Chủ động áp dụng phòng vệ thương mại, bảo vệ hàng nội địa trước sức ép hàng nhập
Để bảo vệ sản xuất trong nước, hàng loạt quốc gia đang tăng cường áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM). Việt Nam cũng cần tăng cường các biện pháp PVTM trước sức ép của hàng nhập ngày càng lớn, đe doạ sản xuất trong nước.
Liên tục dùng biện pháp phòng vệ thương mại
Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan (DFT) vừa công bố mức thuế chống bán phá giá 30,91% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có thêm hợp kim từ Trung Quốc, theo ghi nhận của Kallanish. Đây là sự mở rộng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG) mà chính phủ Thái Lan đang áp dụng đối với thép cuộn cán nóng của Trung Quốc.
Trước đó, DFT đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ 17 nhà sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 16/9/2023. Bộ đang điều tra liệu các sản phẩm này có lẩn tránh các mức thuế CBPG hiện có bằng cách thêm hợp kim vào các sản phẩm thép cuộn cán nóng và nhập khẩu dưới các mã HS khác nhau hay không.
Theo Hiệp hội sắt thép Đông Nam Á (SEAISI), sản lượng sản xuất thép cuộn cán nóng của Thái Lan năm 2022 đạt 2,3 triệu tấn, đáp ứng 40% tổng nhu cầu tiêu thụ (5,4 triệu tấn), còn lại phải nhập khẩu. Dù vậy, từ năm 2021, Thái Lan vẫn áp thuế CBPG với thép cuộn cán nóng không hợp kim nhập khẩu từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó mức thuế áp dụng với HRC Trung Quốc là 30,91% để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước.
Ngành thép Việt Nam đang gặp khó bởi hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ thị trường. Ảnh: Hoàng Hà
|
Câu chuyện của Thái Lan không phải là đơn lẻ. Những năm gần đây, khi hàng rào thuế quan được thu hẹp, các nước thường xuyên áp dụng các biện pháp PVTM. Hàng Việt Nam cũng thường xuyên chịu áp lực này khi xuất khẩu sang các nước. Ngay như với mặt hàng thép, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết đã nhận được thông tin về việc Ủy ban Châu Âu (EC) đã nhận được Hồ sơ đầy đủ hợp lệ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng không hợp kim hoặc hợp kim nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại hội thảo “Chủ động vận dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế” chiều ngày 6/8 do Ban Quản lý Chương trình WTO Chair giai đoạn 3 tại trường Đại học Ngoại thương tổ chức, các chuyên gia cũng đã cảnh báo về việc các quốc gia đang tăng cường áp dụng các biện pháp PVTM với hàng nhập ngoại có nguy cơ đe doạ nền sản xuất trong nước.
Liệt kê các xu hướng đang được các nước áp dụng, TS Hoàng Ngọc Thuận, Phó trưởng ban Quản lý Chương trình WTO Chair giai đoạn 3 cho rằng: Xu hướng gần đây các quốc gia đang áp dụng rất nhiều là chống lẩn tránh thuế. Xu hướng thứ hai là áp dụng vừa chống phá giá, vừa chống trợ cấp.
Xu hướng thứ ba, khi phát hiện thấy mặt hàng xuất khẩu đến từ nhiều quốc gia khác nhau, song lượng xuất khẩu không lớn, chính vì thế việc kiện nhiều quốc gia cùng lúc sẽ đạt yêu cầu về lượng tối thiểu. Xu hướng thứ tư, là hiệu ứng domino, tức là khi một mặt hàng xuất khẩu bị một quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại thì có thể sẽ dẫn đến một số quốc gia nhập khẩu khác cũng sẽ áp dụng các biện pháp PVTM tương tự với mặt hàng đó dựa trên việc các quốc gia khác đã khởi kiện thành công.
“Gần đây có một xu hướng thứ năm là họ áp dụng một số biện pháp đặc biệt. Ví dụ từ 2018 Tổng thống Hoa Kỳ đã vận dụng Mục 232 của Đạo luật thương mại mở rộng, khi hàng hoá nhập khẩu có ảnh hưởng an ninh quốc gia thì áp dụng mức thuế ngay lập tức. Kể từ khi vận dụng điều đó, Hoa Kỳ đã áp dụng với một số mặt hàng, đương nhiên mức thuế tương đối cao, từ hai con số trở lên”, ông Hoàng Ngọc Thuận điểm lại.
Nhấn mạnh chúng ta phải bảo vệ được những gì chúng ta sản xuất được, ông Tô Thái Ninh, Trưởng phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Một trong những tác dụng lớn của biện pháp PVTM là giúp chúng ta lập lại môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Bởi vì biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp giúp chúng ta ngăn chặn hành vi bán phá giá và hành vi bán hàng vào nước ta được nước xuất khẩu trợ cấp.
Việc trợ cấp này làm cho hàng hoá đó có lợi thế cạnh tranh nhất định với hàng hoá chúng ta sản xuất trong nước. Họ được trợ giá nên giá của họ rất thấp và gây ra tác động tiêu cực đến nền sản xuất, chúng ta không bán được hàng, thua thiệt trên sân nhà.
“Khi chúng ta áp dụng các biện pháp PVTM thì chúng ta ngăn chặn được các hành vi cạnh tranh không lành mạnh… Hàng năm, các biện pháp PVTM đã được áp dụng giúp tăng ngân sách nhà nước 1.500-2.000 tỷ đồng từ thuế PVTM”, đại diện Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp cho biết.
Lãnh đạo doanh nghiệp phải sẵn sàng
Ông Lê Sỹ Giảng, Giám đốc điều hành GH Consults (GHC) chia sẻ: Xuất phát điểm của biện pháp PVTM là sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất của các quốc gia. Xuất phát điểm như vậy nên khi hai bên đi vào “cuộc chiến” ở một thị trường như Việt Nam, thì chúng ta phải chuẩn bị làm hồ sơ, cũng như tận dụng công cụ mang tính pháp luật này một cách hiệu quả.
Ông Giảng lưu ý, trước khi đi vào chi tiết liên quan hồ sơ dữ liệu doanh nghiệp, thì đầu tiên phải là tinh thần của lãnh đạo doanh nghiệp vì đây là "cuộc chiến" giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài. Các ông chủ doanh nghiệp phải sẵn sàng tinh thần chiến đấu với doanh nghiệp nước ngoài, còn nếu không có tinh thần đó thì rất khó vì đây không phải câu chuyện của một doanh nghiệp đơn lẻ, mà là câu chuyện của ngành. Ví dụ ngành thép Việt Nam đấu với ngành thép các nước, thì ông chủ doanh nghiệp phải xác định được chúng ta phải quyết tâm làm. Còn tinh thần không có thì không giải quyết được việc gì.
Tham gia vào một vụ kiện PVTM là điều không đơn giản, bởi vì đây là một công cụ mang tính pháp lý rất sâu, việc tập hợp dữ liệu không phải chỉ của 1 doanh nghiệp mà nhiều doanh nghiệp trong ngành, cần rất nhiều thời gian.
“Phải xác định bộ dữ liệu ấy là trung thực, hai là dữ liệu doanh nghiệp phải được chuẩn bị đúng form, mẫu, đúng deadline. Nếu đi kiện mà mình lôm côm thì đâu được. Kê khai trung thực thì bảo vệ mới dễ. Ông nói không đúng thì đi bảo vệ rất khó”, ông Giảng góp ý với các doanh nghiệp.
Tâm An
VietNamNet
|