TP HCM truy xuất nguồn gốc cho hơn 500 lượt doanh nghiệp
UBND TP HCM đã ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn với 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau quả tươi, tôm, thủy sản sơ chế có bao gói, tổ yến.
Ngày 6-7, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM tổ chức hội thảo "Điểm hẹn kiều bào số 1" năm 2024 với chủ đề "Vai trò cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn TP HCM tham gia thực hiện truy xuất nguồn gốc theo quyết định 1039/QĐ-UBND".
Tại hội thảo, ông Trần Đức Hiển, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cho biết hiện nay người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm không chỉ ở chất lượng, mẫu mã, mà còn quan tâm thông tin liên quan tới quá trình sản xuất, nhất là những hàng hóa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như: thực phẩm, đồ uống, dược phẩm... Vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa đã, đang trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trên thế giới.
Một số doanh nghiệp chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng Việt cũng cho biết các sản phẩm chưa truy xuất nguồn gốc sẽ khó gia nhập các thị trường khó tính.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM cho biết, ngày 19-1-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Đề án 100).
Khách mời chia sẻ các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại hội thảo
|
Tại TP HCM, sau hơn 2 năm áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc theo Đề án 100, Thành phố đã thực hiện truy xuất nguồn gốc cho hơn 500 lượt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nhu cầu xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn Thành phố do các sở, ban, ngành cung cấp.
Sở Khoa học và Công nghệ cũng tham mưu UBND Thành phố ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn với 7 nhóm sản phẩm, hàng hóa, gồm: thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau quả tươi, tôm, thủy sản sơ chế có bao gói (cá rô, cá lóc, cá sặc, khô cá dứa), tổ yến.
"Đến nay đã có 61 đơn vị tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc. Đối với sản phẩm thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, có 47 cơ sở thuộc chuỗi cung ứng trên địa bàn Thành phố tham gia; đối với sản phẩm rau quả tươi, thủy sản đã có 14 cơ sở trên địa bàn sử dụng mã số, mã vạch tại Việt Nam áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo các tiêu chuẩn Việt Nam" – đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cho biết.
Đề án 100 hướng tới việc xây dựng, triển khai ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước thông qua việc nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới xây dựng cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hóa đảm bảo nhu cầu trao đổi và khai thác thông tin của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong nước và quốc tế.
Đến nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc và danh mục sản phẩm, hàng hóa ưu tiên truy xuất nguồn gốc trên địa bàn để tham mưu UBND Thành phố lập danh mục văn bản quy định, pháp luật về truy xuất nguồn gốc. Qua đó, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị trong triển khai truy xuất nguồn gốc vào thực tiễn địa phương gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.
|
T. Nhân
Người lao động
|