Vinatex đấu giá 25% vốn May Bình Minh, khởi điểm hơn gấp đôi thị giá
HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) vừa thông qua chuyển nhượng 100% vốn góp của Vinatex tại CTCP May Bình Minh (UPCoM: BMG).
Ảnh May Bình Minh
|
Vinatex dự kiến chào bán hơn 1.32 triệu cp BMG nắm giữ, tương ứng 25% vốn, giá khởi điểm 43,700 đồng/cp. Nếu hoàn tất thương vụ, “ông lớn” ngành dệt may sẽ thu về khoảng 60 tỷ đồng.
Phương thức chào bán thông qua đấu giá công khai tại HNX. Thời gian dự kiến chào bán sau khi UBCKNN chấp thuận.
Thực hiện đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn Dệt May Việt Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", đầu tháng 5 vừa qua, HĐQT Vinatex đã thông qua việc thoái vốn tại 8 đơn vị, bao gồm May Bình Minh.
Danh sách còn lại còn có CTCP Dệt lụa Nam Định, CTCP Vinatex Đà Nẵng (UPCoM: VDN), CTCP May Nam Định, CTCP Tổng Công ty May Đồng Nai (MDN), Tổng Công ty Nhà Bè - CTCP (UPCoM: MNB), Công ty TNHH May mặc xuất khẩu Tân Châu và CTCP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Dệt may (UPCoM: VTI).
Trong số các đơn vị trên, chỉ có VTI là công ty con của Vinatex với tỷ lệ sở hữu 68.34% vốn, giá trị đầu tư gốc trên 26 tỷ đồng. Còn lại đều là công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu dưới 50%, trong đó khoản đầu lớn nhất vào May Nhà Bè với giá trị gốc hơn 50 tỷ đồng, tương ứng 26.37% vốn.
Tại thời điểm 31/03/2024, Vinatex có 34 công ty con và 31 công ty liên kết.
Đơn vị Vinatex vừa đăng ký thoái vốn có gì đáng chú ý?
May Bình Minh (BMG) là đơn vị đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam thực hiện cổ phần hóa năm 1998, và trở thành công ty đại chúng từ năm 2017. Ngành nghề chính là may trang phục, buôn bán vải, hàng may sẵn, giày dép. Năm 2023, lao động bình quân là 656 người, thu nhập bình quân hơn 10.7 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy May Bình Minh. Ảnh: BMG
|
BMG có góp vốn đầu tư liên kết CTCP Nguyên phụ liệu Dệt may Bình An giá trị 700 triệu đồng. Hiện, Công ty còn có 4 chi nhánh với diện tích nhà xưởng hơn 40,000m2 tại TPHCM, Bình Dương, Hà Nội và Hải Phòng với hơn 3,000 máy móc thiết bị hiện đại.
Sau 3 lần tăng vốn, vốn điều lệ của May Bình Minh tăng từ 18 tỷ đồng năm 2004 lên gần 53 tỷ đồng năm 2018 (gấp gần 3 lần), và được giữ nguyên đến nay.
Về tình hình kinh doanh, từ lần đầu công bố thông tin năm 2016, BMG ghi nhận doanh thu bình quân 360 tỷ đồng/năm; lãi ròng bình quân 13 tỷ đồng/năm, mức thấp nhất vào năm 2021 với lãi chưa đến 7 tỷ đồng do ảnh hưởng COVID-19.
Kết quả kinh doanh của BMG |
|
May Bình Minh là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức đều đặn từ năm 2018, duy trì tỷ lệ 15% bằng tiền (1,500 đồng/cp) suốt 6 năm qua, và dự kiến tiếp tục mức này cho năm 2024.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu BMG đã tăng hơn 22% trong 1 quý và đang đứng ở mức tham chiếu 20,300 đồng/cp (phiên sáng 18/07). Như vậy, giá khởi điểm Vinatex chào bán đang cao hơn gấp 2 lần.
Diễn biến giá cổ phiếu BMG từ đầu năm 2024 |
|
Thanh khoản cổ phiếu BMG èo uột, nhiều phiên không có giao dịch, bình quân phiên từ đầu năm chỉ hơn 100 cp. Nguyên nhân do cổ đông khá cô đặc, Vinatex hiện là cổ đông lớn nhất sở hữu 25% vốn BMG.
Trong đó, Chủ tịch HĐQT BMG Lê Mạc Thuấn đại diện Vinatex nắm giữ 22%, còn đại diện 3% là Thành viên BKS Hồ Đặng Ngọc Diễm. Cả hai vị này không sở hữu riêng cổ phần tại BMG.
Ngược lại, một số lãnh đạo BMG đang nắm giữ từ vài chục ngàn tới hàng trăm ngàn cổ phiếu. Cụ thể, gia đình Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Hải sở hữu 12.93%, riêng ông Hải nắm 5%. Hay như Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thắng (4.48%), Tổng Giám đốc Võ Quốc Hào (2.83%), Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thu Nhung (1.26%)…
Ngoài ra, May Bình Minh có hai cổ đông lớn nước ngoài là Domex Company Ltd (HongKong) sở hữu 10% vốn BMG, cá nhân Tu Yen - Hsien nắm 5%.
Thế Mạnh
FILI
|