20 cổ phiếu đã lập kỷ lục thời đại trong năm 2024 đang như thế nào?
Mặc dù sự bi quan vẫn còn xuất hiện trên thị trường chứng khoán nhưng một số dấu hiệu đã xuất hiện trở lại tạo ra hy vọng cho không ít nhà đầu tư. Trong số này, việc quan sát vận động của những cổ phiếu mạnh nhất thị trường cũng có thể tạo những thay đổi về tâm lý.
Trong phiên giao dịch 13/08, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đón chào trở lại những trường hợp cổ phiếu phá kỷ lục giá với các mã cổ phiếu NAB (+6.93%), CSV (+6.92%). Phần nào đó, thị trường đã cho thấy những điểm sáng đã xuất hiện sau một giai đoạn tâm lý chuyển biến bất ổn.
Thực tế, từ đầu năm 2024 cho đến nay, chỉ số VN-Index vận đi lên một cách tích cực với mức tăng trưởng đạt gần 8.9%. Những trường hợp cổ phiếu phá kỷ lục giá thời đại từ đầu năm 2024 không phải số lượng nhỏ. Cụ thể, đã có 285 cổ phiếu hoặc chứng khoán ghi nhận giá kỷ lục thời đại từ đầu năm 2024 tính đến hết phiên giao dịch 13/8.
Do nhiều cổ phiếu có thanh khoản yếu, nên sự chú ý của nhà đầu tư chủ yếu dành cho những cổ phiếu có thanh khoản cao nhất. Dưới đây là 20 cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trong nhóm các cổ phiếu đã lập kỷ lục giá thời đại:
20 cổ phiếu đã vượt đỉnh thời đại có thanh khoản cao nhất (Tính theo khối lượng bình quân 20 phiên gần nhất)
|
Theo đó, 20 cổ phiếu này có thanh khoản từ hơn 1 triệu đơn vị như trường hợp của LAS (1.5 triệu cổ phiếu/phiên) đến hơn 24 triệu đơn vị như MBB (24.4 triệu cổ phiếu/phiên).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng với ưu thế về thanh khoản có sự góp mặt của 8 gương mặt đã lập kỷ lục như MBB, ACB, HDB, CTG, LPB, BID, NAB, VCB. Còn nhóm tài chính chứng khoán đóng góp MBS, FTS, EVF. Nhóm công nghệ có FPT, VGI. Ngay cả nhóm bất động sản dù xu hướng ngành còn khó khăn nhưng cũng đóng góp cổ phiếu NTL với giá kỷ lục đã được ghi nhận là 28.950 đồng/cổ phiếu.
Với một thị trường vừa phải đi qua giai đoạn khá bi quan, các cổ phiếu đã vượt đỉnh thời đại cũng đang phải chịu mức chiết khấu mạnh.
Tính đến hết phiên 13/08, 20 cổ phiếu kể trên đã giảm bình quân 15.7% từ mức giá kỷ lục. Trong các phiên giao dịch trước, mức giảm thậm chí còn lớn hơn cho thấy những cổ phiếu được xem là mạnh nhất thị trường cũng đã rơi vào trạng thái điều chỉnh (giảm trên 10%) hoặc thị trường con gấu (giảm trên 20%).
2 trường hợp như VGI và EVF là những bằng chứng rõ nhất khi đã giảm hơn 40% từ mức giá kỷ lục (tính đến hết phiên giao dịch 13/8).
Cổ phiếu EVF đã giảm hơn 40% từ mức giá kỷ lục thiết lập trong năm 2024
|
Dù sao, nhiều cổ phiếu cũng đã có những chuyển động hồi phục trở lại để giúp thu hẹp chênh lệch giữa thị giá và giá kỷ lục (Drawdown) trong các phiên gần đây. Ngoài trường hợp của NAB, các cổ phiếu Ngân hàng như MBB (-8%), ACB (-7%), HDB (-3%) cũng đã ra khỏi trạng thái điều chỉnh.
Nếu mức Drawdown của các cổ phiếu Ngân hàng cũng như các mã khác có thể tiếp tục thu hẹp trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ có thêm những bằng chứng thuyết phục giúp lấy lại niềm tin đã bị đánh rơi trong thời gian vừa qua.
Theo ông Bùi Văn Huy, Chứng khoán DSC, trong tuần trước thị trường đã có những phản ứng hoảng loạn nhưng đã dần hồi phục trong các phiên vừa qua. Bên mua có xu hướng ưu tiên những ngành nào hoặc cổ phiếu nào rơi vào trạng thái quá bán. Nhịp phục hồi đầu tiên có xu hướng tập trung vào các nhóm đã rơi sâu 20-30% trong vòng 1 tháng qua, trong khi đó cơ bản không có gì quá xấu.
"Sau đà phục hồi những cổ phiếu quá bán đầu tiên, thị trường có thể phân hóa hơn và đi theo những câu chuyện riêng. Cổ phiếu nào còn nội tại sẽ tiếp tục phục hồi đi lên, trong khi đó các cổ phiếu kém cơ bản sẽ khó đi xa. Nhà đầu tư sẽ cần cơ cấu lại danh mục tập trung vào các ngành, cổ phiếu có nền tảng tốt." ông Huy cho biết thêm.
Còn theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối phân tích VNDirect, định giá của thị trường đã về mức hấp dẫn hơn khi P/E của VN-Index đã có thời điểm chạm mức -1 độ lệch chuẩn, từ đó kích thích dòng tiền “bắt đáy” nhập cuộc.
Quan điểm của bộ phân tích VNDIRECT vẫn duy trì kịch bản cơ sở VN-Index có thể đóng cửa năm 2024 ở vùng 1,300-1,350 điểm.
Quân Mai
FILI
|