Chuẩn bị những khâu cuối cùng cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp tích cực với các bộ, ngành quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Trân Phương. (Ảnh: Vietnam+)
|
“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang khẩn trương rà soát và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý để từng bước gỡ các nút thắt trong việc xem xét nâng hạng theo các tiêu chí của các tổ chức quốc tế. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ Cận biên lên Mới nổi.”
Nội dung trên được Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Trân Phương chia sẻ tại buổi tọa đàm “Đối thoại tháng Bảy: Nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức,” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ngày 19/7.
Vào cuộc với nỗ lực cao nhất
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, việc nâng hạng thị trường chứng khoán phụ thuộc vào sự đánh giá khách quan của các tổ chức xếp hạng quốc tế thông qua trải nghiệm thực tế của các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, Vũ Thị Trân Phương cho biết thị trường Việt Nam đã cải thiện được một tiêu chí Tổ chức MSCI đưa ra. Trong ngày hôm nay, Ủy ban Chứng khoán sẽ công bố dự thảo lấy ý kiến lần cuối cho việc sửa đổi 4 Thông tư về thị trường chứng khoán. Dự kiến cuối tháng Bảy, Bộ Tài chính sẽ tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhà đầu tư lần cuối tại Singapore, trước khi ký ban hành.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thời gian tới, ngành sẽ tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng. Cùng với đó, các cấp quản lý sẽ tập trung cơ cấu cơ sở hàng hoá, các tổ chức kinh doanh, nhà đầu tư để mở rộng hơn nữa khả năng huy động vốn, phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) gắn với niêm yết. Trên thị trường, nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng hơn trên 90%, đây là một trong những yếu tố khiến thị trường chưa ổn định, do đó cần nâng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức phải chiếm 50%-60% (như các thị trường phát triển).
Song song với đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng hỗ trợ công ty chứng khoán chuẩn bị nền tảng, hệ thống, quản trị rủi ro nhằm chuẩn bị cho nâng hạng thị trường,” bà Vũ Thị Trân Phương nói.
Tối ưu hóa dòng vốn
Về phía thành viên thị trường, chuyên gia tài chính Nguyễn Đức Hùng Linh lưu ý một số vấn đề về nâng hạng thị trường. Đầu tiên là yếu tố là hàng hoá còn thiếu, cụ thể thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ có khoảng 3 cổ phiếu trong rổ chỉ số MCSI, do đó lượng tiền thu hút được rất nhỏ và vấn đề này vẫn chưa thay đổi trong thời gian qua.
Thêm vào đó, ông Linh nhấn mạnh kể cả khi thị trường nâng hạng rồi vẫn có khả năng rớt hạng và điển hình là trường hợp của thị trường chứng khoán Pakistan. Do đó, ông Linh cho rằng quan trọng là đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường Việt Nam. Bởi trên thực thế, một số những thị trường không thoả mãn nhiều yếu tố, nhưng vẫn nâng hạng từ dưới sức ép của nhà đầu tư, như thị trường chứng khoán Trung quốc, UAE. Do đó sau khi nâng hạng, việc cần làm là phải tối ưu hoá, đưa dòng vốn thật sự vào Việt Nam và phát triển dòng vốn đó.
Nhấn mạnh thị trường chứng khoán đã có chặng đường phát triển 24 năm, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ ra: “Mức thanh khoản thị trường đang đứng nhất, nhì khu vực Đông Nam Á. Với sự ủng hộ của các thành viên, hiện thị trường chứng khoán Việt Nam đang ‘mở cửa’ để nâng hạng. Tuy nhiên, thị trường cũng giống như quán hàng ăn, nếu đồ ăn thiếu và phục vụ không tốt, nhà đầu tư nước ngoài sẽ rời nơi khác.”
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Khắc Hải, Giám đốc Khối phụ trách luật và Kiểm soát tuân thủ, Công ty Chứng khoán SSI, cho rằng nhà đầu tư nước ngoài và thị trường trong nước là mối quan hệ hai chiều: “Ta cần vốn và họ cần thị trường để giải ngân.”
Đưa ra giải pháp hỗ trợ thanh toán đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, ông Hải cho rằng công ty chứng khoán sẽ đánh giá tín nhiệm của nhà đầu tư ngoại và sau đó cung cấp dịch vụ. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sử dụng trong hạn mức đấy song công ty chứng khoán cũng phải cân nhắc rủi ro./.
Hạnh Nguyễn
vietnamplus
|