Thứ Tư, 31/07/2024 10:59

Những câu hỏi nhỏ gửi đến quận 1

Chiều tối ngày 30/07, tôi dẫn mấy người bạn nước ngoài đi ngang qua khu vực công viên 23-9, dọc theo đường Phạm Ngũ Lão ra tới đường Nguyễn Thái Học, quận 1, rác xả mép đường, các thùng xốp dùng để đựng rác, đặt trước nhiều nhà thì có cái quăng chỏng chơ, có cái rách tươm như một… thứ rác, các bao rác nhựa đen thì tập kết dưới gốc cây... Chưa kể, hàng quán hai bên đường vẫn bày lấn hết lối đi của khách bộ hành, có mấy hàng rau củ chiếm trọn vỉa hè, nước chảy lai láng ra đường.

Những dãy nhà, vỉa hè, con đường dưới ánh đèn vừa lên vẫn không che giấu hết những nhếch nhác, xấu xí, mất vệ sinh, mất an toàn. Và đây hầu hết là những con đường ở quận 1, ngay trung tâm thành phố.

Trên đường Phạm Ngũ Lão, rác được vứt bừa bãi dưới gốc cây
Rác xả mép đường Nguyễn Thái Học, quận 1.

Khuya tuần trước, tình cờ tôi lọt vô khu phố Tây, chỉ một đoạn đường ngắn thôi nhưng vừa rác vừa nồng nặc đủ thứ mùi, trong đó có cả mùi “bóng cười” phả ra từ mấy quán bar bình dân nằm sát đường. Những cô gái, có cả người thuộc cộng đồng giới tính thứ ba lập lòe hai bên đường.

Không bàn đến các yếu tố “nhạy cảm” khác, ở đây chỉ là một thoáng quan sát trực diện một góc nhỏ của khu trung tâm thành phố về đêm đã bật lên nhiều câu hỏi: Cho đến tận thời điểm này, thành phố nói chung, quận 1 nói riêng ngoài việc triển khai các tuyến đường có thu phí vỉa hè thì có đồng bộ với trách nhiệm đảm bảo vệ sinh, an toàn cho các tuyến đường nói trên hay không? Là một thành phố du lịch, lại là quận tập trung đông lượng du khách, quận đã có quyết sách hành động nào để làm sạch từng tuyến đường, khu phố…? Trong đó, quy định đi cùng chế tài ra sao với từng cơ sở kinh doanh, hộ gia đình, hộ cho thuê mặt bằng nếu để xảy ra và tái diễn việc xả rác, để rác không đúng nơi đúng giờ? Có hay không việc vận động, kêu gọi nên đồng bộ các vật dụng đựng rác để đáp ứng cả tiêu chí vệ sinh lẫn “đẹp mắt” lề đường? Các khung giờ thu gom rác được bố trí ra sao để đảm bảo thành phố - quận 1 ít nhất là luôn luôn không thấy rác?…

Ngoài trách nhiệm quản trị của “nhánh” ủy ban và các đơn vị chức năng thì vai trò tuyên truyền, vận động đi cùng giám sát, nhắc nhở của các tổ chức đoàn thể, ở cấp cơ sở đã và đang được tổ chức như thế nào? Tính liên tịch của các đoàn liên ngành được thể hiện ra sao trong công tác kiểm tra thực tế cho đến… trên văn bản báo cáo?

Trước thực trạng không hề mới và lạ này, từ các hạn chế, nguyên nhân, giải pháp khắc phục của các lần, đợt, thậm chí là chiến dịch kiểm tra, ra quân trước đó thì nay, vẫn không khắc phục nổi, vậy sẽ phải được đánh giá, truy nguyên các trách nhiệm đi cùng như thế nào? Và tất nhiên, giải pháp triệt để sắp tới là gì?

Quận 1 là đơn vị mà hằng năm đích thân Chủ tịch UBND TP về tham dự hội nghị của Ban chấp hành Đảng bộ quận, tại đây hầu hết các chỉ đạo đều bám sát các vấn đề trọng tâm không chỉ ở cấp độ quận mà còn gắn chặt với sự phát triển chung của thành phố. Những con số gắn với định mức thu ngân sách, tạo sức hút về dịch vụ - thương mại, du lịch… đi cùng với mục tiêu luôn giữ một khuôn mặt “sạch và đẹp” cho thành phố.

Nhưng, cho đến nay, ngoài những nỗ lực nhằm hoàn thiện dần các khâu cuối cùng của “đầu cầu” Bến Thành trong tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên nói riêng và công tác chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố nói chung thì, quận 1 với những con đường, góc phố mà chúng tôi vẫn đi qua mỗi ngày, quan sát trên nhiều khung giờ lại còn quá nhiều việc cần phải làm. Trong đó, không chỉ rác và sự sắp xếp, tổ chức còn nhếch nhác thì ngay cả một đoạn ngắn vỉa hè trên con đường “kim cương” Đồng Khởi, tính từ góc Đông Du ra tới Tôn Đức Thắng, du khách và bản thân người viết bài đã không ít lần bị vấp, có khách bị té dẫn đến trật khớp chân. Nguyên nhân là nhiều viên gạch bị bể, phần nền bị sụt, khách đang bước có khi bị sụp hoặc vấp, rất nguy hiểm.

Chúng tôi đặt lên bàn trách nhiệm về “hiện tượng” trên thì được trả lời, do từ khi thực hiện chính quyền đô thị, các quận của TP.HCM không còn quyền điều hành cân đối ngân sách mà chỉ được điều hành trong phạm vi dự toán ngân sách Nhà nước đã được giao. Do đó, dẫn đến các quận không chủ động được trong chi ngân sách thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó kể cả thay một… viên gạch bể trên vỉa hè nếu nó nằm ngoài dự toán!

Vấn đề là trong khi chờ tháo gỡ những vướng mắc ấy; và chờ đến bao giờ thì trong các cuộc làm việc của lãnh đạo thành phố với quận hay trong Nghị quyết 98 đặc thù cho thành phố, sự bất hợp lý nói trên đã được nêu ra và có giải pháp như thế nào? Bởi, du khách và người dân không thể biết, hiểu và chờ cho đến khi… nghị quyết đi vào cuộc sống; họ chỉ thấy vì sao ở một thành phố đầu tàu, một đô thị đáng sống với bao công trình đẹp, tầm vóc đã thực hiện được thì một vỉa hè, những con đường sạch, đẹp, an toàn mãi vẫn chưa thể là hiện thực được?

Xin gửi những câu hỏi trên đến quận 1.

Quốc Học

FILI

Các tin tức khác

>   Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh xây dựng Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (31/07/2024)

>   5 lợi thế cạnh tranh khi đầu tư khu công nghiệp tại Việt Nam (31/07/2024)

>   Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị EU sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" với thủy sản Việt Nam (31/07/2024)

>   Tập đoàn lốp xe Trung Quốc dự kiến nâng vốn đầu tư lên 1.7 tỷ USD tại Việt Nam (30/07/2024)

>   Nhà vườn xót ruột khi giá sầu riêng liên tục hạ (29/07/2024)

>   Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá thép cán nóng từ Trung Quốc và Ấn Độ (29/07/2024)

>   Doanh thu quý 2/2024 của Viettel Global tăng trưởng 27% (29/07/2024)

>   Doanh thu quý 2/2024 của Viettel Global tăng trưởng 27% (29/07/2024)

>   Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt người trong 7 tháng đầu năm (29/07/2024)

>   Số doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2024 tăng 6.3% so với cùng kỳ (29/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật