Thứ Hai, 08/07/2024 10:02

Khử trùng Việt Nam (VFG) - diều gặp gió

CTCP Khử trùng Việt Nam được bà Nguyễn Bạch Tuyết chèo lái. Vừa qua, thông tin vị chủ tịch 82 tuổi này nhận mức thu nhập lên tới 7.4 tỷ đồng/tháng trong quý 1/2024 làm xôn xao thị trường, bởi mức này còn cao hơn sếp lớn của nhiều ngân hàng. Không những thế, cổ phiếu VFG thời gian gần đây lên như diều gặp gió và đang ở đỉnh cao nhất lịch sử.

Lãnh đạo thu nhập khủng, cổ phiếu lên như diều gặp gió

Tổng thu nhập của bà Tuyết trong quý 1 nhận được, theo BCTC công bố, là gần 22.4 tỷ đồng, cùng kỳ năm ngoái chỉ gần 5 tỷ đồng. Không riêng bà Tuyết mà thu nhập của các nhân sự khác trong HĐQT và BKS CTCP Khử trùng Việt Nam (HOSE: VFG) đều tăng vượt trội.

VFG lý giải, quý 1 vừa qua thu nhập cao là gồm cả thưởng theo hiệu quả kinh doanh đã được phê duyệt nhưng chưa chia hết trong năm 2023 và chia hết trước 31/3 theo quy định. Bên cạnh đó còn có quỹ tiền thưởng trả thay cho cổ phiếu ESOP. Việc này, lãnh đạo VFG khẳng định thực hiện đúng quy chế do HĐQT quyết định.

Thu nhập của một số lãnh đạo VFG giai đoạn 2022-Q1/2024
(Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp

Ngoài chuyện thu nhập lãnh đạo, cổ phiếu VSF cũng làm giới đầu tư trầm trồ kể từ đầu năm 2024 khi bay vút lên mức cao nhất trong lịch sử (tính theo giá điều chỉnh) và có vẻ chưa có điểm dừng.

Diễn biến cổ phiếu VFG từ khi niêm yết trên sàn HOSE (ngày 17/12/2009) tới nay (theo giá điều chỉnh)

Trong lịch sử hơn 15 năm niêm yết, cổ phiếu VFG đón nhận khoảng 4 con sóng tăng giá. 3 trong số đó là những con sóng dài cả năm với mức tăng khoảng 65-85%, còn con sóng thứ 4 đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Chỉ trong khoảng hơn 6 tháng, giá VFG tăng từ 35,000 đồng/cp lên gần 84,000 đồng/cp (phiên 5/7/2024), tương đương tăng xấp xỉ 140%.

Hiện CTCP PAN Farm, công ty con của CTCP Tập đoàn PAN (HOSE: PAN), là cổ đông lớn nhất cũng là công ty mẹ nắm 51.25% vốn điều lệ VFG, theo báo cáo thường niên 2023. Được biết, vào cuối năm 2020, PAN thoái hết gần 15.4 triệu cp VFG cho PAN Farm thế chỗ vị trí cổ đông lớn nhất.

Cổ phiếu VFG thăng hoa trong bối cảnh kinh doanh quý 1 tăng 40% doanh thu lẫn lợi nhuận sau thuế. Kết quả này được VFG giải thích nhờ vào giá một số nông sản như gạo, cà phê, sầu riêng… tăng, góp phần đưa doanh thu tăng, trong khi giá vốn hàng bán tăng ở mức thấp hơn nhờ vào các khoản chiết khấu do nhà cung cấp thanh toán. Ngoài ra, chi phí tài chính giảm hơn 10%, tận dụng kênh đầu tư tài chính ngắn hạn giúp doanh thu tài chính tăng gần 12%.

Nói về mức thù lao khủng trong quý 1 vừa rồi, một phần nhờ vào kết quả năm 2023 vượt kế hoạch lợi nhuận hơn 18%, đạt 296 tỷ đồng nên lợi nhuận sau thuế trích ra 1.5% trả thù lao HĐQT (tương đương 4.4 tỷ đồng), trích 10% lập quỹ khen thưởng phúc lợi (gần 30 tỷ đồng), trích 8% phần lợi nhuận vượt kế hoạch để thưởng cho HĐQT (3.6 tỷ đồng), trích 15% phần lợi nhuận vượt kế hoạch để thưởng ban điều hành (6.7 tỷ đồng), trích 5 tỷ đồng để làm từ thiện, tạm ứng 3 đợt cổ tức tổng tỷ lệ 30% (hơn 125 tỷ đồng)…

Thu nhập của lãnh đạo VFG và lợi nhuận sau thuế qua các năm
Nguồn: Người viết tổng hợp

Trong lịch sử, VFG cũng là doanh nghiệp ưa thích chia cổ tức bằng tiền đều đặn cho cổ đông với tỷ lệ từ 25% đến 35%.

Nguồn: Người viết tổng hợp. Năm 2008* gồm 10% bằng CP, 15% bằng tiền

Năm 2024, Doanh nghiệp đặt mục tiêu cao nhất lịch sử với tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt 3,690 tỷ đồng và 300 tỷ đồng, tăng 4% và hơn 1% so với năm 2023. Tỷ lệ chia cổ tức 20% và ngân sách đầu tư cho năm nay dự kiến 45 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thù lao HĐQT 2024 bằng 1.5% lợi nhuận sau thuế. Nếu lợi nhuận sau thuế vượt mục tiêu, HĐQT sẽ được thưởng 5% phần vượt kế hoạch và ban điều hành là 10%.

Kết quả kinh doanh qua các năm chèn từ VietstockFinance

Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VFG qua các năm
Một số chỉ tiêu sinh lời của VFG qua các năm
Tổng tài sản, nợ phải và và vốn điều lệ VFG qua các năm

Dù trước hay sau COVID-19, VFG vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định trong kết quả kinh doanh. Nông dược, giống cây trồng, các dịch vụ kỹ thuật cây trồng, các dịch vụ khử trùng và kiểm soát dịch hại là những sản phẩm chủ đạo của VFG. Năm 2023, ngành xuất khẩu gạo Việt Nam đạt giá trị xuất khẩu 4.7 tỷ USD (tăng 36%), khối lượng 8.2 triệu tấn (tăng 15%). Gạo được giá đã giúp nông dân đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông dược, từ đó mang lại nhiều cơ hội mở rộng doanh thu cho các công ty kinh doanh sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp, trong đó có VFG.

Tranh chấp hơn 16 năm khoản đầu tư tại khách sạn Novotel Nha Trang

Tại đại hội 2024, đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà ĐBSCL chất vấn về khoản tiền VFG cho Tập đoàn PAN vay còn lớn hơn vốn điều lệ và khoản tiền VFG đầu tư vào Công ty Hải Yến đã lâu, đến nay vẫn tranh chấp với đối tác liên danh.

 Được biết, VFG cho PAN vay tín chấp 450 tỷ đồng với thời gian hoàn trả vào ngày 6/9/2024, lãi suất 6.8%/năm. Trong năm 2023, phần lãi suất PAN trả cho VFG là 9.8 tỷ đồng.

Đoàn Chủ tịch cho rằng, PAN là tập đoàn mạnh, đầu tư vào các Công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, đã tạo nhiều cơ hội tốt cho kinh doanh của VFG. Khoản tiền vay của PAN phát sinh từ tháng 6/2023, trước thời điểm VFG vay Ngân hàng HSBC để thanh toán trước hạn cho đối tác (Syngenta) để nhận chiết khấu cao hơn lãi suất tiền nhận vay.

Đại diện PAN, ông Nguyễn Anh Tuấn, cũng là Thành viên BKS VFG cho biết thêm: các khoản đầu tư này là an toàn và PAN cũng có kế hoạch chuyển trả lại cho VFG khoản vay khi đến hạn.

Vấn đề đáng lưu tâm còn lại là khoản đầu tư vào Công ty Hải Yến để xây khách sạn Novotel Nha Trang, phía VFG cho biết, việc đầu tư này đã lâu, dù có những vướng mắc về tranh chấp vốn với đối tác chưa giải quyết xong. Việc này đang có những khó khăn nhất định, nhưng ban lãnh đạo VFG đã nỗ lực điều hành và quản lý hoạt động của khách sạn để mang lại hiệu quả kinh doanh và đầu tư. Đơn vị đứng ra kinh doanh khách sạn là Tập đoàn Accor, là đơn vị có uy tín và làm tốt nhiệm vụ kinh doanh, kể cả trong thời điểm dịch COVID-19.

Khách sạn Novotel Nha Trang tiêu chuẩn 4 sao, cao 18 tầng, tổng mức đầu tư 200 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ năm 2008. Fococev Việt Nam có vốn điều lệ hơn 100.7 tỷ đồng, ông Đào Quý Chung làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật.

Ông Đào Quý Chung.

Nguồn gốc việc hợp tác này có từ tháng 7/2004, VFG ký hợp đồng góp vốn liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp III (Centrimex) để thành lập Công ty TNHH Hải Yến, trụ sở tại số 50 Trần Phú, thành phố Nha Trang. Ngày 9/10/2007, Centrimex sáp nhập vào Công ty Thực phẩm Đầu tư Công nghệ (Fococev) và Fococev không đồng ý với tỷ lệ lợi ích của các bên đối tác liên doanh trong Hải Yến. Theo đó, VFG đã khởi kiện Fococev ra Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa để giải quyết tranh chấp. Tới cuối quý 1/2024, tức sau 16 năm tranh chấp, vụ việc vẫn trong quá trình xử lý và Tòa chưa đưa ra quyết định cuối cùng.

Chủ tịch VFG Nguyễn Bạch Tuyết hiện là Tổng Giám đốc Công ty Hải Yến. Cập nhật thông tin doanh nghiệp gần nhất vào tháng 4/2021 cho thấy, Công ty Hải Yến có vốn điều lệ 60 tỷ đồng, trong đó VFG nắm 66.67% và CTCP Fococev Việt Nam nắm 33.33% còn lại.

Tính đến cuối quý 1/2024, VFG có khoản tiền mượn Công ty Hải Yến 116.5 tỷ đồng. Ngược lại, đơn vị này được VFG hạch toán là công ty liên doanh, liên kết với giá gốc đầu tư hơn 179.5 tỷ đồng, tương đương gần 300% vốn điều lệ.

Một trong những vị chủ tịch lớn tuổi nhất trên sàn chứng khoán

Nguyễn Bạch Tuyết sinh năm 1942, tính đến nay đã 82 tuổi. Bà có thể xem là một trong những vị Chủ tịch lớn tuổi nhất trên sàn chứng khoán. Bà Tuyết sinh ra ở Quảng Ngãi, xuất thân là kỹ sư nông nghiệp, công tác tại Cục Bảo vệ thực vật Bộ Nông nghiệp từ những năm 1970. Bà trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VFG vào năm 2001 và là Chủ tịch HĐQT VFG từ tháng 10/2009 cho đến nay. Hiện bà Tuyết sở hữu 1.35% vốn VFG, tương đương hơn 565 ngàn cp.

Nguyễn Bạch Tuyết - Chủ tịch VFG

Thu Minh

FILI

Các tin tức khác

>   VCA: Báo cáo tình hình quản trị Công ty 06 tháng đầu năm 2024 (05/07/2024)

>   SDP muốn bán Khoáng sản Sotraco với giá hơn 177 triệu đồng dù đã đầu tư gần 34 tỷ  (06/07/2024)

>   HNF: Báo cáo quản trị công ty bán niên 2024 (05/07/2024)

>   PPH: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh (05/07/2024)

>   ADC: Công văn công bố thông tin ký hợp đồng kiểm toán năm 2023 (05/07/2024)

>   BAX: Ký hợp đồng kiểm toán và soát xét Báo cáo tài chính năm 2024 (05/07/2024)

>   AMV: Ký hợp đồng kiểm toán BCTC năm 2024 (05/07/2024)

>   TN1: CBTT Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 (05/07/2024)

>   IMP: CBTT Nghị quyết HĐQT về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (05/07/2024)

>   DTA: CBTT Nghị quyết HĐQT về việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản (05/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật