!
Thứ Hai, 10/06/2024 14:08

TVC đã chốt lãi sớm cổ phiếu FPT, vẫn tự tin với một cổ phiếu “hot” trong danh mục

Theo chia sẻ của đại diện TVC tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Công ty đã có bộ đệm lợi nhuận khi chốt lời FPT và hiện danh mục nắm giữ có cổ phiếu MWG, dự kiến sẽ rất mạnh trong 12-24 tháng tới, thậm chí lâu hơn nữa.

Sáng 08/06, CTCP Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (HNX: TVC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024. Ảnh chụp màn hình

Đã chốt lời khoản đầu tư cổ phiếu FPT

Trước đề nghị của cổ đông mong muốn TVC nâng kế hoạch lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ lên cao hơn nữa, ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc khối Đầu tư của TVC phân trần, để hệ thống đầu tư đạt mục tiêu lợi nhuận ban đầu là 180 tỷ đồng đã là rất khó khăn, thậm chí con số này còn là tỷ suất sinh lời cực kỳ cao trên thị trường chứng khoán.

Vừa qua, Công ty đã thực hiện hóa một phần lợi nhuận bằng cách “chốt lời” thoái vốn FPT, nghĩa là vốn đầu tư, số tiền sử dụng đã nở ra nên TVC mới nâng mục tiêu lợi nhuận lên 250 tỷ đồng.

Cũng theo ông Thanh, thị trường chứng khoán lúc này không hề dễ để tìm các cơ hội hấp dẫn, nhưng bộ phận đầu tư của TVC dự tính dốc hết sức lực, tập trung cao độ thì có khả năng đạt được kế hoạch đề ra.

Tại cuối quý 1/2024, TVC đang đầu tư gần 893.5 tỷ đồng vào các mã cổ phiếu MWG (466 tỷ đồng); FPT (196 tỷ đồng), HPG (122 tỷ đồng), SSI (58 tỷ đồng)... Trong đó, cổ phiếu FPT, MWGSSI có lãi tạm tính lần lượt 60%, 7% và hơn 1%; còn HPG tạm lỗ hơn 12%.

Công ty đã có bộ đệm lợi nhuận khi chốt lời FPT và hiện danh mục nắm giữ có cổ phiếu MWG, dự kiến sẽ rất mạnh trong 12-24 tháng tới, thậm chí lâu hơn nữa, theo đại diện TVC. Để đáp ứng yêu cầu cao hơn nữa của cổ đông, bộ phận đầu tư sẽ nhận nhiệm vụ và phấn đấu tăng lợi nhuận thêm 20%, tương đương mức 300 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Thanh bày tỏ lo ngại khi thị trường chứng khoán “không ai nói trước được điều gì”, Công ty vẫn phải đưa sự an toàn và thận trọng trong đầu tư lên hàng đầu.

Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch HĐQT TVC cũng mong muốn cổ đông ghi nhận nỗ lực và giải tỏa cho Ban lãnh đạo khỏi những “sức ép không nên có” ảnh hưởng đến việc nỗ lực thực hiện kế hoạch kinh doanh, đem nhiều tiền hơn nữa về cho cổ đông.

Sau cùng, ĐHĐCĐ TVC đã thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất 680 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 390 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ, mục tiêu doanh thu 450 tỷ đồng và lãi sau thuế 300 tỷ đồng. Dự kiến chia cổ tức năm 2024 tối đa không quá 15% vốn điều lệ.

Theo BCTC hợp nhất quý 1/2024, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 90 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 159 tỷ đồng, thực hiện được 13% chỉ tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận năm.

Kỳ vọng TVB trở thành “con gà đẻ trứng vàng”

Chia sẻ về chiến lược đầu tư của TVC, Giám đốc khối Đầu tư Nguyễn Đức Thanh cho biết các khoản đầu tư sẽ được chia theo khung thời gian dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.

Chiến lược dài hạn, đầu tư vào công ty con - CTCP Chứng khoán Trí Việt (TVB) - để tận dụng tiềm năng phát triển của ngành chứng khoán. Công ty nhận thấy thị trường chứng khoán sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Do việc quản trị điều hành của công ty con chưa tốt, TVC đã đưa người từ công ty mẹ vào TVB để cải thiện việc quản trị, tăng cường kiểm soát vận hành và kiểm soát tuân thủ. Chính ông Thanh cũng là nhân sự vừa được bầu bổ sung vào HĐQT của TVB.

Với việc tăng cường nhân sự, Giám đốc khối Đầu tư TVC kỳ vọng TVB trở thành một “con gà đẻ trứng vàng” cho công ty mẹ, thông qua việc đều đặn trả cổ tức tiền mặt 10% mỗi năm trong tương lai, và sẽ có khoản lợi nhuận đột biến gia tăng từ việc thu hồi dần các khoản phải thu đã trích lập.

Ông Nguyễn Đức Thanh - Giám đốc khối Đầu tư của TVC

Chiến lược trung hạn, được định nghĩa là nắm giữ từ 12-24 tháng. Chiến lược này đòi hỏi nghiên cứu vĩ mô (kinh tế, chính trị, xã hội) để từ đó lựa chọn những ngành sẽ phát triển. Trong những ngành được lựa chọn, TVC sẽ chọn các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cốt lõi và hiệu quả kinh doanh nổi trội trong ngành.

Trong đó, Công ty đã đầu tư vào FPT, MWGHPG..., đây đều là kết quả của việc sàng lọc rất kỹ. Nhưng thách thức lớn nhất sau khi việc nghiên cứu nhận định là vấn đề chọn thời điểm giải ngân và thoái vốn.

Chiến lược ngắn hạn (tối đa 6 tháng), TVC sẽ ưu tiên các cổ phiếu bluechips có tính thanh khoản cao để đầu tư theo chiều tăng giá chung của thị trường. Tuy nhiên, với chiến lược này đôi lúc Công ty có sử dụng margin để tăng hiệu quả, cơ động trong thời gian ngắn, tận dụng những trồi sụt biến động ngắn hạn của thị trường chứng khoán ở những cổ phiếu cơ bản nền tàng tốt quanh VN30 như TCB, MBB, SSI...

Từ bài học quá khứ, Giám đốc khối Đầu tư TVC đánh giá chiến lược này đối mặt thách thức lớn nhất là các rủi ro hệ thống như sự kiện COVID-19. Giải pháp của Công ty là tập trung quản trị danh mục theo hướng phân tán rủi ro và tìm cách tránh các rủi ro phi hệ thống, sau đó tạo bộ đệm về lợi nhuận để Công ty có thể chịu đựng được rủi ro hệ thống.

“Chúng tôi không phải nhà đầu tư thiên thần”

Ngoài các chiến lược trên, TVC còn đang nghiên cứu mở rộng đầu tư vào phái sinh và trái phiếu. Đối với khung thời gian đầu tư trung hạn, Công ty đang đầu tư vào việc nghiên cứu những doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ nhưng thuộc ngành nghề mới triển vọng, tiềm năng còn nhiều.

“Chúng tôi vẫn sẽ đầu tư vào các doanh nghiệp niêm yết chứ không phải OTC. Chúng tôi không phải nhà đầu tư thiên thần”, ông Thanh khẳng định.

Trong ngắn hạn, TVC đang nghiên cứu để xây dựng đội ngũ vận hành để có thể tham gia vào các sản phẩm phái sinh và trái phiếu. Theo đó, Công ty đang sử dụng nguồn lực đầu tư vào nội lực theo ba hướng chiến lược, gồm nâng cao năng lực thực thi của đội ngũ hiện tại; tăng năng lực chọn lọc cổ phiếu và tạo môi trường có thể thu hút nhân tài quản trị và đầu tư tài chính.

Không chia cổ tức năm 2023

Dù có lãi trở lại năm 2023 nhưng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận Công ty, ĐHĐCĐ TVC đã thông qua việc không thực hiện trích lập các quỹ và trả cổ tức năm 2023. Lợi nhuận giữ lại tại cuối năm 2023 là hơn 17 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ đông TVC cũng thống nhất việc tiếp tục thực hiện nội dung chi trả cổ tức năm 2021. Theo kế hoạch ban đầu, mức cổ tức năm 2021 tối đa không quá 20% vốn điều lệ, trong đó Công ty đã hoàn thành tạm ứng đợt 1 với tỷ lệ 8% hồi tháng 8/2021 (tương ứng chi hơn 55 tỷ đồng).

Ngày 30/03/2022, HĐQT TVC thông qua phương án tạm ứng cổ tức bằng tiền lần 2/2021 với tỷ lệ 10%, nhưng chưa thực hiện.

Lý giải việc chưa chia cổ tức năm 2021, Chủ tịch Nguyễn Thị Hằng lần nữa khẳng định phải Công ty đã “nói là sẽ làm”, tuy nhiên cổ tức năm 2021 sẽ được cân nhắc chia vào thời điểm thích hợp, vì nếu không có thể dẫn tới hệ quả âm vốn chủ sở hữu.

Việc âm vốn chủ sở hữu có thể khiến cổ phiếu TVC bị đưa vào diện cảnh báo, cổ phiếu TVC cũng sẽ không được cấp phép cho vay margin. Ngoài ra, việc chi trả cổ tức bằng một lượng lớn tiền mặt cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền mà Công ty đưa vào kinh doanh.

Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch HĐQT TVC

Thời điểm này, TVC chưa thu xếp được nguồn tiền dồi dào và danh mục đầu tư chứng khoán của Công ty có thời điểm vẫn sử dụng margin, theo bà Hằng. TVC đang mua vào lượng lớn cổ phiếu TVB nâng tỷ lệ sở hữu với thị giá thấp, sẽ hợp nhất vào BCTC cuối năm tăng lợi nhuận hợp nhất, đem lại lợi ích to lớn lâu bền cho cổ đông.

“Chúng tôi cần cổ đông hỗ trợ để tập trung vào hoạt động kinh doanh kiếm tiền, để có thể thanh toán được cổ tức cho cổ đông vào thời gian sớm nhất”, nữ Chủ tịch TVC nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, một chủ trương lớn lâu dài của Ban lãnh đạo là tiến hành mua lại cổ phiếu giảm vốn được cho là một hình thức “cổ tức”.

Mua lại cổ phiếu sẽ không làm âm vốn chủ sở hữu mà có thể tạo ra thặng dư vốn chủ sở hữu nếu mua dưới giá trị sổ sách. Để tiếp tục mua lại cổ phiếu có thể tiến hành 6 tháng/lần, điều này sẽ giúp tỷ suất lợi nhuận trên vốn (EPS) của Công ty được cải thiện hơn và đem lại lợi ích cho cổ đông cả về cổ tức và giá trị cổ phiếu trong tương lai.

Bầu bổ sung Thành viên HĐQT

Về tình hình nhân sự, ĐHĐCĐ TVC miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT đối với bà Phạm Thị Thanh Huyền (có đơn xin nghỉ ngày 29/03/2024) và bà Phạm Thanh Hoa (có đơn xin nghỉ ngày 05/06/2024).

Đồng thời, bầu bổ sung ông Chu Văn Trường làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2024-2027.

Một nội dung đáng chú ý là ĐHĐCĐ đã thông qua việc không thực hiện nội dung chuyển niêm yết cổ phiếu TVC từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), căn cứ theo tình hình thực tế thị trường và tại doanh nghiệp.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   FTM: Nghị quyết Hội đồng quản trị (07/06/2024)

>   PHH: Ký hợp đồng kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2024 (07/06/2024)

>   HEC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (07/06/2024)

>   DLT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (07/06/2024)

>   ANT: Nghị quyết về việc chọn đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 (07/06/2024)

>   BTU: Nghị quyết thông qua tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (07/06/2024)

>   HAV: Báo cáo tài chính năm 2023 (07/06/2024)

>   CT6: Báo cáo tài chính quý 1/2024 (07/06/2024)

>   BCR: Ký hợp đồng kiểm toán thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2024 và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024 (07/06/2024)

>   CAB: Nghị quyết Hội đồng quản trị (07/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật