Khu công nghiệp Campuchia muốn thu hút các doanh nghiệp từ Thái Lan và Việt Nam
Khu kinh tế đặc biệt Phnom Penh (PPSEZ), vốn từ lâu là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất Nhật Bản và Trung Quốc, giờ đây đang mở rộng tầm nhìn, hướng đến các doanh nghiệp từ Thái Lan và Việt Nam.
Tọa lạc tại thủ đô Campuchia, PPSEZ hiện là “ngôi nhà” của hơn 90 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia, trải rộng trên diện tích 3.57 km2. Đây là một trong những khu công nghiệp hàng đầu của Campuchia, sánh ngang với khu công nghiệp Trung Quốc rộng 10 km2 ở Sihanoukville.
Hiroshi Uematsu, Giám đốc điều hành của Royal Group PPSEZ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với Nikkei Asia: "Về mặt địa lý, chúng tôi có lợi thế để bổ sung cho chuỗi cung ứng của Thái Lan. Chúng tôi đang áp dụng chiến lược 'Thái Lan cộng một' để thu hút các công ty đến PPSEZ”. Chiến lược này nhắm đến xu hướng các công ty ở Thái Lan thiết lập thêm cơ sở ở các nước láng giềng do chi phí tại Thái Lan ngày càng tăng.
Với vị trí chỉ cách Bangkok 540 km, tương đương 10 giờ di chuyển bằng xe tải, PPSEZ đang trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn mở rộng hoạt động ra khỏi Thái Lan.
Nhà đầu tư Việt Nam trong tầm ngắm
Không chỉ vậy, khu công nghiệp này còn nằm cách thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai của Việt Nam khoảng 200 km, mở ra cơ hội hợp tác và chuyển giao sản xuất từ thị trường này.
Sự chuyển dịch này không chỉ là một chiến lược kinh doanh thông minh mà còn phản ánh xu hướng địa chính trị đang thay đổi. Uematsu nhận định: "Nếu Donald Trump thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể leo thang. Khi đó, Campuchia sẽ càng trở nên hấp dẫn như một điểm đến để di dời sản xuất".
Tuy nhiên, con đường phía trước không phải không có thách thức. Chi phí logistics tương đối cao của Campuchia là một rào cản cần được giải quyết. Uematsu tiết lộ: "Chúng tôi đã bắt đầu phân công 5 nhân viên chuyên trách được chứng nhận là môi giới hải quan từ tháng 5/2023 để làm rõ những chi phí không minh bạch. Trong một số trường hợp, việc này có thể giúp giảm chi phí logistics ở Campuchia xuống còn chưa đến một nửa”.
Đáng chú ý, chính phủ Campuchia đang thể hiện sự quan tâm lớn đến tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo Uematsu, Thủ tướng Hun Manet đã chỉ đạo các bộ ngành "giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp vì khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy nền kinh tế”.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|