Lý do Phú Quốc Express tạm ngưng khai thác tuyến Sài Gòn - Côn Đảo sau 2 tháng
Sau 2 tháng khai thác, CTCP Tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express) vừa có thông báo tạm ngưng vận hành tuyến Sài Gòn – Côn Đảo và ngược lại từ ngày 29/07 cho đến khi có thông báo mới.
Lý do là hoạt động tuyến Sài Gòn – Côn Đảo không hiệu quả. Cụ thể, do cảng Sài Gòn - Hiệp Phước ở xa trung tâm, khách phải đi trung chuyển hoặc tự di chuyển đến mất khá nhiều thời gian. Quá trình vận hành khai thác tuyến còn bị ảnh hưởng bởi thời tiết và một số bất cập khác. Lãnh đạo Công ty cho biết tạm ngưng khai thác để tìm phương án thích hợp nhằm phục vụ hành khách tốt hơn.
Cách đây 3 ngày, fanpage Tàu Cao Tốc Phú Quốc Express cũng có thông báo ngưng vận hành tuyến trên trong 3 ngày 29, 30 và 31 của tháng 7.
Thông báo tạm ngưng khai thác tuyến Sài Gòn – Côn Đảo của Phú Quốc Express. Nguồn: FB Tàu Cao Tốc Phú Quốc Express
|
Hai tháng trước, ngày 13/05, vé tuyến tàu cao tốc từ Sài Gòn đi Côn Đảo chính thức được mở bán. Chuyến đi được thực hiện bởi siêu tàu cao tốc Thăng Long với 1,067 chỗ ngồi, khởi hành từ cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và cập cảng Bến Đầm (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sau khoảng 6 tiếng chạy trên biển.
Tàu chạy 3 chuyến mỗi tuần, chiều TPHCM đi Côn Đảo xuất phát lúc 7h từ Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Chiều từ Côn Đảo về TPHCM xuất phát lúc 13h từ cảng Bến Đầm. Với vận tốc 35 hải lý/giờ, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, du khách mất hơn 4 giờ để đi từ TPHCM đi Côn Đảo, hơn 3 giờ với chiều ngược lại.
Giá vé dao động từ 615 ngàn đồng đến 1.1 triệu đồng mỗi lượt, tuỳ hạng vé. Mức giá này hơi cao hơn so với tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo, đổi lại nơi xuất phát tiện lợi hơn với du khách từ TPHCM và một số tỉnh lân cận. Tuyến này đưa vào khai thác giúp người dân có thêm lựa chọn đi lại, bởi trước đó, khách chỉ có thể đi máy bay, hoặc từ TPHCM đến thành phố Vũng Tàu rồi sau đó đón tàu ra Côn Đảo. Đồng thời, góp phần tăng khả năng kết nối Côn Đảo với các tỉnh vùng Đông Nam Bộ.
Siêu tàu cao tốc Thăng Long được trang thiết bị hiện đại, ứng dụng những công nghệ mới nhất do chính những kỹ sư Việt Nam chế tạo. Tàu có tổng cộng 4 tầng, 2 tầng khoang Eco, 1 khoang VIP, một tầng trên cùng dành riêng để làm ‘Café Roof Top’. Tàu sử dụng động cơ Rolls – Royce MTU xuất xứ Đức hiện đại nhất thế giới, tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Được biết, Phú Quốc Express đã làm việc với Trung tâm vận tải hành khách công cộng tại TPHCM để lên phương án kết nối với cảng Hiệp Phước, giúp hành khách di chuyển về tuyến cao tốc Sài Gòn - Côn Đảo thuận lợi hơn.
Ngoài ra, để phục vụ hành khách sử dụng phương tiện cá nhân khu vực cảng, CTCP cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã bố trí một xe điện 20 chỗ phục vụ hành khách, ưu tiên người cao tuổi và trẻ em. Phú Quốc Express sử dụng thêm xe trung chuyển 45 chỗ để phục vụ khách.
Đối với hành khách đi taxi, ô tô ra vào cảng, phía Công ty thống nhất giảm 50% giá dịch vụ trong 3 tháng đầu hoạt động (tháng 5 - 7/2024). Đơn vị quản lý cảng cũng bố trí bãi giữ xe cho hành khách đi tàu cao tốc với mức giá 10,000 đồng/ngày đối với xe máy; 30,000 đồng/ngày đối với ô tô.
Phú Quốc Express từng thông báo sẽ tạm dừng xe trung chuyển khách từ ngày 01/06 để cho đơn vị chuyên nghiệp khác thực hiện nhưng vẫn chưa tìm được đơn vị phù hợp có thể đáp ứng được việc trung chuyển này.
Ngoài Côn Đảo, hiện đơn vị vận hành tàu cao tốc còn khai thác các tuyến cao tốc đi các đảo gồm Phú Quốc, Lý Sơn và Phú Quý. Thỉnh thoảng đơn vị thông báo tạm ngưng vận hành một số khung giờ, mới đây nhất của tuyến tàu Trưng Nhị xuất phát từ cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) đi Côn Đảo và ngược lại. Trước đó là tuyến Vũng Tàu – Côn Đảo vì lý do thời tiết.
Tàu cao tốc do Phú Quốc Express khai thác tuyến Trần Đề - Côn Đảo. Ảnh: TV
|
Nổi tiếng với tàu cao tốc hai thân lớn nhất Việt Nam, CTCP Cao tốc Phú Quốc thành lập vào tháng 10/2016, trụ sở tại huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hành khách ven biển và viễn dương.
Vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng. Trong đó, bà Nguyễn Thị Khuê góp 98%, ông Phạm Văn Hiếu (giữ chức Giám đốc kiêm đại diện pháp luật) và ông Nguyễn Văn Hoàng mỗi người 1%. Giữa năm 2017, ông Trần Văn Trung giữ chức Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, ông Vũ Văn Khương làm Chủ tịch HĐQT.
Ông Vũ Văn Khương - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tàu Cao tốc Phú Quốc
|
Ông Trung là Thành viên HĐQT không điều hành CTCP Công nghiệp Ô tô - Vinacomin (UPCoM: VMA) giai đoạn 2018-2022.
|
Tháng 07/2018, ông Vũ Văn Khương đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật. Tháng 11/2022, Công ty nâng vốn lên 233 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến hiện tại.
Tử Kính
FILI
|