Chốt lời muộn Đá Hoàng Mai, RCC có tiếc?
HĐQT CTCP Tổng Công ty Công trình Đường sắt (UPCoM: RCC) vừa có quyết định giảm tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đá Hoàng Mai (HNX: HMR) từ 59.7% xuống còn 36.5% trong bối cảnh giá cổ phiếu này đã giảm 77% từ đỉnh.
Nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, RCC dự định trong năm nay sẽ bán tối đa 1.3 triệu cp HMR, tương đương tỷ lệ 23.2%, với giá nằm trong biên độ tại phiên giao dịch, theo hình thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu HMR đang giao dịch quanh vùng 11,000 đồng/cp phiên sáng 27/08. Nếu bán tại mức giá này, RCC có thể thu về 14.3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu quyết định sớm hơn, RCC đã có thể lãi lớn trong bối cảnh giá HMR tăng hơn 400% trong vòng 3 tháng, từ đầu tháng 3/2024 đến đầu tháng 6/2024, chạm mốc kỷ lục 47,000 đồng/cp, cao nhất kể từ khi niêm yết HNX đầu năm 2022. Hiện, thị giá đã rơi 77%, trong đó có 5 phiên giảm liên tiếp gần 10%/phiên.
Diễn biến giá cổ phiếu HMR từ đầu năm 2024 |
|
HMR tiền thân là mỏ đá Hoàng Mai được thành lập từ năm 1969, nằm ngay cạnh tuyến đường sắt Thống Nhất và Quốc lộ 1A trên địa bàn ranh giới 2 tỉnh Nghệ An - Thanh Hóa. Công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần từ năm 2015, do RCC sở hữu 87.87% trước khi giảm về 59.69% từ năm 2021. Phó Chủ tịch HĐQT RCC Tạ Hữu Diễn hiện đang giữ chức Chủ tịch HĐQT HMR.
HMR đang thực hiện khai thác mỏ đá vôi Hoàng Mai tại thị xã Hoàng Mai theo giấy phép khai thác mỏ được Bộ Công nghiệp Nặng (nay là Bộ Công Thương) cấp ngày 23/10/1995. Giấy phép khai thác mỏ của HMR được cấp đến ngày 23/10/2025. Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện quy hoạch khu công nghiệp Hoàng Mai và tuyến bãi khai thác sát Quốc lộ 1A, dẫn đến việc gia hạn giấy phép khai thác khó được chấp nhận do ảnh hưởng của việc khai thác đá đến hoạt động của khu công nghiệp.
* Doanh nghiệp khai thác mỏ đá Hoàng Mai bị phạt 256 triệu đồng
Nếu thoái bớt vốn HMR thành công, RCC sẽ còn công ty con duy nhất là Công ty TNHH MTV Vật tư Đường sắt Đà Nẵng với tỷ lệ sở hữu 100% vốn. Tháng 3/2024, công ty con này được RCC góp thêm tiền để tăng vốn từ 16.7 tỷ đồng lên 38.1 tỷ đồng.
Năm 2018, RCC từng sở hữu loạt công ty con như Công trình 791, Công trình 792, Công trình 793, Xây dựng Công trình Đường sắt 796, Công trình 798, Công trình 875, Cơ khí và Xây dựng Công trình 878, Công trình 879, Xuất nhập khẩu và Thương mại Tổng hợp. Đến năm 2021, Doanh nghiệp tiến hành thoái vốn đồng loạt nhưng vẫn giữ tỷ lệ sở hữu từ 8-18% các công ty này.
Tình hình kinh doanh của HMR cũng không khả quan khi doanh thu liên tiếp lùi sâu trong 4 quý gần nhất. Quý 2/2024, doanh nghiệp khai thác đá ghi nhận doanh thu 6.4 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ; lãi ròng 568 triệu đồng, giảm gần một nửa. Theo HMR, lãi trong kỳ giảm mạnh do các công ty quản lý đường sắt chưa triển khai các gói thầu sửa chữa thường xuyên đường sắt năm 2024 nên chưa lấy tà vẹt, đá dăm dẫn đến doanh thu giảm.
Công ty mẹ RCC cũng không khá hơn. Doanh thu quý 2 đạt 198 tỷ đồng, giảm gần 5%. Sau khi trừ chi phí, lãi ròng rơi gần hết và chỉ còn gần 2 tỷ đồng, mất 83%. Lũy kế 6 tháng, Doanh nghiệp đạt 314 tỷ đồng doanh thu và 2 tỷ đồng lãi ròng; thực hiện được lần lượt 31% và 18% kế hoạch năm.
Công nhân HMR đang làm việc tại một công trình. Nguồn: HMR
|
Tử Kính
FILI
|