Thứ Tư, 10/07/2024 13:32

Tác động của tiêu dùng yếu từ góc nhìn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp

Tiêu dùng yếu đang là một vấn đề rất quan ngại đối với sức khỏe của nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng tiêu dùng danh nghĩa vẫn ở mức 8-9%, nhưng mức tăng trưởng thấp này đang tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích từ góc nhìn hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, để thấy khi cầu thị trường sụt giảm sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào.

Trong suốt một thập niên qua, tăng trưởng tiêu dùng đã trở thành động lực chính thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Sự gia tăng của chi tiêu hộ gia đình không chỉ thúc đẩy sản xuất và dịch vụ, mà còn tạo ra một luồng gió mới cho nền kinh tế, tạo nên một môi trường kinh doanh sôi động và đa dạng. Tăng trưởng tiêu dùng còn giúp dòng chảy tín dụng của ngân hàng tập trung hơn vào nhu cầu vay tiêu dùng cá nhân, thay vì tập trung quá nhiều vào tín dụng doanh nghiệp như trước, từ đó nâng cao chất lượng tín dụng.

Nhu cầu tiêu dùng yếu khiến cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng 2022 lần đầu tiên thấp hơn tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp trong suốt nhiều năm qua. Tiêu dùng cùng với tín dụng tiêu dùng yếu sẽ dẫn đến việc chi tiêu cho các sản phẩm dịch vụ từ doanh nghiệp sụt giảm. Trong đó, các sản phẩm sụt giảm đầu tiên chính là các sản phẩm hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, người dân sẽ bắt đầu từng bước thực hiện chính sách thắt lưng để tối ưu hóa chi tiêu.

Tăng trưởng tiêu dùng sụt giảm mạnh so với giai đoạn trước

Với quy mô hơn 100 triệu dân thì thị trường tiêu dùng trong nước luôn là động lực và là nền tảng quan trọng để duy trì tăng trưởng kinh tế. Sức cầu lớn trong nước giúp cho các doanh nghiệp có một nguồn hậu thuẫn lớn để thực hiện các hoạt động đầu tư mở rộng. Bên cạnh đó, tiêu dùng nội địa còn giúp cho nền kinh tế Việt Nam tránh phụ thuộc từ sự biến động của thị trường bên ngoài. Vì là một thị trường đang phát triển, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào tăng vốn đầu tư và xuất khẩu, đặc biệt là xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI để có thể hỗ trợ tăng trưởng. Tuy nhiên, môi trường vĩ mô quốc tế có nhiều biến động như hiện nay ảnh hưởng lớn đến các động lực này. Trong đó, dư địa về tăng trưởng xuất khẩu bị hạn chế do chịu những tác động tiêu cực do sức tiêu dùng hồi phục thấp ở các thị trường lớn cũng như các khách hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu cũng đang thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát.

Đứng trước tình hình xuất khẩu vẫn thiếu vắng các đơn hàng, lĩnh vực tiêu dùng trở thành bệ đỡ quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm. Để sản xuất công nghiệp từng bước hồi phục, nhu cầu trong nước cần được thúc đẩy để tạo thị trường đủ lớn hấp thụ các sản phẩm công nghiệp. Trong cả năm 2023, tổng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng trưởng 10.2% so với cùng kỳ, đến 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3,098.7 ngàn tỷ đồng, tăng 8.6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 11.3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5.7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8.8%). Dù mức tăng trưởng vẫn dương, nhưng vẫn còn khá thấp so với mức trung bình trong quá khứ, để có thể trở thành bệ đỡ tăng trưởng kinh tế (trong các giai đoạn trước dịch, con số cần đạt được trong khoảng 10%-12% để có mức tăng trưởng kinh tế 6-7%). Điều này cho thấy sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân, khi giá cả hàng hóa có xu hướng tăng, thu nhập không tăng, cộng thêm rủi ro thất nghiệp, tạo nên tâm lý tiết kiệm, người dân ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu.

Biểu đồ 1: Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa - dịch vụ và lạm phát qua các năm

Tăng trưởng tiêu dùng yếu đã gây ra tác động tiêu cực lên các ngành sản xuất và dịch vụ. Năm 2023, làn sóng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đã đạt mức kỷ lục, số lượng doanh nghiệp chờ giải thể trong năm lên đến 64,300 doanh nghiệp, nửa đầu năm 2024, con số là 28,700 doanh nghiệp- tăng 2.6% so với cùng kỳ. Xu hướng thắt chặt tiêu dùng khiến nhiều doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động, dẫn đến việc phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng, khách sạn phải đối mặt với tình trạng suy giảm doanh thu. Tổng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được phân loại ngành nhà hàng và dịch vụ ăn uống trên 3 sàn năm 2023 có mức doanh thu thấp nhất trong vòng 10 năm qua, chỉ đạt 331.5 tỷ đồng so với con số trung bình 377.5 tỷ đồng giai đoạn 2014 - 2019, trong khi đó, lợi nhuận âm 1.5 tỷ đồng. Như vậy, xu hướng thay đổi tiêu dùng của người dân đã dần thẩm thấu vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp ngành này trong 2 năm qua.

Góc nhìn tiêu dùng từ tập đoàn Golden Gate

Công ty Cổ phần Tập đoàn Golden Gate, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng tại Việt Nam, với các thương hiệu quen thuộc như lẩu băng chuyền Kichi Kichi, nhà hàng Nhật (iSushi, Durama, Icook), các chuỗi nhà hàng nướng Gogi House và Sumo BBQ; Cowboy Jack's (pizza cho giới trẻ), chuỗi nhà hàng bia Vuvuzela và Citybeer Station… Cho đến nay, Golden Gate sở hữu hàng chục thương hiệu với quy mô 506 nhà hàng trên cả nước. Đạt hiệu quả kinh doanh tăng trưởng rất nhanh trong suốt 10 năm qua (trừ những năm giai đoạn COVID-19), nhưng 2023 là năm duy nhất mà Golden Gate đối mặt với sự sụt giảm về doanh thu và lợi nhuận. Sự sụt giảm này không chỉ phản ánh tình hình kinh doanh của riêng công ty mà còn là một dấu hiệu về sức tiêu dùng của người dân trong bối cảnh kinh tế hiện tại.

Sự sụt giảm doanh thu và lợi nhuận của Golden Gate trong năm 2023 là một minh chứng rõ ràng cho tình trạng thu hẹp tiêu dùng của người dân trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Từ mức tăng trưởng ổn định những năm trước, tổng doanh thu thuần của Golden Gate năm 2023 đạt 6,289 tỷ đồng, giảm 9.7% so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế giảm mạnh hơn 75% so với năm 2022. Doanh thu thuần chỉ đạt 91.3% kế hoạch kinh doanh đề ra và lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 83.1% . Xu hướng thắt chặt chỉ tiêu khiến nhu cầu ăn uống, tụ tập, suy giảm đáng kể và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Golden Gate. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm từ 659 tỷ đồng xuống 139 tỷ đồng, tương đương mức giảm 78.9%. Mặc dù trong năm công ty đã nỗ lực phát triển thêm 12 thương hiệu và mở rộng mạng lưới nhà hàng với tổng số 506 nhà hàng, biên lợi nhuận ròng của công ty giảm xuống mức thấp chỉ 2.2%, so với mức 6-9% của các năm trước đó (không bao gồm 2020-2021). Trung bình mỗi nhà hàng của Golden Gate năm 2023 tạo ra 12.4 tỷ đồng/ năm, giảm 20% so với con số của năm 2022.

Biểu đồ 2: Kết quả kinh doanh của Golden Gate qua các năm

Để hiểu rõ hơn về tác động của việc cầu thị trường giảm sẽ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp như thế nào, chúng ta cần hiểu được cấu trúc tài chính của các doanh nghiệp F&B nói riêng và các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nói chung. Đây là những lĩnh vực có tỷ lệ chi phí cố định cao, như tiền mặt bằng, chi phí khấu hao, phần lớn chi phí nhân viên sẽ là những khoản chi cố định hàng tháng của công ty cho dù quy mô doanh thu của công ty như thế nào. Tỷ lệ chi phí cố định cao sẽ dẫn đến quy mô đơn hàng để đạt điểm hòa vốn cũng sẽ rất cao. Một sự sụt giảm doanh thu từ 10-20% cũng sẽ có thể tác động nghiêm trọng đến biên lợi nhuận vốn rất mỏng của lĩnh vực này, trung bình các doanh nghiệp hiệu quả cũng chỉ khoảng 5-10%.

Nhìn vào kế hoạch lợi nhuận của những doanh nghiệp này cũng sẽ cho chúng ta thêm những thông tin về bức tranh triển vọng của nền kinh tế. Về kế hoạch năm 2024, Golden Gate đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 12.4% lên 7,066 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16.5% lên 162 tỷ đồng. Dựa theo kế hoạch đề ra, năm 2024, biên lợi nhuận ròng của Golden Gate chỉ là 2.3% - tương đương con số thực hiện trong năm 2023. Như vậy, 2024 có thể cũng sẽ trải qua một giai đoạn thắt chặt tiêu dùng của người dân, chi phí mở rộng tiếp tục tăng nhưng hiệu suất khai thác khách hàng của một nhà hàng sẽ thấp, chi phí quảng cáo và khuyến mãi gia tăng để thu hút thêm khách hàng. Cũng theo định hướng năm 2024, Golden Gate tập trung phát triển và mở rộng mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc một cách có chọn lọc hơn và kiểm soát chi phí thông qua việc áp dụng công nghệ cũng là một yếu tố quan trọng để cải thiện biên lợi nhuận.

Mấu chốt để phục hồi kinh tế Việt Nam sau những khó khăn hiện tại nằm ở việc cải thiện bền vững chi tiêu của hộ gia đình và xa hơn nữa là tín dụng cho tiêu dùng. Chỉ khi người tiêu dùng tự tin và có khả năng chi tiêu trở lại, các doanh nghiệp mới có thể phục hồi và phát triển bền vững. Dưới góc độ của doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng Golden Gate, những con số kết quả kinh doanh phản ánh rõ hơn động lực tiêu dùng thời gian vừa qua vẫn còn yếu. Trong đó việc cải thiện tâm lý tiêu dùng của người dân, ổn định giá hàng hóa và thu nhập là quan trọng để mở nút thắt trong xu hướng thắt chặt chi tiêu.

Lê Hoài Ân, CFA - Nguyễn Thị Ngọc An, HUB

FILI

Các tin tức khác

>   Đầu tư FPI: Dấu hiệu đảo chiều của dòng vốn (10/07/2024)

>   Tốc độ tăng thu nhập người Việt vượt Thái Lan, Philippines: Việt Nam có thu nhập trung bình cao? (10/07/2024)

>   Nhiều yếu tố hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tích cực trong nửa cuối năm 2024 (10/07/2024)

>   Giữ gìn dư địa tài khóa để ứng phó với các "cú sốc" trong tương lai (09/07/2024)

>   Cần gia tăng công cụ chính sách cho Ngân hàng Nhà nước (08/07/2024)

>   Tăng trưởng kinh tế 2024: Kịch bản tích cực tăng trưởng GDP quý III là 7.4%, quý IV là 7.6% (08/07/2024)

>   TPHCM cập nhật kịch bản tăng trưởng cuối năm 2024, phấn đấu GRDP tăng từ 7-7.5% (08/07/2024)

>   Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP quý 3 từ 6.5 - 7% (07/07/2024)

>   Thúc đẩy hợp tác ASEAN - Trung Quốc về chuỗi công nghiệp, cung ứng (06/07/2024)

>   Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Bộ KHĐT mạnh dạn kiến nghị với Chính phủ mục tiêu tăng trưởng GDP 7% (06/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật