Phó Chủ tịch VNREA: Hơn 1,000 dự án đang nằm 'bất động' chưa được triển khai
Phó Chủ tịch VNREA cho biết sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay vẫn rất suy yếu, theo thống kê trên cả nước có hơn 1,000 dự án bất động sản đang nằm 'bất động' chưa được triển khai khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS), Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, trong 6 tháng đầu năm, đối với giá chào bán căn hộ chung cư bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng từ cuối năm 2023 đến thời điểm hiện tại, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM.
* TPHCM: Giá chung cư, nhà phố tăng trung bình 15 - 20% mỗi năm
Đối với loại hình nhà ở riêng lẻ và đất nền, giá giao dịch cũng có xu hướng tăng, nguyên nhân được cho là do giá chung cư tăng cao và nguồn cung khan hiếm khiến giá bán ở phân khúc này cũng tăng mạnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia BĐS khuyến cáo, mặc dù thị trường BĐS đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất nhưng thị trường và các doanh nghiệp BĐS vẫn đang phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn thách thức do chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi trong và ngoài nước.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, sức khỏe của các doanh nghiệp BĐS hiện nay rất suy yếu, bản thân doanh nghiệp BĐS phát triển đầu tư kinh doanh để đưa nguồn cung vào thị trường, tuy nhiên theo thống kê trên cả nước có hơn 1,000 dự án bất động sản đang nằm “bất động” chưa được triển khai.
“Thị trường đang có dấu hiệu sôi động trở lại, đặc biệt giá cả tăng tốc lên mạnh là chuyện rất nghịch lý, tuy nhiên nó là thực tế”, ông Đính nói.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA)
|
Theo thống kê của VNREA, trong nửa đầu năm 2024, có hơn 27.3 ngàn sản phẩm BĐS mới được tung ra thị trường, tương đương khoảng 15% so với năm 2018-2019, nhưng vẫn còn khá thấp so với lúc thị trường phát triển bình thường.
Giao dịch đạt hơn 22.3 ngàn sản phẩm với tỷ lệ hấp thụ mạnh, tương đương 80% nguồn cung. Tuy nhiên, chỉ đạt khoảng 20% so với thời điểm năm 2018-2019, cho thấy lực cầu của thị trường đang giảm tới 80% so với năm 2018-2019.
“Nhu cầu giảm mạnh vậy thì các doanh nghiệp BĐS sẽ gặp nhiều khó khăn, khó mà sống được”, đại diện VNREA chia sẻ.
Theo ông Đính, cấu trúc sản phẩm trong nửa đầu năm chủ yếu là đất nền chiếm 46%, trong khi căn hộ bình dân chỉ 7%, còn nhà ở xã hội thì quá ít, chiếm rất nhỏ. “Ngay cả gói 120 ngàn tỷ để giải ngân là chính sách mạnh của Chính phủ để hỗ trợ cho các loại sản phẩm này nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ giải ngân chưa được 1%”, ông Đính nhấn mạnh.
* Thêm 2 ngân hàng tư nhân tham gia gói 120 ngàn tỷ hỗ trợ nhà ở xã hội
Ông Đính chỉ ra một trong những bất hợp lý của thị trường là tuy giá BĐS trên thị trường đã giảm nhiệt nhưng trong bối cảnh 3-4 năm vừa khủng hoảng, dịch bệnh lẫn khó khăn kinh tế mà giá BĐS vẫn tăng. Nguyên nhân theo ông Đính đến từ các vấn đề thể chế, tạo rào cản, không giải quyết được các vướng mắc dự án BĐS.
Thời gian vừa qua đã có rất nhiều đổi mới, đặc biệt sự quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, khẩn trương đưa các luật vào thị trường. Tuy nhiên, đại diện VNREA vẫn cảm thấy rất băn khoăn do còn nhiều vấn đề trong qua trình thực thi, phát triển các dự án đầu tư, nếu như các nghị định ban hành ra mà vẫn chưa thực sự tháo gỡ thì vẫn sẽ tiếp tục có điểm nghẽn.
“Các vấn đề về giao đất, đấu thầu, đấu giá… các quy định liệu có giải quyết dứt điểm được vấn đề không? Nếu không thì chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều dự án vướng mắc. Cụ thể, việc tính giá đất, đây có lẽ là vấn đề tới chiếm 80% vướng mắc dự án BĐS. Nếu không xử lý cách triệt để thì vẫn còn đó vướng mắc”, ông Đính nêu quan điểm.
Phó Chủ tịch VNREA cho hay, các doanh nghiệp hiện nay vừa mừng lại vừa lo, mừng vì Chính phủ rất quyết liệt đẩy nhanh giải quyết các vấn đề về thể chế. Nhưng lo vì còn đâu đó trong các nội dung về quy định vẫn còn vướng.
Chính phủ cũng đang tác động rất mạnh tới nhà ở xã hội, nhưng phân khúc này hiện đang có rất nhiều vấn đề về lợi ích doanh nghiệp, đối tượng khách hàng,..
“Chính phủ đang cho doanh nghiệp mức lợi nhuận rất thấp để làm nhà ở xã hội, nhưng lại rải rất nhiều các quy trình xử lý, nên việc họ vượt qua các quy trình đó thì khả năng chi phí đội lên rất nhiều và có thể ‘nuốt’ hết biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp”, ông Đính nói.
Thanh Tú
FILI
|