Thứ Sáu, 09/08/2024 13:31

TẬP SAN IR AWARDS 2024
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

CEO Văn Tiến Thanh: Về nhà máy Đạm Cà Mau, sáng thấy chim rừng bay đi, chiều bay về rợp trời

Các ngành công nghiệp sản xuất thường được ví như xương sống của một nền kinh tế. Nhưng qua thời gian, chiếc “xương sống” ấy lộ ra những điểm yếu. Bài toán là làm sao để cân bằng giữa việc thúc đẩy kinh tế - hay phát triển ngành, và đảm bảo được tác động môi trường, ảnh hưởng an sinh xã hội ở mức tối thiểu - chính là phát triển bền vững.

Là “ông lớn” lâu đời của ngành sản xuất phân bón - một trong những ngành công nghiệp xương sống của quốc gia, Phân bón Cà Mau (PVCFC hay Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) thấu hiểu được sự trăn trở này. Bởi vậy mà ngay từ những ngày đầu, Đạm Cà Mau đã luôn hướng đến yếu tố tăng trưởng bền vững và nằm trong số các doanh nghiệp đã thực hiện cả 3 yếu tố của ESG, trước cả khi khái niệm này được công chúng biết đến rộng rãi như hiện nay.

Đó là câu chuyện người viết được nghe ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của Đạm Cà Mau - chia sẻ trong buổi phỏng vấn gần đây.

“Với Đạm Cà Mau, định hướng làm sao đảm bảo được yếu tố môi trường trong quá trình đầu tư, sản xuất cũng như hoạt động an sinh xã hội, trách nhiệm cộng đồng hay công tác quản trị thực chất có từ những ngày đầu. Thời điểm còn là công ty TNHH, rồi làm công tác cổ phần hóa năm 2015, đến nay, Đạm Cà Mau vẫn cam kết hoàn thành sứ mệnh, vai trò trách nhiệm với 3 yếu tố trong ESG.

Từ yêu cầu luật hóa, văn bản hóa của Chính phủ, Đạm Cà Mau đã thuê đơn vị tư vấn và xây dựng được khung phát triển bền vững ESG. HĐQT trong nửa đầu năm cũng đã chính thức phê duyệt và công bố định hướng chiến lược về phát triển bền vững. Từ nay đến hết tháng 8 (chậm nhất là tháng 9), Công ty sẽ ra báo cáo phát triển bền vững, độc lập với báo cáo thường niên. Trong đó có các sáng kiến về ESG, áp dụng các chương trình hướng đến phát triển bền vững, đi về chiều sâu, liên quan đến hoạt động đặc thù của hóa chất và phân bón” - lời chia sẻ từ Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh.

Quả thực, cách Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh nhìn nhận Đạm Cà Mau như “những người đi trước” về cách tiếp cận ESG là có cơ sở. Điều này đến từ định hướng của Doanh nghiệp từ những ngày đầu, thể hiện qua những nỗ lực và thành tựu thực tế đã gặt hái được.

“Đạm Cà Mau có những hướng đi rõ ràng. Khi mới tiếp nhận nhà máy năm 2012, công suất vận hành mới chỉ đạt khoảng 100-103% công suất thiết kế tối đa. Từ đây, đội kỹ thuật đã nghiên cứu, tìm hiểu, gỡ dần điểm nghẽn. Từng bước một, công suất được nâng lên 105%, 107%, rồi 110% và hiện là 115% công suất thiết kế” - ông Thanh cho biết.

Việc nâng cao công suất cho phép nhà máy vận hành mạnh mẽ hơn để nâng cao sản lượng, song song là câu chuyện về tối ưu năng lượng. Tổng Giám đốc Đạm Cà Mau tiết lộ, mức tiêu hao năng lượng từ năm 2012 tới nay đã giảm khoảng 11% so với ban đầu và đây là con số rất lớn.

“Mỗi năm, Đạm Cà Mau mất khoảng 200 triệu USD tiêu hao thì 11% là 22 triệu USD. Sau 12 năm vận hành, nhà máy Đạm Cà Mau được xếp vào nhóm 10% các nhà máy dùng công nghệ tương tự trên thế giới có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất. Hàng năm, thậm chí là hàng tháng, đều có đánh giá về mức tiêu hao này từ đơn vị kiểm toán độc lập”.

Giảm tiêu hao năng lượng ở một nhà máy phân bón có ý nghĩa rất lớn với môi trường, bởi nhiên liệu chính dùng trong sản xuất là khí thiên nhiên (CH4). Về mặt kỹ thuật, sản xuất phân bón urê là một quá trình nhiều công đoạn, trong đó sản sinh ra lượng CO2 và NH3 cân bằng, cũng là hai loại khí được sử dụng để tạo ra sản phẩm. Tức là về bản chất, không có CO2 dư khi làm phân urê.

Tuy nhiên, quá trình sản xuất vẫn có phát thải CO2, vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch để đốt. Việc tối ưu được hiệu suất, giảm thiểu tiêu hao, bỏ đi sự phí phạm, cũng là cách để giảm tối đa lượng CO2 thải ra.

“Nếu có dịp đến tham quan nhà máy, mọi người sẽ rất ngạc nhiên vì nó giống như một khu công viên. Bên cạnh nhà máy có khu rừng tràm, là rừng trồng (khoảng 12ha), có vai trò như một vùng đệm giữa các khu vực. Mỗi buổi sáng, chim rừng bay đi, chiều lại bay về rợp bầu trời, giữa khu công nghiệp khí điện đạm. Đó là minh chứng cho thấy môi trường ở đó sạch đến mức nào” - ông Thanh kể, không giấu vẻ tự hào.

Song song hoạt động sản xuất, việc phát thải khí nhà kính còn đến từ quá trình sử dụng thành phẩm. Khi urê được dùng trong nông nghiệp (bón cây), quá trình phân giải phân bón (aluminum hoá và nitrat hóa) cũng phát sinh ra CO2 vào không khí.

Để khắc phục, Đạm Cà Mau hướng đến câu chuyện chuyện trồng rừng. Ông Thanh cho biết, Doanh nghiệp đang tham gia chương trình trồng 1 triệu cây xanh của Tập đoàn mẹ PVN (PetroVietnam).

“Đây là chương trình kéo dài 5 năm và Đạm Cà Mau được giao cho 300 ngàn cây. Ngoài ra, với định hướng phát triển bền vững, DCM sẽ tham gia nhiều hơn trong thời gian tới như phối hợp với lâm trường quốc gia U Minh và một số rừng tại Cà Mau như rừng Đất Mũi. Đây là các khu rừng được UNESCO công nhận như khu sinh quyển dự trữ của thế giới” - ông Thanh chia sẻ.

Ngoài ra, trong tiến trình đa dạng hóa sản phẩm, Đạm Cà Mau đã sử dụng một số hợp chất để phun lên hạt ure nhằm giảm mức tiêu thụ phân bón trong cây trồng, từ đó gián tiếp giảm lượng CO2 phát thải.

“Các chất bọc vào hạt urê sẽ giúp ức chế quá trình phân giải khi bón vào cây. Thời gian kéo dài, cây sẽ hấp thụ được nhiều Ni-tơ hơn, cũng đồng nghĩa với việc lượng phân bón sử dụng sẽ ít đi khoảng 30% so với thông thường” - vị lãnh đạo cho biết.

“Một thực tế là hiện tại, nông dân ở Việt Nam chưa biết tiết kiệm trong quá trình trồng trọt. Chúng tôi đã định hướng rất nhiều, nhưng cho sản lượng này chưa cao. Đây cũng là điều hạn chế. Dù vậy, vẫn phải cố gắng để nông dân có thể sử dụng tối ưu nhất, lượng ít nhất mà vẫn đạt hiệu quả, là câu chuyện dành cho các chuỗi sau này”.

Ông Thanh còn đặc biệt hé lộ rằng Đạm Cà Mau đang có dự án sản xuất CO2 thực phẩm từ các nguồn khí đầu vào dư thừa.

“Quá trình cung cấp khí đầu vào (từ GPP Cà Mau) sẽ phát sinh lượng khí dư thừa thải ra ngoài, gồm 60% CH4 và 40% CO2. Lượng khí dư này trước kia sẽ xử lý bằng cách đốt, gây lãng phí và có hại cho môi trường. Cách đây 3 năm, toàn bộ lượng khí trên được PVCFC tận dụng mua lại, tách CH4 riêng để làm nhiên liệu sản xuất. Còn lượng CO2 dư thừa sẽ do dự án mới xử lý. Mỗi ngày có thể tách được 70-100 tấn CO2, mỗi năm khoảng 7,000-8,000 tấn, dự kiến sẽ ra sản phẩm vào cuối năm 2024.

Dự án có thể không mang lại quá nhiều doanh thu, nhưng giúp giải quyết khí thải và có thêm tài chính cho Tập đoàn. Đồng thời, mang lại lợi thế đáng kể cho phát triển bền vững”.

Phát triển bền vững không chỉ nằm ở môi trường. Trụ cột thứ 2 trong ESG là cải thiện an sinh xã hội, cũng là mảng được Đạm Cà Mau làm mạnh.

“Mỗi năm, Đạm Cà Mau chi khoảng 50-70 tỷ đồng cho các công tác an sinh xã hội. Ngoài các công trình lớn là điện, đường, trường, trạm, còn là các công trình nhà cho người nghèo, nhà tình thương, học bổng… Hàng năm, Công ty chi hơn 5 tỷ đồng để tiếp bước tới trường cho học sinh nghèo” - trích chia sẻ của ông Văn Tiến Thanh.

Với phương châm “không để ai bị bỏ rơi”, công tác an sinh xã hội cho chính nhân viên của Công ty cũng được thực hiện tích cực. “Những trường hợp gia đình khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo… đều được quan tâm rất kỹ, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Công ty cũng tổ chức một số chương trình an sinh xã hội, như định hướng nghề nghiệp cho 13 trường THPT tại Cà Mau, tổ chức cho học sinh đến tham quan, định hướng, cọ xát nghề nghiệp tại nhà máy. Tuy không hợp tác cùng các trường đại học, Đạm Cà Mau có nhận sinh viên đến thực tập tốt nghiệp và 2 năm qua có chương trình thực tập sinh với đối tượng là sinh viên chưa tốt nghiệp hoặc đã tốt nghiệp mà chưa đi làm. Thực tập sinh tham gia có thể được hỗ trợ 7 triệu đồng/tháng - mức tôi cho là tốt đối với sinh viên mới ra trường” - lãnh đạo Đạm Cà Mau nói thêm.

Cũng từ những ngày đầu tiên, Đạm Cà Mau đã có định hướng rõ ràng về quản trị với yếu tố quan trọng nhất là sự minh bạch. Tổng Giám đốc Văn Tiến Thanh chia sẻ, từ khi bắt đầu cổ phần hóa, Đạm Cà Mau đã thành lập bộ phận IR (Quan hệ Nhà đầu tư).

“Giai đoạn đầu, người giữ mảng này còn phải kiêm nhiệm thư ký Công ty nên các quy định, trách nhiệm về công bố thông tin hay tài chính đều nắm vững và tuân thủ rất chặt. Cả về tính minh bạch nội dung cũng như thời gian công bố, tất cả đều đáp ứng, chưa khi nào trễ hẹn”.

Theo ông Thanh, những người làm IR ở Đạm Cà Mau có vai trò là người kết nối, chia sẻ thông tin cho nhà đầu tư. Vai trò ấy trở nên quan trọng hơn khi các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều đến cổ phiếu DCM.

“Nhà đầu tư thường xuyên trao đổi, tìm hiểu các thông tin hoạt động của Công ty (thường là trước kỳ ĐHĐCĐ hoặc bán kỳ cuối năm). Công ty, vì thế, đã tổ chức các buổi gặp mặt trực tiếp với nhà đầu tư. Phần lớn trong đó là các quỹ, nhưng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ quan tâm và tham gia”.

Sự minh bạch còn được thể hiện qua những quy trình quản trị nghiêm ngặt mà Đạm Cà Mau ứng dụng. Khi mới thành lập, ông lớn phân bón dùng hệ thống ISO, như ISO 9000, ISO 15000, ISO 18000. Đến 2014, DCM điều chỉnh theo chuẩn COSO của Mỹ. Không những vậy, hệ thống quản trị của Đạm Cà Mau còn được IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế) hỗ trợ tư vấn, qua đó điều chỉnh cơ cấu HĐQT. Từng bước, quy trình quản trị của Đạm Cà Mau được hoàn thiện, thậm chí “được PVN sử dụng để tham khảo” - ông Thanh chia sẻ.

Trong quản trị rủi ro, ông Thanh cho biết, Đạm Cà Mau đã xây dựng theo 3 tuyến phòng thủ. Đầu tiên là chốt chặn quy trình tác nghiệp. Thứ 2 là các ban chuyên môn, như ban pháp chế tuân thủ sẽ thẩm tra tính tuân thủ quy trình; ban kỹ thuật xử lý an toàn công nghệ thẩm định về mặt kỹ thuật; ban tài chính kế toán thẩm tra các yếu tố về tài chính, như chi phí hay thuế. Và tuyến 3 chính là kiểm toán nội bộ.

Với những quy tắc quản trị chặt chẽ ngay từ ban đầu, ông Thanh tự tin khẳng định: rủi ro đối với Đạm Cà Mau khó lòng nằm ở nội tại Doanh nghiệp mà chỉ có thể từ bên ngoài.

“Hệ thống quản trị hay tính tuân thủ của Công ty rất mạnh, nên rủi ro lớn không nằm ở nội tại mà thường đến từ bên ngoài. Chiến lược, giá, nguyên liệu… nói chung là diễn biến thị trường và các đối thủ cạnh tranh, tôi cho là rủi ro lớn nhất” - ông Thanh nói thêm.

“Đạm Cà Mau không mang giá trị trước mắt cho cổ đông. Người đầu tư vào đây, họ hướng đến giá trị doanh nghiệp nhiều hơn” là lời bộc bạch của ông Thanh về những gì Đạm Cà Mau mang lại cho cổ đông. Đó là tài sản, là dòng tiền vững mạnh và hiệu quả mạnh mẽ trong quản trị.

“6 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản hợp nhất của Đạm Cà Mau đã tăng 1.8 ngàn tỷ đồng. Nhà máy phân đạm đầu tư 700 triệu USD, đến nay đã khấu hao hết phần dây chuyền thiết bị, và chỉ còn một ít khấu hao phần nhà xưởng. Thiết bị của nhà máy do thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ, cải tiến, cải hoán nên dù đã hết khấu hao về tài chính nhưng vẫn vận hành an toàn ổn định, vượt 15% so với công suất thiết kế và giúp tiêu hao giảm đi. Đây rõ ràng là bức tranh giá trị của Đạm Cà Mau về mặt tài sản” - ông Thanh cho biết.

Giá trị thứ 2 là dòng tiền mạnh của Doanh nghiệp, với hơn 7 ngàn tỷ đồng đầu tư tài chính, tiền và tương đương tiền khoảng 4 ngàn tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2/2024. Dòng tiền này tạo cơ hội đầu tư hiệu quả cho Đạm Cà Mau. Chẳng hạn, ông Thanh tiết lộ, Đạm Cà Mau hiện đang gửi tiền tại các ngân hàng Big4 với lãi kỳ hạn 6 tháng khoảng 3.4%/năm, nhưng đồng thời Công ty cũng vay lại một theo kỳ hạn ngắn với lãi suất chỉ 2.8%/năm, để hưởng chênh lệch kỳ hạn và lãi suất, cũng như tối ưu nguồn vốn.

Thứ 3 là hiệu quả trong hoạt động quản trị - điều được ông Thanh tin rằng có mối quan hệ nhân - quả với 2 giá trị nêu trên. Đơn cử, Doanh nghiệp quản trị đầu tư với đặc thù hướng đến các thương vụ tiềm năng lợi ích to lớn nhưng với mức giá hợp lý, qua đó tích lũy thêm tài sản và tối ưu được dòng tiền.

“Đạm Cà Mau đã mua lại Nhà máy phân bón Hàn - Việt (KVF). Nhà máy này người ta đã đầu tư 89 triệu USD, chúng tôi mua 23 triệu USD. Sau khi định giá lại, chúng tôi có thặng dư lợi nhuận 167 tỷ đồng được ghi nhận trong BCTC quý 2. Quá trình tái tổ chức nhân sự sau đó đã giúp KVF lập tức có lãi ngay trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua” - ông tiết lộ.

Một ví dụ khác được nêu là Nhà máy sản xuất phân bón Cà Mau - chi nhánh Bình Định, trước mắt đang sử dụng làm kho, đóng gói và phân phối. “Nhà máy có tổng diện tích 2.9ha, giá mua chỉ 52 tỷ đồng, là khoản chi phí rất hợp lý”.

Hiệu quả từ quản trị dự án cũng được chú trọng. Số liệu từ Đạm Cà Mau, nhà máy sản xuất NPK có tổng mức đầu tư dự kiến là 879 tỷ đồng, nhưng quyết toán chỉ còn 748 tỷ đồng, tức giảm 15%. Hay dự án kho chứa 10 ngàn tấn, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 150 tỷ đồng, nhưng thực hiện chỉ 114 tỷ đồng, giảm hơn 35%. Hay cảng nhập nguyên liệu 500,000 tấn, giảm từ dự kiến 119 tỷ đồng còn khoảng 107 tỷ đồng sau quyết toán, giảm 10.76%.

“Tất cả đều là dự án đấu thầu công khai, minh bạch trên cổng thông tin quốc gia và tiết kiệm chi phí. Chúng mang lại giá trị thực tế cho Doanh nghiệp, cũng là giá trị lớn nhất mang tới cho cổ đông”.

Hãy bình chọn Doanh nghiệp niêm yết có hoạt động IR tốt nhất năm 2024 cho DCM từ ngày 01/08/2024 đến 14/08/2024 tại website của Chương trình IR Awards 2024 (ir.viestock.vn).

Châu An

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   SEA: Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Đỏ - người có liên quan đến Ủy viên HĐQT - đã mua 18,000,000 CP (09/08/2024)

>   VPA: Báo cáo tài chính bán niên năm 2024 (09/08/2024)

>   CFM: Nghị quyết Hội đồng quản trị (09/08/2024)

>   BSD: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (09/08/2024)

>   FLC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (09/08/2024)

>   FLC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (09/08/2024)

>   CFM: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện tạm ứng cổ tức năm 2024 bằng tiền (09/08/2024)

>   BRR: Ngày đăng ký cuối cùng Tham dự Đại hội cổ đông bất thường năm 2024 (09/08/2024)

>   A32: Ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng tiền mặt (09/08/2024)

>   VDL: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (09/08/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật