Thứ Ba, 02/07/2024 10:09

Khối ngoại bán ròng hơn 52 ngàn tỷ đồng chỉ sau 6 tháng đầu năm, tiến gần mức “khủng” của năm 2021

Khối ngoại đã thực hiện bán ròng đến 19 trong tổng số 20 phiên giao dịch của tháng 6, ghi nhận giá trị gần 16,605 tỷ đồng trên HOSE. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị bán ròng lên đến gần 52,134 tỷ đồng, tiến gần mức bán ròng “khủng” của năm 2021.

Tiếp tục bán ròng mạnh trong tháng 6

Tháng 6 của VN-Index mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư, khi có lúc chinh phục thành công mốc 1,300 điểm mang lại sự phấn khích, nhưng sau đó giảm điểm rất nhanh kéo theo sự hụt hẫng. Khép lại tháng 6, VN-Index đóng cửa tại 1,245.32 điểm, giảm 1.3% so với cuối tháng 5, nhưng nhìn chung vẫn giữ được đà tăng điểm kể từ đầu năm.

Thị trường nhiều biến động, nhưng khối ngoại thì vẫn kiên định bán ròng trên HOSE, giá trị gần 16,605 tỷ đồng trong tháng 6.

Động thái của khối ngoại được khắc họa rõ nét hơn khi xét đến diễn biến từng phiên. Cụ thể, trong số 20 phiên giao dịch thì có đến 19 phiên khép lại với kết quả bán ròng, mạnh nhất là phiên 11/06 hơn 1,847 tỷ đồng. Phiên duy nhất mua ròng là 05/06 nhưng cũng chỉ gần 39 tỷ đồng.

Diễn biến trái ngược khi khối ngoại lại mua ròng gần 75 tỷ đồng trên HNX, đánh dấu tháng thứ 4 mua ròng liên tiếp, tuy nhiên giá trị không thấm vào đâu so với mức bán ròng trên HOSE. Tính chung các sàn, khối ngoại bán ròng gần 16,530 tỷ đồng trong tháng 6.

Tiến gần mức bán ròng “khủng” của năm 2021

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng gần 52,134 tỷ đồng trên HOSE, bỏ xa tổng giá trị gần 24,466 tỷ đồng của cả năm 2023, đồng thời tiệm cận với giá trị “khủng” hơn 56,208 tỷ đồng của năm 2021.

Diễn biến có lẽ khiến đa phần giới đầu tư chứng khoán phải thốt lên rằng, liệu khi nào đà bán ròng mới kết thúc, khi mà tháng cuối cùng họ nhìn thấy khối ngoại mua ròng đã diễn ra từ tháng 3/2023.

Các quỹ ETF tại Việt Nam tiếp tục bị rút ròng

Về chuyển động các quỹ ETF, một lượng tiền lớn vừa được đổ vào các ETF Mỹ, với gần 54.4 tỷ USD trong tuần 16-21/06, đặc biệt là quỹ đầu tư cổ phiếu Mỹ dẫn đầu dòng tiền với hơn 46 tỷ USD, đánh dấu lượng huy động ròng nhiều nhất kể từ đầu quý 2/2024 đến nay.

Tại châu Á, thị trường rất lớn là Nhật Bản bị rút ròng gần 1,703 tỷ đồng kể từ đầu tháng 6. Ngược lại, dòng tiền có xu hướng “chảy” về các thị trường khác như Đài Loan, Ấn Độ và Hàn Quốc. Còn tại khu vực các quốc gia Đông Nam Á, dòng tiền đầu tư tiếp tục bị rút ròng ở hầu hết thị trường.

Riêng Việt Nam, giá trị rút ròng ghi nhận gần 483 tỷ từ đầu tháng 6, chịu tác động chủ yếu bởi hành động của Ishares MSCI Frontier 100 và Fubon FTSE rút lần lượt 47.6 và 38.7 triệu USD. Lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị rút ròng đã hơn 1,892 tỷ đồng.

 

Trong một báo cáo gần đây của Chứng khoán Yuanta đã nhận định rằng, khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng có xu hướng dịch chuyển vào các thị trường có mức tăng trưởng mạnh, điều này cũng cho thấy dòng tiền ngoại đang ưa thích những thị trường tăng trưởng mạnh và tỷ giá tăng thấp.

Đưa ra quan điểm trong ngắn hạn, Chứng khoán Yuanta cho biết khối ngoại vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng nhưng điều này có thể sẽ không ảnh hưởng đến xu hướng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhiều “ông lớn” bị bán mạnh, vị trí dẫn đầu gọi tên FPT

Trở lại với HOSE, cổ phiếu của nhiều “ông lớn” trên sàn bị bán ròng mạnh mẽ, trong đó FPT bị bán mạnh nhất gần 4,700 tỷ đồng, Ngoài FPT, còn có ba cái tên khác cũng bị bán ròng trên ngàn tỷ là chứng chỉ quỹ FUEVFVND của DCVFMVN DIAMOND ETF gần 2,094 tỷ đồng, VHM gần 1,510 tỷ đồng và MWG gần 1,005 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, giá trị mua ròng rất khiêm tốn so với bán ròng, trong đó MBB là cổ phiếu dẫn đầu nhưng cũng chỉ được mua ròng hơn 505 tỷ đồng.

Trên HNX, IDC được mua ròng nhiều nhất với hơn 219 tỷ đồng, cao hơn đáng kể các cổ phiếu xếp sau. Ngược lại, cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất là LHC hơn 127 tỷ đồng.

Nhìn nhận về diễn biến giao dịch khối ngoại gần đây, ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu – Chuyên gia Chiến lược đầu tư, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư của SSI cho biết: “Nhìn vào thống kê bán ròng trong hai tuần cuối tháng 6, có thể nhận ra hai mã đang bị bán ròng mạnh là FPT vốn đang ở vùng giá cao so với đầu năm, bên cạnh FUEVFVND. Trong bối cảnh đó, áp lực bán ròng đối với các mã còn lại trên thị trường đã giảm”.

Ông chia sẻ thêm: “Nếu nói về tác động chung trên thị trường, áp lực lớn nhất đang nhìn thấy trong những tuần gần đây đến từ các vận động, diễn biến tự nhiên của thị trường”.

Diễn biến này được chuyên gia đến từ SSI nhận định là có sự thay đổi so với giai đoạn từ đầu năm 2024 - khoảng thời gian mà khối ngoại gây áp lực trên diện rộng, các cổ phiếu đều có mức bán ròng khá lớn.

Huy Khải

FILI

Các tin tức khác

>   PSP: Quyết định Hội đồng quản trị về việc phân công nhiệm vụ (01/07/2024)

>   Phân tích kỹ thuật phiên chiều 01/07: Tâm lý phân vân chi phối thị trường (01/07/2024)

>   HBC: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ (01/07/2024)

>   VND: CBTT nhận được Quyết định của UBCK về việc chấp thuận thay đổi địa điểm CN Nam Định (01/07/2024)

>   NAB: Thông báo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần (01/07/2024)

>   HBC: Thông báo thay đổi số lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết (01/07/2024)

>   HPG: Thông báo thay đổi giấy chứng nhận ĐKDN lần thứ 36 (01/07/2024)

>   CTF: Thông báo kết quả bầu Trưởng BKS (01/07/2024)

>   PMT: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế (01/07/2024)

>   FUESSV50: Thông báo về danh mục chứng khoán cơ cấu hoán đổi ngày 01/07/2024 (01/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật