Dịch vụ
Vì sao cổ phiếu Masan nhận được nhiều định chế tài chính đánh giá ba chữ số?
Kể từ khi niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2009, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan luôn thu hút sự quan tâm đáng kể từ các cổ đông và nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong 2 năm vừa qua, Công ty đã thành công huy động được 1.5 tỷ USD từ thị trường vốn toàn cầu. Mới đây, doanh nghiệp này cũng công bố ký kết hợp đồng mua bán với Tập đoàn Mitsubishi Materials Corporation mang về 134.5 triệu USD.
Vào Ngày 30/5, Masan High-Tech Materials (MHT, công ty thành viên thuộc Tập đoàn Masan) công bố đã ký kết Hợp đồng mua bán với Tập đoàn Mitsubishi Materials Corporation (MMC). Theo đó, Tập đoàn Mitsubishi Materials Corporation sẽ mua 100% H.C. Starck Holding (Germany) GmbH (“HCS”) từ MHT với giá 134.5 triệu USD.
Lượng tiền thu được từ giao dịch dự kiến sẽ giúp giảm nợ vay của MHT và góp phần vào mục tiêu giảm nợ ròng trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) của Tập đoàn Masan về mức ≤ 3.5x. Masan dự kiến sẽ ghi nhận khoản lợi nhuận một lần khoảng 40 triệu USD từ giao dịch này và hưởng lợi từ việc tăng lợi nhuận thuần sau thuế thêm 20-30 triệu USD trong dài hạn.
Lực đẩy từ “viên kim cương gia bảo”
Trong năm 2024, Masan Group lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu trong khoảng 84,000 - 90,000 tỷ đồng, tăng 7.3 - 15% so với kết quả thực hiện năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2,250 - 4,020 tỷ đồng, tăng 31 - 115%.
Tại ĐHĐCĐ Tập đoàn Masan diễn ra sáng ngày 25/04, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang chia sẻ: “Masan Consumer là "viên kim cương gia bảo", là niềm tự hào trong sứ mệnh phụng sự người tiêu dùng”. Năm 2024, lãnh đạo Masan cho biết sẽ tập trung vào phát triển "viên kim cương gia bảo" Masan Consumer (MCH), thực hiện chiến lược Go Global để trở thành đại sứ ẩm thực đến với 8 tỷ người tiêu dùng thế giới với các nhãn hiệu mạnh. Đưa thương hiệu Việt ra thế giới, theo lãnh đạo Tập đoàn, Masan Consumer hướng đến 10 - 20% doanh thu từ thị trường toàn cầu.
Masan Consumer đã gầy dựng thành công các thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 - 250 triệu USD, đóng góp vào 80% tổng tăng trưởng doanh thu. Doanh nghiệp này đang có những kế hoạch tự tin đi ra thế giới trên hành trình “đại sứ ẩm thực Việt Nam”: “Mỗi gia đình Việt Nam, mọi sản phẩm Masan. Mỗi gia đình thế giới, ít nhất một sản phẩm Masan”. Đơn cử, CHIN-SU (Thương hiệu thuộc Masan Consumer) trở thành thương hiệu tỷ đô bằng cách cao cấp hóa thương hiệu, phục vụ hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Kể từ năm 2007, sản phẩm này luôn nâng cao chất lượng nước mắm bằng cách cải tiến hương vị và bao bì, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng hơn, thương hiệu đã phát triển thành danh mục gia vị cao cấp và toàn diện. Những thành quả ban đầu của hành trình “Go Global” - mang ẩm thực Việt Nam ra thế giới, hướng tới 8 tỷ người tiêu dùng toàn cầu, phải kể đến CHIN-SU đạt vị trí top 1 trên sàn thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc, vị trí top 10 trên Amazon vào năm 2023.
Người tiêu dùng Nhật Bản hào hứng đón nhận sản phẩm tương ớt CHIN-SU Siracha mới
|
Kể từ năm 2017 đến năm 2023, Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2.2x tốc độ thị trường chung. Theo một báo cáo mới đây của HSBC, Masan Consumer có tỷ suất lợi nhuận cao, tăng trưởng doanh thu ổn định và vượt xa đáng kể so với các công ty cùng ngành trong lĩnh vực FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.
Năm 2023, Công ty thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7,195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022. EPS năm 2023 đạt 9,888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7,612 đồng/cp. Với đà tăng trưởng tích cực xuyên suốt nhiều năm nay, MCH sẽ có những đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh của Masan cũng như giá cổ phiếu MSN của tập đoàn này.
Định giá tích cực từ các tổ chức tài chính uy tín
J.P Morgan cũng công bố báo cáo phân tích triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam và lựa chọn cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan là ưu tiên hàng đầu. Với định giá 94,640 đồng/cổ phiếu từ J.P Morgan, cổ phiếu MSN sở hữu tiềm năng tăng giá đến 23% (so với giá đóng cửa ngày 10/06 là 77,100 đồng/cp).
Theo đó, J.P Morgan đánh giá cao nỗ lực của MSN về kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thông qua các chiến lược khác nhau ở các giai đoạn chu kỳ kinh doanh. Đối với danh mục hàng tiêu dùng, Công ty quản lý khả năng sinh lời tương đối ổn định bằng cách cân bằng việc cải tiến lợi nhuận ở các phân khúc trưởng thành, song song đó là đầu tư vào mở rộng danh mục và tung ra sản phẩm mới. Sử dụng phương pháp SOTP (sum-of-the-parts), MSN được J.P Morgan định giá với mức 94,640 đồng/cp.
Bên cạnh đó, trong báo cáo mới nhất, Vietcap đã nâng định giá mục tiêu cổ phiếu Masan lên thêm 15%, lên mức 102,800 đồng/cổ phiếu dựa trên lợi nhuận cốt lõi (EBITDA), không bao gồm khoản cổ tức nhận từ ngân hàng Techcombank. Dự kiến, trong giai đoạn 2025 - 2026, lợi nhuận thuần sau thuế và lợi nhuận NPAT-MI của MSN lần lượt tăng lên 20% và 30%. Sự hồi phục của tiêu dùng toàn cầu cũng là yếu tố góp phần thúc đẩy MCH đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn. Vietcap cũng nâng mức tăng biên lợi nhuận gộp dự kiến thêm 40 - 50 điểm cơ bản mỗi năm trong giai đoạn 2024 - 2028 nhờ hiệu suất biên lợi nhuận gộp tốt hơn mong đợi của MCH trong quý 1/2024.
Trong giai đoạn 2023 - 2028, MCH sẽ giúp đảm bảo tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của lợi nhuận sau thuế công ty mẹ là 11% nhờ những nỗ lực đổi mới sản phẩm liên tục. Vị thế nổi tiếng trên thị trường về gia vị và thực phẩm tiện lợi đã cho phép giá bán trung bình đạt tốc độ CAGR giai đoạn 2020 - 2023 là 7 - 8% trong các phân khúc này của MCH. Mức định giá này được căn cứ trên mức tăng doanh số bán hàng tốt hơn mong đợi của các sản phẩm mới và xuất khẩu trong quý 1/2024, cũng như mức tăng trưởng hai con số của các thương hiệu chủ chốt nhờ đổi mới và mở rộng sản phẩm.
FILI
|