoàn thành; 128 dự án với quy mô 111.688 căn đã cấp phép, khởi công xây dựng; 412 dự án với quy mô 409.449 căn đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai đầu tư.
Riêng 6 tháng đầu năm nay, có 8 dự án hoàn thành với quy mô 3.136 căn; 5 dự án đã cấp phép, khởi công xây dựng, với quy mô 8.468 căn; 9 dự án đã có chủ trương đầu tư, với quy mô 8.795 căn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, theo đề án 1 triệu căn hộ NƠXH, trong năm 2024 đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành 130.000 căn. Như vậy, đến nay, mới chỉ đạt đạt 2,4% kế hoạch, còn gần 100.000 căn hộ phải hoàn thành trong năm 2024.
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tiến độ xây dựng 130.000 căn NƠXH trong năm 2024 còn rất chậm, gần như không thể để đạt được trong năm nay.
Hà Nội là một trong các đô thị lớn có nhu cầu cao về NƠXH nhưng theo đánh giá của Bộ Xây dựng việc đầu tư còn hạn chế. Từ nay đến hết 2025, thành phố dự kiến hoàn thành 3 dự án với 1.700 căn hộ, đáp ứng 9% nhu cầu về nhà ở của người lao động, thu nhập thấp.
Ba năm gần đây, Hà Nội chỉ có một dự án ở NƠXH mở bán tại quận Nam Từ Liêm. Tháng 5/2023, hơn 1.300 người phải bốc thăm để giành quyền mua gần 150 căn hộ đợt đầu tiên tại dự án này, giá 19,5 triệu đồng một m2 (gồm VAT, phí bảo trì).
Cuối năm ngoái, thành phố có thêm một dự án NƠXH được khởi công tại huyện Mê Linh. Dự án gồm 4 block nhà cao 6 tầng, quy mô khoảng 280 căn hộ.
Trong khi nhu cầu nhà ở giá rẻ của người dân ngày càng bức thiết thì nhiều dự án NƠXH tại Hà Nội vẫn “bất động”, chỉ là khu đất trống.
Dự án NƠXH tại ô đất NO1-tên thương mại Udic EcoTower- tại dự án khu đô thị mới Hạ Đình (huyện Thanh Trì) với diện tích xây dựng hơn 3.700m2 dành phục vụ nhu cầu di dân giải phóng mặt bằng của thành phố. Theo tiến độ yêu cầu của UBND TP, chủ đầu tư phải khởi công xây dựng nhà ở xã hội này từ quý IV/2022 để đưa vào khai thác, sử dụng từ quý IV/2024. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được khởi công.
Đầu năm 2024, UBND TP. Hà Nội có quyết định xử phạt 140 triệu đồng về việc chậm triển khai đầu tư xây dựng dự án.
Một lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị Udic - Công ty TNHH MTV (Tổng công ty Udic), đại diện pháp luật của liên danh chủ đầu tư, cho biết, dự án NƠXH Udic EcoTower đã được gia hạn tiến độ và đề xuất dự kiến khởi công xây dựng vào quý IV năm nay.
Tuy nhiên theo vị này, thời gian dự kiến khởi công trên vẫn “không dám chắc” do còn nhiều yếu tố trong đó có vấn đề liên quan đến thủ tục.
Dự án NƠXH Udic EcoTower bị phạt vì chậm triển khai đầu tư xây dựng, chưa được khởi công. Ảnh: Hồng Khanh
|
Tại dự án Rice City Long Biên (quận Long Biên) do liên doanh CTCP Him Lam Thủ Đô và CTCP BIC Việt Nam làm chủ đầu tư, dự án đã hoàn thành xong giải phóng mặt bằng và chờ quyết định giao đất.
Thông tin từ Công ty CP BIC Việt Nam cho hay, đã 3 năm nay dự án vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Doanh nghiệp mong sớm có quyết định giao đất để triển khai, thực hiện dự án.
Một dự án khác của BIC Việt Nam nằm trên đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm) là dự án NƠXH Rice City Tố Hữu, nhiều năm nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng.
Luật gỡ “nút thắt”, vấn đề là thực thi
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết, 3 luật (Luật Đất đai 2024, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Luật Nhà ở 2023) có hiệu lực kể từ ngày 1/8 với nhiều quy định được sửa đổi, khi đi vào thực tế sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường bất động sản.
Theo ông Dũng, thời gian tới, chủ nhà đầu tư NƠXH được hưởng nhiều quy định ưu đãi hơn như quy định về xác định tính toán giá mua - bán NƠXH. Tất cả các thay đổi và bổ sung về khung pháp lý cho NƠXH sẽ tăng nguồn cung bất động sản và cơ cấu NƠXH.
“Khi cơ chế chính sách NƠXH được khơi thông sẽ làm tăng nguồn cung sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân. Nguồn cung tăng sẽ tác động đến giá nhà trong thời gian tới", ông Dũng nhận định.
Đánh giá về những chuyển biến của các luật mới, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho hay, thực tế hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa thấy nhiều chuyển biến nhất là trong vấn đề thủ tục pháp lý. Đối với doanh nghiệp, phải làm mới có thể nắm được vấn đề nên cần thời gian để đánh giá.
Chuyên gia kinh tế PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cũng thẳng thắn nhìn nhận, để khởi công được dự án NƠXH hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn.
“Các dự án khởi công mới vẫn còn có những phức tạp không kém gì trước đây. Thực tế, chưa có chuyển biến nhiều kể cả khâu giải phóng mặt bằng, bàn giao đất đai, hồ sơ thủ tục”, ông Thịnh nói.
Vị chuyên gia chỉ ra rằng, khó khăn đầu tiên là về thủ tục đất đai, chứng nhận quyền sở hữu, phải bố trí được quỹ đất sạch dành cho NƠXH. Thứ hai là đền bù giải phóng mặt bằng. Một vấn đề nữa là thủ tục pháp lý.
“Luật Đất đai 2024 có hiệu lực nhưng việc bàn giao đất đai cho doanh nghiệp sử dụng cũng cần một thời gian nữa. Kể cả việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng vẫn sẽ khó trong thời gian tới. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 có những hình thức đền bù phù hợp sẽ góp phần đẩy nhanh được quá trình này”, ông Thịnh đánh giá.
Về thủ tục pháp lý, theo ông Thịnh, đến nay nhiều kế hoạch, dự án vẫn nằm trên giấy vì vậy cần tạo cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện.
“Tại Hàn Quốc chỉ 2 năm họ xây được 5 triệu căn hộ NƠXH, chúng ta đặt mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030 nhưng từ đầu năm đến nay mới làm được mấy nghìn căn. Về chính sách chúng ta đã có các luật sửa đổi vấn đề còn lại là thực thi ra sao cho đúng nhất, nhanh nhất”, ông Thịnh nêu ý kiến.
Cũng theo chuyên gia, trong bài toán về chỉ tiêu các địa phương trong đó có Hà Nội cần phải lưu ý tới vấn đề quy hoạch đảm bảo dự án có tính kết nối hạ tầng, xã hội tránh tình trạng NƠXH xây xong mà không có người ở, nơi thừa nơi thiếu.
Hồng Khanh
VietNamNet
|