Vinatex xuất khẩu lô vải chống cháy đầu tiên trong tháng 7 sang Indonesia, Ấn Độ, Trung Đông
Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) thừa nhận sản xuất các loại trang phục vải chống cháy là cơ hội mới cho Vinatex và các đơn vị thành viên khi thị trường ngày càng khốc liệt và khó đoán định.
Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Vinatex
|
Tại cuộc họp báo tình hình sản xuất kinh doanh, xuất khẩu nửa đầu năm 2024 chiều 20/06, ông Cao Hữu Hiếu, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinatex báo tin vui, trong tháng 7, những đơn hàng vải chống cháy đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Indonesia, Ấn Độ, thị trường Trung Đông và tiếp tục được chào hàng cho những thị trường khác.
Trước đó, vào tháng 3/2024, Vinatex và Tập đoàn Coats (Anh Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) về sản xuất các loại trang phục vải chống cháy, mục tiêu trong năm đầu tiên đưa ra thị trường các sản phẩm vải chống cháy giá trị 5 triệu USD.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Vinatex đã thực hiện xấp xỉ 50% cả kế hoạch doanh thu lẫn lợi nhuận hợp nhất ĐHĐCĐ giao. Để về đích năm 2024, Tổng Giám đốc Vinatex nhận thấy các thách thức như nhu cầu dệt may tại các thị trường tiêu thụ chính chưa thể cải thiện, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất kinh doanh của Tập đoàn.
Năm 2024, Tập đoàn đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập hợp nhất gần 18 ngàn tỷ đồng và lãi trước thuế 550 tỷ đồng, cùng tăng nhẹ 2% so với năm trước. Ước tính nửa đầu năm, doanh thu Vinatex đạt gần 9 ngàn tỷ đồng và lãi trước thuế 275 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 5 năm gần nhất của Vinatex |
|
Vinatex ổn định lực lượng lao động với hơn 63 ngàn lao động cấp 1, nếu xét tới lao động cấp 2 tới hơn 155 ngàn lao động. Thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đầu năm ước đạt 9.74 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 5% so với năm 2023.
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, tăng 5% so cùng kỳ năm trước, điểm sáng từ thị trường Mỹ khi Việt Nam vươn lên đứng đầu thị phần xuất khẩu hàng may mặc, vượt qua Trung Quốc và đứng đầu về tốc độ tăng trưởng trong 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.
Nhiều chuyên gia cho rằng sự khởi sắc xuất khẩu dệt may Việt Nam không xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ hàng dệt may của thế giới cải thiện mà có sự dịch chuyển nhất định đơn hàng từ các quốc gia khác sang Việt Nam, kết hợp với lợi thế tỷ giá khi Việt Nam đồng (VND) mất giá 5% so với đồng đô la Mỹ (USD) kể từ đầu năm, trong khi đồng tiền các quốc gia cạnh tranh gần như không đổi so với USD.
|
Thế Mạnh
FILI
|