Bạo hành kiểu “thời Trung cổ” ngay giữa thành phố: Sự lặng im đáng sợ!
Ngày 03/07, tại cơ quan công an, Nguyễn Thanh Đức (sinh năm 1983) và Nguyễn Thị Thu Vân (vợ Đức, sinh năm 1989, cùng ngụ tỉnh Khánh Hòa, trú TP Thủ Đức) đã thừa nhận hành vi gây ra những vết thương với chị H. (sinh năm 2002, ngụ tỉnh Phú Yên). Trước đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thủ Đức (TPHCM) đã làm rõ vụ việc cũng như hành vi tàn nhẫn của đôi vợ chồng.
Theo đó, khoảng tháng 06/2021, chị H. thuê phòng trọ ở đường số 3 (phường 9, quận Gò Vấp) để ở. Tại đây, chị H. có quen biết với vợ chồng Đức – Vân. Sau đó, chủ nhà trọ nơi chị H. ở không cho chị ở vì chị không có tiền trả. Cùng thời gian này, vợ chồng Đức – Vân chuyển nhà trọ qua nhà không số ở hẻm 40/10 đường Tam Bình (TP Thủ Đức) đã rủ chị H. về ở chung để H. giúp việc nhà với lời hứa coi H. như thành viên trong gia đình nên chị đồng ý.
Thế nhưng quá trình chung sống đã xảy ra mẫu thuẫn trong sinh hoạt, có cả sự ghen tuông nên 2 vợ chồng Đức - Vân nhiều lần hành hạ chị H.. Sau những lần H. không làm đúng ý trong công việc nhà như rửa chén, lau nhà, giặt quần áo không sạch, đi mua đồ không trả lại tiền thối thì Đức bắt chị H. nằm xuống sàn nhà rồi dùng cây tre đánh vào vùng bụng, đùi, chân, lưng và mông chị. Đức đánh chị H. nhiều lần trong nhiều ngày. Đỉnh điểm là ngày 11/06, trong cơn bực tức vô cớ, Đức dùng kìm sắt đập vào miệng chị H. khiến chị gãy răng cửa, dập lưỡi. Chưa dừng lại, Đức đạp nhiều cái vào ngực, bụng chị H.. Hai ngày sau, Vân dùng chày bằng gỗ đập vào mắt cá chân chị H.; dùng tay và kẹp inox nhéo vào bộ phận nhạy cảm của chị H.. Trưa 17/06, chị H. bỏ trốn rồi đón xe đò về quê tỉnh Phú Yên. Ngày 24/06, chị H. được gia đình đưa trở lại TPHCM và đến công an trình báo.
Hành vi tàn nhẫn của cặp vợ chồng Đức - Vân khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện hồi năm 2010 của cậu bé Hào Anh bị chủ đìa tôm ở Cà Mau đánh bất tỉnh, sau khi được giải cứu đã được đưa đến bệnh viện với tỷ lệ thương tích 70%. Hay mới hơn là vụ mẹ kế Quỳnh Trang đánh chết con riêng của chồng ngay trong khu căn hộ cao cấp ở TPHCM.
Cách nay 14 năm, từ đầm tôm, Hào Anh được giải cứu trong tình trạng gương mặt, thân thể chằng chịt sẹo, gầy yếu, dư luận cả nước bàng hoàng. Và phần nào nó được tự biện ở cái nơi vùng sâu vùng xa ấy, nhận thức của con người, cộng đồng chưa đủ để phản kháng trước thói bạo hành vô lương của con người. Hầu hết đều phẫn nộ trước những người lớn - ông chủ đìa tôm ác độc và cả người lớn - gia đình đã thiếu sự quan tâm, trách nhiệm khi bỏ mặc con em mình trong hoàn cảnh sống chẳng khác mấy địa ngục.
Còn giờ đây, tức 14 năm sau, qua bao vụ việc là bấy nhiêu lời cảnh báo cho phụ huynh, cho người trong cuộc; nay thì ngay giữa lòng thành phố trong thành phố, nơi đô thị lớn nhất của cả nước, một người tạm gọi là đã trưởng thành lại bị hành hạ bằng những trận đòn, cách tra tấn chẳng khác nào thời Trung cổ. Kẻ hành hạ người khác thì cấu kết ra tay, các hành vi cứ lặp lại và ngày một tàn bạo hơn. Người bị hành hạ thì chịu đựng trong một thời gian để lãnh hậu quả là chấn thương đa vùng, gãy 9 xương sườn… Còn gia đình, nếu chị H. không trốn trở về nhà thì liệu người thân có phát hiện và tố cáo? Cộng đồng xung quanh, nhất là trong khu nhà trọ với đặc tính sát vách, chung sân liệu có nghe, thấy và lên tiếng để ngăn cản hay cần thiết thì ra tay cứu người, cứu cả kẻ bạo hành dừng hành vi tàn nhẫn để không nhận lãnh hậu quả và cả người bị bạo hành?
Tất cả đều rơi vào im lặng. Sự im lặng đến đáng sợ bởi nó xuất phát và bị bao trùm bởi lòng vô cảm, sự chịu đựng như thể mất đi sức kháng cự, tự vệ chính đáng. Và trên hết, những tưởng đem về cho ở nhà chung, nhận coi như người nhà nhưng cuối cùng, khi xảy ra mâu thuẫn thì xem nhau chẳng khác chủ tớ, ra tay bằng những trận đòn thù dã man. Hóa ra, chẳng có lòng tốt, không có sự cưu mang nào hết, chỉ là lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo của chị H. mà thôi.
Trong nhiều năm qua, một trong những mục tiêu và cũng là chương trình hành động của Hội LHPN TPHCM là nỗ lực xây dựng thành phố là nơi “An toàn cho phụ nữ và trẻ em gái”. Tôi không biết ngoài khẩu hiệu nói trên và việc hình thành mạng lưới chi tổ hội cơ sở hoặc nơi nào có phụ nữ nơi đó có tổ chức Hội thì đang và sẽ còn nhiều hình thức, kênh liên lạc, kết nối khác nữa không để thực sự hữu hiệu trong việc nhận diện, phát hiện và có biện pháp can thiệp, giải cứu kịp thời những trẻ em gái - như bé gái 8 tuổi trong vụ mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang, nữ thanh - chị H. trong vụ vợ chồng Đức - Vân khỏi bi kịch.
Cũng là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em này từng đẩy mạnh chương trình hội nhập đô thị; vậy những kỹ năng cơ bản của nữ thanh - như chị H. đã được trang bị ra sao? Rõ ràng, việc tuyên truyền, vận động thôi là chưa đủ. Và nếu đủ thì có đến được những đối tượng thụ hưởng như chị H., ở tuổi 22 để nhận thức rõ quyền tự vệ, quyền phòng vệ và quyền phản kháng trước khi cơ quan chức năng can thiệp, hỗ trợ, bảo vệ?
Đến bao giờ, sau những bức tường kiên cố trong các khu căn hộ cao cấp hay bên trong những căn phòng của dãy nhà trọ, cái riêng tư của lối sống văn minh nơi đô thị không bị sự vô cảm, vô can của những người lớn có trái tim vô tri và hành vi đầy tật nguyệt, bệnh hoạn đã và sẽ giày vò, hành hạ thậm chí sát hại những đứa trẻ, người trẻ vô tội?
Quốc Học
FILI
|