Thứ Năm, 04/07/2024 09:02

Chủ tịch GCFood Nguyễn Văn Thứ: Chuẩn ESG là bắt buộc nếu muốn mở rộng thị trường xuất khẩu

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm G.C (GCFood, UPCoM: GCF) - ông Nguyễn Văn Thứ từng chia sẻ, Công ty đang và sẽ sớm hoàn thiện chuẩn ESG riêng với sự đồng hành của các định chế tài chính riêng cho ngành nông nghiệp.

Trong một sáng giữa tháng 6, người viết có dịp trao đổi nhiều hơn với Chủ tịch GCFood về quá trình triển khai dự án ESG này.

Quá trình trao đổi với các đối tác để hoàn thiện chuẩn ESG đang được tiến hành đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thứ: Hiện nay, Công ty đang chọn đơn vị tư vấn về lộ trình làm ESG. Có sự trùng hợp là các hoạt động trước nay của GCFood cũng đã chú ý đến vấn đề ESG này, liên quan đến phát triển bền vững.

Đầu tiên, E (Environmental) là vấn đề xử lý về môi trường, đặc biệt là khi quá trình sản xuất, kinh doanh mảng nông nghiệp có tác động khá lớn. Ví dụ như khi mang nguyên liệu vào nhà máy sản xuất, việc trồng cấy nguyên liệu cũng có thể gây tác động đến môi trường.

Thêm vào đó, quá trình sản xuất sẽ phát sinh rác thải, nước thải. Nếu xử lý không triệt để, sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Trong quá trình phát triển vùng nguyên liệu, nếu không tính toán một cách khoa học, kỹ lưỡng, mang tính bền vững thì việc phát triển vùng nguyên liệu cũng có thể vô tình làm ảnh hưởng đến môi trường như cây trồng, vật nuôi khác. Đó là những điều trước đây Công ty đã làm, nhưng không để ý là có liên quan đến ESG.

Khi đã có tư duy về ESG, đầu tiên Công ty phải thuê đơn vị tư vấn để cho mình kiến thức, thông tin cần chuẩn bị trong quá trình này.

Thứ hai là về S (Social). Trong hoạt động kinh doanh, chắc chắn có những tác động đến vấn đề xã hội. Ví dụ như việc sử dụng đất, đất được quy hoạch thế nào, cho phép sử dụng thế nào cho phù hợp, có ảnh hưởng đến đời sống của người dân địa phương hay không.

Tiếp theo, khi sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường có phù hợp với xu hướng tiêu dùng của xã hội hay không. Sản phẩm đó được sản xuất theo những quy trình, công nghệ, kỹ thuật như thế nào, có đảm bảo vấn đề tối ưu hiệu quả không; sử dụng bao bì trong việc bảo quản thực phẩm có lãng phí hay sử dụng các nguồn năng lượng có lãng phí, ảnh hưởng môi trường, xã hội; sản phẩm có đạt tiêu chuẩn chất lượng, để tốt cho sức khỏe người tiêu dùng hay không…

Trước đây, doanh nghiệp chỉ quan tâm làm sao sản xuất ra được sản phẩm, đến tay người tiêu dùng có được đón nhận hay không, sản phẩm được cấp phép có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm không, nhưng chưa quan tâm thực sự sâu sắc đến bản chất bên trong của sản phẩm là gì, thành phần, hàm lượng có thể gây tác dụng phụ không. Phần lớn người sản xuất, kinh doanh hiện nay chỉ quan tâm đến việc có hàng để bán, chưa quan tâm đến những yếu tố tác động này. Dẫn chứng như ngành dược - ngành cần phải quan tâm đến tác động xã hội rất lớn, vì thuốc có thể gây ngộ độc, phản ứng phụ... Còn ngành thực phẩm hiện nay chưa được quan tâm nhiều.

Thông qua ESG, Công ty cũng nâng tầm quan tâm của mình lên, sẽ đặt tiêu chuẩn để không gây hại cho người tiêu dùng. Những việc làm có lan tỏa đến cộng đồng xã hội không, việc làm phải phù hợp với pháp luật, được Nhà nước cho phép, sử dụng nhân viên có được ký hợp đồng lao động đầy đủ hay không... Trước đây, Công ty đã làm những việc này rất tốt, nhưng gần như không biết việc đó có liên quan đến chuẩn ESG.

Còn về G (Governance) là quản trị, không chỉ ở Công ty mà còn liên quan đến Nhà nước. Tất cả cả những hoạt động của doanh nghiệp đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

Các vấn đề quản trị mà một doanh nghiệp vừa và nhỏ cần quan tâm như: Quy định về sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường, các nguyên liệu, điều kiện trong chế biến sản xuất thực phẩm... Khi áp dụng những chuẩn này, phải rà soát, xây dựng khung, có hệ thống hơn để kiểm tra, mang tính hiệu quả cao.

Hệ thống quản trị trong Công ty phải làm sao để đảm bảo được yếu tố minh bạch, hợp tác. Minh bạch là thông tin về hoạt động kinh doanh, nhân sự cũng nắm được thông tin đó, để chính nhân sự đó có bước giám sát chéo đầu tiên. Một số việc người lao động phát hiện sai, họ sẽ không làm và báo cáo lên cấp trên, được quyền từ chối làm những việc sai. Đó chính là yếu tố quản trị. Trong yếu tố quản trị cũng phải phân tầng, phân lớp, đặc biệt có sự giám sát chéo giữa các bộ phận, phòng ban.

Tất cả những điều này, GCF đang tìm đơn vị tư vấn và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay. Không chỉ liên quan đến chọn đơn vị nào trong thời gian ngắn mà còn liên quan đến chiến lược phát triển dài hạn. Khi đi vào định hướng, đơn vị tư vấn phải đồng hành với GCFood, đưa ra lời khuyên về sử dụng phương thức, kỹ thuật nào để giảm thiểu tiêu thụ nhiên liệu, nguyên liệu đầu vào hoặc những công nghệ chế biến hiện đại để tăng hiệu suất thu hồi, phương pháp chế biến để giảm nguồn nước sử dụng hay là nguồn nước sử dụng có thể tái chế, tái sử dụng ở những công đoạn nào, giảm số lượng cần sử dụng. Đây là bài toán rất lớn, nên Công ty đang tìm nhà tư vấn chuyên nghiệp.

Hiện có khoảng 3 nhà tư vấn đang tiếp cận với Công ty, nhưng chúng tôi chưa lựa chọn. Có những đơn vị tư vấn giải pháp quá hoàn hảo, nhưng chi phí quá lớn, Công ty không có khả năng áp dụng trong thời điểm hiện tại. Có những đơn vị khác tư vấn giải pháp không triệt để nên nếu hiện tại đầu tư thì sau đó sẽ cần nâng cấp, bỏ cái cũ đi, lại gây tốn kém.

Do đó, lựa chọn đơn vị tư vấn ESG nào cũng là cái khó hiện nay.

Một số doanh nghiệp tìm kiếm đơn vị tư vấn và cũng huy động vốn từ đơn vị đó. GCFood có dự kiến thực hiện như vậy?

Một ngân hàng của Anh đang tiếp cận với GCFood. Nếu triển khai ESG thành công và có giấy chứng nhận, ngân hàng đó sẵn sàng ký hợp tác song phương, tài trợ vốn hoạt động cho Công ty. Nguồn vốn tài trợ khá lớn, có thể đạt 50-70% nguồn cần huy động.

Mức lãi suất cũng ưu đãi hơn so với lãi suất thương mại. Ví dụ như thay vì 5%/năm thì giảm còn 4%/năm. Ngân hàng là bên cho vay, đồng thời cũng có thể giới thiệu bên tư vấn có uy tín cho Công ty.

Nói thêm về ESG, khi làm về môi trường, lượng tiền đầu tư vào cũng khá lớn, sẽ phải thay đổi một số máy móc, thiết bị hoặc bổ sung thêm máy móc để tăng hiệu quả hoạt động, giảm nhiên liệu tiêu hao, giảm lượng nước sử dụng hoặc là tăng hiệu quả sử dụng trên 1 ha đồng ruộng. Tất cả những điều này đều phải đầu tư, còn nếu chỉ là ý tưởng thì không thể triển khai được. Phải là đầu tư vào hạ tầng, từ đó vận hành hạ tầng thì mới giảm được tiêu hao. Khi đó mới đo lường được, có số liệu chứng minh trước khi đầu tư máy móc và sau khi đầu tư sẽ giảm thiểu được độ tiêu hao thế nào.

Dự kiến khi áp dụng chuẩn ESG thì lượng tiêu hao sẽ giảm bao nhiêu?

Hiện nay chưa có thống kê rõ ràng, nhưng có thể lấy ví dụ về máy chiller làm mát nước. Máy chiller đời cũ chỉ có thể làm 1 tác dụng, còn chiller đời mới có thể làm 2 tác dụng một lúc, tiết giảm được 20-30% năng lượng trong quá trình vừa làm nóng vừa làm lạnh, thay vì làm nóng xong thải ra môi trường rồi làm lạnh lại thải ra môi trường. Chi phí đầu tư chiller mới khá cao. Nếu quy mô hoạt động ở mức trung bình, với công suất mua từ 3-5 năm, có thể thu hồi vốn cho máy mới. Đó là tiêu đề Công ty đưa cho các nhà cung cấp để giải bài toán chi phí và tiết kiệm năng lượng.

Trong ESG, phải đo được máy mới khi đầu tư sẽ hiệu quả so với máy cũ là bao nhiêu: Hiệu quả giảm về con người, giảm nhiên liệu tiêu thụ hoặc giảm nguồn nước tiêu dùng.

Hoặc về công nghệ quản lý kho. Quy trình thông thường là ra hàng, đóng thùng và xếp kho, từ xe tải vận chuyển đến khách hàng cũng tốn một nguồn năng lượng rất nhiều.

Với kho thông thường sẽ không đạt - khi tìm kiếm hàng xuất mà quản lý bằng đơn vị thủ công sẽ tốn rất nhiều thời gian. Bây giờ, phải đưa vào hệ thống quản lý kho thông minh, phải có phần mềm quản lý, máy móc thiết bị bốc xếp kho, trích xuất... Tối ưu được về mặt nhân sự và chi phí vận hành kho, sẽ giúp giảm tiêu thụ, giảm chi phí.

Nói riêng về cây nha đam, khi áp dụng chuẩn ESG, sản phẩm chủ lực sẽ có khác biệt gì so với trước?

Đây là điều rất thú vị. Mọi người có thể nghĩ cây nha đam trước và sau khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG sẽ không có khác biệt, nhưng đi sâu vào sẽ thấy có rất nhiều cái khác.

Đầu tiên, nha đam là một dạng rau. Sau khi thu hoạch, nếu để lâu quá có thể bị úng, hư. Khi áp dụng chuẩn ESG, sẽ đồng bộ hóa được khâu thu hoạch từ vườn, chở về nhà máy và đưa vào chế biến.

Trước kia, nha đam sẽ được thu hoạch một loạt rồi đưa về nhà máy. Các xe tải có thể mất từ 3-6 tiếng mới đưa cây nha đam vào chế biến. Sau khi đồng bộ, làm sao để thu hoạch và nha đam được đưa vào chế biến, sản xuất ngay. Từ đó, chất lượng sản phẩm cũng tươi hơn, tốt hơn.

Thứ hai, khi các xe tải vào nhà máy và không mất thời gian chờ, sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành. Để giảm thiểu chi phí trong các công đoạn này là một bài toán lớn cho Công ty, không chỉ là một người hay nhóm người mà cần có sự vận hành từ bản thân Công ty và các đối tác tư vấn bên ngoài.

Chuẩn ESG tại Việt Nam chưa được cụ thể. Khi chuẩn được cụ thể hóa, sẽ dựa trên chuẩn quốc tế. Công ty có kế hoạch mở rộng sang thị trường xuất khẩu nào khác bên cạnh thị trường hiện tại?

Các thị trường chính của Công ty hiện nay ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đông Nam Á, Trung Quốc, Trung Đông và một phần nhỏ xuất sang châu Âu. Tôi mong là khi áp dụng được chuẩn ESG, có thể tăng lượng xuất khẩu hàng đi châu Âu hay châu Mỹ.

Đặc biệt trong năm 2024, GCFood đang đầu tư một số máy móc, để sản xuất sản phẩm kích thước nhỏ cho 1 người sử dụng 1 lần. Chúng tôi cần bán sản phẩm đó ra siêu thị tại thị trường châu Âu, Mỹ và các thị trường này cần chứng nhận chuẩn ESG.

Hiện nay, hầu hết nhà mua hàng khi làm việc với GCFood đều đặt vấn đề đã có chứng nhận ESG chưa. Công ty đã nghiên cứu tìm hiểu, tuy nhiên cũng gặp những khó khăn. Mong là trong 1-2 năm tới sẽ làm được điều này. Các đối tác mua hàng cũng đề xuất trong giai đoạn hiện tại, họ sẽ đồng ý mua hàng với quy mô vừa phải, để theo dõi hoạt động kinh doanh.

Trong dài hạn, nếu muốn tăng quy mô xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ, đặc biệt là châu Âu thì chuẩn ESG là yếu tố bắt buộc.

Chuẩn ESG không phải đặt ra rào cản, mà thực chất là triết lý kinh doanh của các nhà mua hàng muốn người tiêu dùng khi mua sản phẩm phải đạt được tiêu chuẩn nào đó, ý nghĩa cao hơn cả giá trị lợi nhuận.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh việc triển khai tín chỉ carbon, sàn giao dịch trong tương lai chắc chắn sẽ hình thành. GCFood đã có kế hoạch cụ thể nào để tham gia vào thị trường tín chỉ carbon?

Công ty đã có nghĩ đến vấn đề này, tuy nhiên chưa có nhiều hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon. Đặc biệt, cây nha đam có tiết diện lá tương đối nhỏ trên độ phủ 1ha - khá nhỏ so với các loại cây trồng khác, do đó cũng chưa đo lường được việc thu hút khí carbon của cây nha đam thế nào.

Phần lớn, Công ty đang hợp tác với bà con nông dân để mở rộng nguồn trồng của mình và nếu Nhà nước ban hành quy định cụ thể về tín chỉ carbon, GCFood sẽ bàn với bà con nông dân để hỗ trợ bà con lấy được chứng chỉ đó. Tiền thu được từ việc bán tín chỉ carbon sẽ thuộc về bà con nông dân.

Lợi thế của ngành nông nghiệp trên thị trường khi tín chỉ carbon được đưa vào vận hành?

Ngành nông nghiệp có lợi thế rõ ràng hơn so với các ngành khác. Ngành nông nghiệp sử dụng nguyên liệu đầu vào là những sản phẩm nông nghiệp, xuất phát phần lớn từ cây trồng. Nếu doanh nghiệp sản xuất sản phẩm liên quan đến nông nghiệp từ cây trồng thì sẽ có được lượng hấp thụ khí carbon tốt.

Trong khi chế biến thủy sản, dệt may... hầu hết là những ngành tiêu thụ năng lượng. Mà năng lượng đó có thể từ thủy điện, nhiệt điện, đều không giúp trung hòa carbon. Như vậy, nông nghiệp là ngành có mức trung hòa carbon ở mức cao, có thể tính số lượng để ra tín chỉ.

Nói riêng về GCFood, định vị hàng đầu về công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, khi áp dụng chuẩn xanh sẽ được lợi thế hỗ trợ thế nào?

Khi nói về công nghệ cao, chúng tôi định vị rõ ràng. Nói về chuỗi giá trị của cây nha đam, GCFood đã đầu tư phòng thí nghiệm nuôi cấy mô cây nha đam, hay là cây nha đam invitro (sạch bệnh). Cây nha đam sạch bệnh này sẽ cho hiệu quả trồng trọt cao hơn khoảng 30% so với cây nha đam nhân giống ở vườn. Riêng về nha đam nuôi cấy mô đã hiệu quả hơn, cho sản lượng lớn hơn trên cùng 1 diện tích, sẽ giúp cho ESG tốt hơn, môi trường ít tổn thương hơn, ít nguyên liệu, ít tài nguyên hơn.

Thêm nữa, bây giờ GCFood quản lý vườn trồng sạch, nước sạch... Như vậy, nước sử dụng trong việc rửa lá nha đam cũng giảm thiểu. Chúng tôi có hệ thống xử lý nước tuần hoàn. Có thể nói, 30% nước xử lý trong ngày có thể tái sử dụng trong một số công đoạn; còn nước thải ra trong công đoạn sản xuất được đưa riêng ra để lắng đọng, xử lý và tái sử dụng trong những khâu khác. Việc giảm thiểu nước tưới cây xanh cũng giúp giảm chi phí đầu vào.

Khi đầu tư vào máy móc hiện đại, có thể kết hợp điện năng lượng mặt trời với nước nóng, chiller, lò hơi thông minh, để tiết giảm chi phí chất đốt, nguồn điện. Thay vì lúc trước sản xuất với tiêu thụ nhiên liệu là 10, bây giờ chỉ sử dụng từ 5-7.

Phần lớn máy móc có quy mô lớn. Thay vì 5 máy, mỗi máy công suất 2 tấn/giờ, có thể đầu tư chỉ 1 máy với công suất 20 tấn/giờ. Với 1 máy công suất lớn, lượng điện tiêu thụ tăng lên gấp đôi so với 1 máy nhỏ, nhưng sản lượng sản xuất gấp 5 lần.

Tất cả tính toán đều nhằm tối ưu năng lượng đầu vào. Quy trình phải đồng bộ từ vùng trồng nguyên liệu, thu hoạch, chế biến, sản xuất các công đoạn trong nhà máy, giúp cắt giảm công đoạn chờ.

Thậm chí với việc bán hàng, từ 2 tuần đến 1 tháng sẽ phải bán hết lượng hàng có trong kho, dẫn đến 1 hệ thống quản trị công nghệ cao, gồm nhiều hoạt động quản lý từ đồng ruộng, máy móc áp dụng, quản lý kho, quản lý đơn hàng. GCFood đã và đang triển khai, hiện nay đã thực hiện được khoảng 70-80%. Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện mô hình này.

Ông định vị GCFood sẽ ở đâu trong ngành, trong 3-5 năm tới?

GCFood là công ty chuyên sản xuất thực phẩm từ sản phẩm nông nghiệp. Chúng tôi có thể mở rộng thêm sản phẩm mới ngoài cây nha đam, cây dừa. GCFood đang mở rộng sản phẩm có lợi thế ở Việt Nam như cây dứa, nha đam, xoài - những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao trên thế giới. Do đó, Công ty sẽ mở những nhà máy mới về chế biến những sản phẩm này.

Công ty không chỉ đưa ra sản phẩm B2B (Business To Business) - giao dịch giữa doanh nghiệp với đối tác doanh nghiệp, mà sẽ triển khai bán B2C (Business To Consumer) là các giao dịch giữa doanh nghiệp với khách hàng tiêu dùng cá nhân.

Điểm chính là phải có hệ thống quản trị, kết hợp với máy móc công nghệ cao, để tạo ra lợi thế về giá thành, chất lượng sản phẩm; đặc biệt là tạo ra thiện cảm với người lao động trong công ty, đối tác, khách hàng, người nông dân; để xây dựng văn hóa thân thiện, cởi mở, hòa đồng, tích cực; giúp công ty có thị trường và có đối tác tốt, khách hàng tốt, nhà cung cấp tốt.

Khi quản lý tốt, dẫn đến giá thành rẻ, chất lượng sản phẩm cao; từ đó, Công ty cũng tự tin sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh, đạt được kết quả kinh doanh tốt.

Kết quả kinh doanh của GCFood đã thực hiện đến đâu, thưa ông?

Sau 5 tháng đầu năm, Công ty đã đạt được khoảng trên 35% mục tiêu doanh thu năm, tương đương khoảng 200 tỷ đồng; dự kiến năm nay sẽ hoàn thành chỉ tiêu doanh thu được ĐHĐCĐ giao. Lợi nhuận đã thực hiện được khoảng 40% kế hoạch năm, xấp xỉ 21 tỷ đồng.

Xin cảm ơn ông.

Cát Lam

Thiết kế: Tuấn Trần

FILI

Các tin tức khác

>   NSG: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (03/07/2024)

>   BVL: Nghị quyết Hội đồng quản trị (03/07/2024)

>   DBD: Báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan Quỹ Đầu tư Năng động Lighthouse (03/07/2024)

>   TOS “đổi ý” giải thể công ty con chỉ sau 1 năm vì hoạt động không hiệu quả (03/07/2024)

>   KHP: CBTT Biên bản họp và Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (đính chính) (03/07/2024)

>   VDL: Nghị quyết Hội đồng quản trị (03/07/2024)

>   DP3: CBTT về việc thay đổi địa điểm kinh doanh của Chi nhánh Hà Nội (03/07/2024)

>   SCR: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua giải thể Công ty con (02/07/2024)

>   HOSE: Số liệu quản lý sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài 03/07/2024 (03/07/2024)

>   Chủ chuỗi bệnh viện Hoàn Mỹ lãi hơn 1.7 tỷ đồng mỗi ngày (03/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật