Thứ Ba, 16/07/2024 08:22

Bộ trưởng KH-ĐT chỉ ra 10 nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng 6.5%-7%

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 10 nhiệm vụ cho ngành với quyết tâm sáng tạo, đột phá và hiệu quả để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2024 và thời gian tới.

Tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm 2024 đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ hoàn thành và một số đã vượt kỳ vọng, tuy vậy Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận nhiệm vụ thời gian tới còn rất khó khăn cho toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Ngọc

Thách thức còn nhiều

Tại Hội nghị Sơ kết Công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 15/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê đã có những nỗ lực vượt bậc, triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm nhiều nhiệm vụ, giải pháp đề ra.

“Các kết quả này cho thêm niềm tin và những kỳ vọng, động lực mới để phấn đấu đạt cao hơn mục tiêu năm 2024 được Quốc hội đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế,” ông Dũng nói.

Tuy nhiên, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cơ hội và thách thức đan xen, nhưng khó khăn vẫn nhiều hơn. Trong nước, một số ngành, lĩnh vực gặp nhiều trở ngại, điển hình là bán lẻ hàng-hóa dịch vụ. Nhu cầu và sức mua trên thị trường chưa phục hồi mạnh mẽ, thêm vào đó chi phí đầu vào còn cao và những “nút thắt” trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản… chưa được tháo gỡ. Do vậy, ông nhấn mạnh sáu tháng tới là thời gian đặc biệt quan trọng với nhiều công việc, nhiệm vụ lớn đặt ra cho toàn ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Đây là thời điểm quan trọng để toàn ngành cùng nhìn lại, đánh giá khách quan, thực chất các công việc đã làm được và cả những việc chưa làm được như kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, rút ra cách làm hay, bài học tốt để cùng nhau làm tốt hơn, sáng tạo, đột phá và hiệu quả hơn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng, phát triển đất nước năm 2024 và thời gian tới.”

Khơi thông nội lực

Vừa qua, Nghị quyết của Chính phủ phấn đấu kịch bản tăng trưởng năm 2024 ở mức cận trên là 6.5%-7%, cao hơn mục tiêu 6%-6.5% tại Nghị quyết của Quốc hội. Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế, như Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2024 là 5.8%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 5.5%, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 6%...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đây cũng là yêu cầu khi xây dựng Kế hoạch năm 2025, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Năm sau phải đạt kết quả tốt hơn, cao hơn năm trước.” Trên cơ sở đó, ông trưởng chỉ ra mười nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành.

Thứ nhất, tinh thần quyết tâm cải cách phải nêu cao hơn nữa, trong đó cần cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược, tư duy phát triển mới thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đột phá, phù hợp với bối cảnh, tình hình mới. Bởi, đây là yếu tố căn bản, gốc rễ để củng cố và khơi thông nội lực, tranh thủ ngoại lực, giúp chúng ta có thể đi nhanh hơn và bền vững hơn, đạt được các mục tiêu đề ra đến năm 2030.

Thứ hai, xác định lấy cải cách thể chế làm khâu đột phá, động lực cho phát triển. Trên cơ sở đó, ngành tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định mới ban hành đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất sửa đổi các quy định còn vướng mắc, bất cập và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan rà soát các vướng mắc pháp lý ở tầm luật và dưới luật, kiến nghị Ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban để xem xét, tháo gỡ.

Thứ ba, ngành luôn trong tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng là khó khăn, vướng mắc của mình để tham mưu, đề xuất xử lý, tháo gỡ. Cụ thể là rà soát, sửa đổi ngay các quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… không phù hợp với thực tế, không cần thiết cho quản lý nhà nước, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.

Thứ tư, các đơn vị chức năng tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đồng thời tạo điều kiện, môi trường để thu hút đầu tư tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Thứ năm, ngành tiếp tục đổi mới tư duy, phát huy cách tiếp cận mới theo Luật Quy hoạch để tổ thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã ban hành, đưa quy hoạch vào cuộc sống.

Thứ sáu là tăng cường hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng để triển khai các Quy hoạch vùng, thúc đẩy liên kết vùng, giải quyết các vấn đề có tính vùng và tạo ra các động lực và cực tăng trưởng mới cho đất nước.

Thứ bảy là nâng cao năng lực phân tích, dự báo và thống kê, đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu về tính kịp thời, chính xác, khách quan, đầy đủ và chất lượng công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ tám là tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư (trong đó, tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).

Thứ chín là phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cả các trung tâm ở các vùng, địa phương, nhằm thúc đẩy xây dựng, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo trong nước, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nước. Đây là cơ sở góp phần hoàn thiện và triển khai hiệu quả Đề án Phát triển nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Thứ mười là thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; xây dựng, hoàn thiện hệ thống ngành kinh tế xanh, quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu nghiên cứu các gói chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh...

“Mục tiêu chiến lược là xanh hóa nền kinh tế là bắt kịp, tiến cùng và vượt lên, tạo vị thế dẫn đầu cho nước ta trong các xu thế mới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy các ngành, lĩnh vực này,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   TP HCM nói về mục tiêu GRDP bình quân đầu người vượt 14.500 USD (15/07/2024)

>   Thủ tướng: Cần đẩy mạnh cải cách hành chính để huy động mọi nguồn lực cho phát triển (15/07/2024)

>   TPHCM chuẩn bị sáp nhập 80 phường thuộc 10 quận (15/07/2024)

>   EuroCham: Các doanh nghiệp thận trọng trước những vướng mắc về hành chính (15/07/2024)

>   Chuyên gia IMF: Kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh nhờ những hành động quyết liệt (12/07/2024)

>   Bộ Tài chính ban hành 2 phương pháp định giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá (12/07/2024)

>   Fed không chờ khi lạm phát về 2% mới hạ lãi suất: Dòng vốn khối ngoại rút ròng sẽ chững lại? (12/07/2024)

>   Triển vọng và thách thức cho nền kinh tế trong nửa cuối năm (12/07/2024)

>   Ngăn chặn giá hàng hóa 'té nước theo mưa' khi tăng lương (11/07/2024)

>   Thủ tướng: Phấn đấu hoàn thành hơn 1,500km đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam vào năm 2035 (11/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật