Bamboo Airways tham vọng chấm dứt thua lỗ từ năm 2025
Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 17/07, CEO Lương Hoài Nam đã vẽ ra một bức tranh đầy tham vọng cho tương lai của Bamboo Airways (OTC: BAV). "2024 sẽ là năm cuối cùng công ty kinh doanh bị lỗ", ông Nam tuyên bố, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình phục hồi của hãng hàng không này.
Phiên họp năm 2024 của Bamboo Airways diễn ra sau một năm đối mặt với nhiều thách thức, từ biến động thượng tầng cho tới nguy cơ đình trệ hoạt động do nợ nần. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của ban quản lý mới, hãng hàng không mang biểu tượng cây tre đã có những bước tiến đáng kể.
Năm 2023 khó khăn... vẫn lãi
Năm 2023, Bamboo Airways ghi nhận doanh thu thuần tăng 14%, đạt gần 12,400 tỷ đồng, nhưng vẫn lỗ gộp 3,600 tỷ đồng trong bối cảnh ngành hàng không chưa khả quan. Dù vậy, hãng vẫn ghi nhận lãi sau thuế dương 236 tỷ đồng. Theo đại diện từ Bamboo Airways, khoản lãi chủ yếu đến từ việc hoàn nhập các khoản trích lập dự phòng với số tiền 4,100 tỷ đồng và các thu nhập khác từ việc xóa nợ 1,272 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tổng nợ phải trả giảm khoảng 2,000 tỷ đồng trong năm 2023 và công ty sạch nợ vay tiền thuê máy bay.
Đây cũng là giai đoạn Bamboo Airways quyết liệt thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, từ giảm hàng ngàn nhân sự, giải tán nhiều phòng ban gián tiếp cho đến việc tối ưu hóa quy trình làm việc.
"Một người làm rất nhiều công việc, kiêm nhiệm rất nhiều, gánh vác rất nhiều trọng trách chỉ để thắt chặt chi tiêu và kiểm soát dòng tiền đến mức tối ưu nhất”, một đại diện của Bamboo Airways cho biết. "Năm 2023 tiếp tục khó khăn, nhưng là năm bản lề để năm 2024 tiến hành tái cấu trúc".
Bamboo Airways đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Tại cuộc họp, Chủ tịch Phan Đình Tuệ tiết lộ thêm về tiến trình tái cấu trúc: "Hiện quá trình tái cấu trúc vẫn theo đúng tiến độ và chúng tôi gọi đây là giai đoạn 1. Kết quả đến nay là Bamboo Airways đã tồn tại qua những giai đoạn khó khăn nhất".
Một trong những thành công đáng kể của Bamboo Airways là việc đàm phán trả tàu bay mà không phát sinh rủi ro pháp lý. Ông Tuệ nhấn mạnh: "Có thể nói đây là thành công của Bamboo Airways. Khách quan là chúng ta thật sự khó khăn và họ cũng thấu hiểu".
Hiện tại, hãng cơ bản hoàn thành tái cấu trúc đội máy bay, tập trung vào khai thác dòng thân hẹp với 8 tàu Airbus A321/A320.
Mục tiêu lỗ gần 1,400 tỷ đồng trong năm 2024 và kế hoạch niêm yết cổ phiếu
Cho năm 2024, Bamboo Airways dự kiến đạt doanh thu hơn 4,850 tỷ đồng và có thể lỗ sau thuế hơn 1,380 tỷ. Tuy nhiên, nếu xét hoạt động khai thác (không tính yếu tố tài chính, chi phí tái cơ cấu), mức lỗ giảm còn khoảng 500 tỷ.
CEO Lương Hoài Nam cho biết trong thời gian tới, ban lãnh đạo của Bamboo Airways sẽ hành động theo chiến lược “cái gì tốt cho kết quả kinh doanh thì làm, còn cái gì bất lợi thì suy nghĩ rất kỹ. Cái gì làm cho tăng lỗ lên thì về cơ bản là không làm, trừ khi là phục vụ cho mục tiêu chiến lược”.
Vị CEO cũng khẳng định: "2024 sẽ là năm cuối cùng công ty kinh doanh bị lỗ. Công ty sẽ hòa vốn từ năm 2025 và tiến đến có lãi trong các năm tiếp theo".
Đáng chú ý, ông Nam cũng chia sẻ ý định niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán trong vòng 3 năm tới.
Cần bù đắp tối thiểu 2,300 tỷ đồng trong năm 2024
Tuy nhiên, con đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Một đại diện của Bamboo Airways cho biết công ty vẫn cần bù đắp tối thiểu 2,300 tỷ đồng trong năm 2024. "Chúng tôi đã được bù đắp khoảng 600 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm, và 7 tháng cuối năm vẫn cần bổ sung khoảng 1,700 tỷ đồng", vị này chia sẻ.
Đại diện Bamboo Airways chỉ ra ba nguyên nhân chính cần bù đắp. "Thứ nhất là bù đắp cho lỗ kinh doanh như trong báo cáo. Thứ hai cho việc tái cấu trúc, để trả nợ cũ cho các đối tác cũ và chủ nợ cũ - điều này không thể trì hoãn được", người này giải thích.
Lý do thứ ba liên quan đến chiến lược phát triển của hãng. "Để có đội bay phù hợp và tăng quy mô như ban lãnh đạo và HĐQT đã trình bày cho quý vị cổ đông, chúng ta cần tiến tới quy mô như một hãng bay có lượng tàu bay lớn như cũ hoặc thậm chí tăng thêm nữa", đại diện Bamboo Airways chia sẻ. "Đương nhiên, việc này đòi hỏi chi phí sửa chữa lớn cho các động cơ, và đây là một khoản chi phí đáng kể".
Cuối cùng, vị này nhấn mạnh về nhu cầu vốn cho việc mở rộng đội bay. "Tiền đặt cọc cho tàu thuê máy bay mới cũng cần phải bổ sung. Nếu không có khoản này, việc tăng thêm nguồn lực tàu bay là không khả thi”.
Vũ Hạo
FILI
|