Lợi nhuận quý 2 của Bidiphar đi ngang vì khoản lỗ từ đơn vị liên kết
Quý 2/2024, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Dược Bình Định hay Bidiphar, HOSE: DBD) ghi nhận lãi sau thuế giảm nhẹ so với cùng kỳ 2023, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung các năm gần đây.
Kết quả quý 2/2024 của Bidiphar
|
Cụ thể, DBD đạt 433 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý 2/2024, tăng 5% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, lãi gộp đạt 213 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 4%.
Lãi gộp tăng, nhưng khoản lỗ 2.6 tỷ đồng từ đơn vị liên doanh, liên kết (cùng kỳ lời hơn 6 tỷ đồng), cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19% lên 21 tỷ đồng, đã làm đảo chiều kết quả của DBD. Sau cùng, Doanh nghiệp lãi sau thuế 72 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ. Dù vậy, kết quả này vẫn cao hơn mặt bằng chung nhiều năm qua của DBD. Theo thống kê, chỉ quý 1/2015, quý 4/2022 và quý 2/2023 là có lợi nhuận vượt quý 2 năm nay.
Tình hình kinh doanh của DBD |
|
Lũy kế 6 tháng, doanh thu của DBD đạt 817 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 140 tỷ đồng, giảm 2%. So với kế hoạch được ĐHĐCĐ 2024 thông qua, DBD thực hiện được 41% kế hoạch doanh thu và gần 52% mục tiêu lợi nhuận năm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Cũng tại Đại hội, Bidiphar đã chia sẻ về kế hoạch đầu tư năm 2024. Doanh nghiệp dự kiến giải ngân hơn 842 tỷ đồng; trong đó, gần 108 tỷ đồng để đầu tư mua sắm, nâng cấp, sửa chữa bổ sung trang thiết bị cho nhà máy 498 Nguyễn Thái Học; hơn 734 tỷ đồng để đầu tư chuyển tiếp các dự án gồm: Nhà máy ung thư Nhơn Hội (84 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất vô trùng thể tích nhỏ (gần 624 tỷ đồng); Tòa nhà văn phòng Bidiphar (16.4 tỷ đồng)…
Đối với các dự án đầu tư mới, Bidiphar có hạng mục đầu tư mới dự án Nhà máy OSD - Non Betalactam, tổng vốn đầu tư 850 tỷ đồng, dành cho dây chuyền sản xuất thuốc uống dạng rắn.
Nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-EU, công suất 1.3 tỷ sản phẩm/năm (tương đương 100 tấn/năm), được xây dựng ở Khu kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn, Bình Định). Theo kế hoạch, nhà máy được khởi công vào năm 2025.
Trở lại BCTC quý 2, tại cuối tháng 6/2024, tổng tài sản của DBD nhích nhẹ so với đầu năm, lên hơn 2 ngàn tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn gần như đi ngang, đạt gần 1.3 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ gần 265 tỷ đồng, giảm 14%. Tồn kho tăng 5%, lên hơn 511 tỷ đồng.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 14%, lên gần 186 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí dành cho nhà máy sản xuất dược công nghệ cao.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn chiếm phần lớn nợ phải trả với 345 tỷ đồng, giảm 17%. Hệ số thanh toán hiện hành và thanh toán nhanh lần lượt là 3.8 lần và 2.3 lần, cho thấy Doanh nghiệp không gặp vấn đề trong việc hoàn tất nghĩa vụ trả nợ tới hạn.
Nợ vay chiếm tỷ trọng khá thấp, với 16 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (giảm hơn 50% so với đầu năm), là khoản vay từ BIDV; vay dài hạn 36 tỷ đồng (giảm 18%), là khoản vay từ Quỹ đầu tư Phát triển Bình Định.
Châu An
FILI
|