Thứ Hai, 15/07/2024 07:00

Bộ Công Thương nói "không quay xe" trong chính sách mua bán điện mặt trời mái nhà

Ngày 14/7, Bộ Công Thương đã phát đi thông tin khẳng định cơ quan này bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi xây dựng nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, không có chuyện "quay xe" chính sách như dư luận nêu.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, sau khi nhận được Công văn số 4844 ngày 10/07/2024 của Văn phòng Chính phủ, bộ này đã mời Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tới họp. Sau cuộc họp này, Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình làm rõ ý kiến gửi Phó Thủ tướng.

Báo cáo nêu rõ, để khuyến khích phát triển nguồn điện sạch, Bộ Công Thương nghiên cứu thí điểm việc sản xuất điện dư không dùng hết thì được bán lên lưới điện quốc gia không quá 10% tổng công suất.

Cùng với đó, trên cơ sở ý kiến của EVN, Bộ Công Thương đã đề xuất xây dựng cơ chế về xác định điện dư không dùng hết được bán lên lưới điện quốc gia theo 3 phương án:

Phương án 1: Điện mặt trời tự sản, tự tiêu sẽ bị khống chế công suất phát điện dư lên lưới điện quốc gia không quá 10% công suất lắp đặt, việc này có thể thực hiện bằng giải pháp lắp đặt bổ sung thiết bị điều khiển công suất phát (Limit export).

Phương án 2: Điện mặt trời tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng điện trên tổng sản lượng điện dư phát lên lưới điện quốc gia, được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Phương án 3: Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu được thanh toán 10% sản lượng trên tổng sản lượng điện khách hàng mua từ lưới điện quốc gia, được ghi nhận bởi hệ thống đo đếm điện năng mua bán với khách hàng.

Sau khi nghiên cứu, để bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội, Bộ Công Thương đề xuất thực hiện theo phương án 2.

Đối với việc xác định giá mua bán điện dư, Bộ Công Thương cũng đề xuất 3 phương án thực hiện. Sau khi xem xét đánh giá, Bộ Công Thương cho rằng, với tính toán theo số liệu của năm 2023, cả 3 phương án đều cho kết quả tương đương nhau, xấp xỉ từ 600 đến 700 đồng/kWh.

Tuy nhiên, phương án 3 có tính đơn giản, dễ thực hiện và tiết kiệm được chi phí đầu tư của EVN nên đề xuất thực hiện theo phương án 3, với giá đề xuất là 671 đồng/kWh (theo EVN tính toán chi phí tránh được bình quân năm 2023). Giá này sẽ được xem xét, điều chỉnh (nếu có) hàng năm để đảm bảo khuyến khích phù hợp với từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

Trước đó, theo tính toán của EVN, giá biên thị trường điện (SMP) bình quân năm 2023 là 1,091.9 đồng/kWh. Trong khi chi phí khâu phân phối năm 2023 là 263.87 đồng/kWh (theo báo cáo của EVN gửi Bộ Công Thương tại Văn bản số 2766 ngày 20/05/2024). Cùng với đó, giá điện năng theo chi phí tránh được năm 2023 cũng được ban hành tại Quyết định 1028 năm 2023 của Bộ Công Thương. Theo đó, giá điện năng theo chi phí tránh được bình quân năm 2023 là 671 đồng/kWh.

Không có chuyện “quay xe” chính sách

Cũng tại dự thảo báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ ý kiến về quan điểm EVN chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này; đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho biết tại cuộc họp, lãnh đạo EVN thống nhất thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, mua sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện quốc gia.

Các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội đã được quy định tại các điều khoản của dự thảo nghị định.

Đối với ý kiến Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bảo đảm tính pháp lý của nghị định và các quy định hiện hành, trong đó có Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương thông tin: Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng nghị định cần thẩm định trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất phương án đề xuất của Bộ Công Thương. Việc mua bán điện dư trên hệ thống điện quốc gia là chưa phù hợp với Quy hoạch điện VIII.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và ý kiến của Bộ Tư pháp, EVN, Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo nghị định theo các phương án đề xuất nêu trên (bổ sung tại khoản 7 Điều 8 Dự thảo).

Dẫn một loạt chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết đã và đang tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên tinh thần bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội.

“Vì vậy, những ngày qua, dư luận cho rằng Bộ Công Thương không nhất quán trong việc ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách trong vấn đề này là hoàn toàn không chính xác”, Bộ Công Thương khẳng định.

Tùng Phong

FILI

Các tin tức khác

>   Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn (14/07/2024)

>   Vi phạm hành chính trong quản lý giá bị phạt tới 300 triệu đồng (14/07/2024)

>   Quảng Trị muốn chuyển loạt đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (15/07/2024)

>   Khởi tố vụ án tham ô tài sản tại doanh nghiệp tự ý chiếm dụng 2,2 ha đất ở Quy Nhơn (13/07/2024)

>   Cà Mau đã giải ngân khoảng 1.584 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm (13/07/2024)

>   Quyết tâm hoàn thành 1,200 km cao tốc cho ĐBSCL (13/07/2024)

>   Vụ 1 cá nhân lập 116 doanh nghiệp: Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm soát (13/07/2024)

>   Triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) sẽ gặp thách thức gì? (14/07/2024)

>   Mê mẩn mặt hàng này của Việt Nam, người Mỹ chi gần 4,4 tỷ USD mua về dùng (13/07/2024)

>   Đề xuất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bán cho EVN giá 671 đồng/kWh (13/07/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật