Thị trường fintech: mảnh đất màu mỡ nhưng còn thách thức về pháp lý
Theo các chuyên gia lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), tại Việt Nam, thị trường này đang nhanh chóng phát triển và là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại một số rào cản đối với thị trường này, trong đó là hành lang pháp lý cho fintech chưa thực sự hoàn thiện.
Tại Diễn đàn công nghệ Úc – Việt Nam 2024 do Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Úc (Austrade) tổ chức vào sáng ngày 25-6, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm ủy ban ứng dụng fintech (VBA), Hiệp hội Blockchain Việt Nam, với sự phát triển của khoa học công nghệ, những năm gần đây lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) đã có sự phát triển nhanh chóng. Theo thống kê trong giai đoạn 2018-2022, số lượng công ty fintech mới đã tăng hơn 180% với hơn 260 startup. Dự kiến thị trường fintech ở Việt Nam có thể sẽ cán mốc 18 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2024.
Hiện thị trường fintech Việt Nam đang phát triển nhiều phân khúc, trong đó chủ yếu là tài chính cá nhân (dịch vụ quản lý tài sản kỹ thuật số, chuyển tiền); thanh toán số (mua hàng trực tuyến, POS); tài chính thay thế (cho vay ngang hàng P2P…); bảo hiểm trực tuyến Insurtech (bảo hiểm trực tuyến về nhân thọ, sức khỏe…); dịch vụ tài chính B2C (ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm)…
Nói về cơ hội phát triển, ông Dinh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ sử dụng điện thoại di động và Internet cao nhất trong khu vực. Hơn 70% dân số Việt Nam sử dụng điện thoại di động, trong đó hơn 60% là người dùng Internet. Với nền tảng cơ sở hạ tầng kỹ thuật này đã góp phần hỗ trợ cho sự phát triển của fintech. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của các ứng dụng di động, người dùng có thể dễ dàng sử dụng các dịch vụ tài chính thông qua điện thoại di động, làm cho việc sử dụng dịch vụ tiện lợi và dễ dàng hơn.
Diễn đàn công nghệ Úc – Việt Nam 2024 do Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Úc tổ chức vào sáng ngày 25-6.
|
Dù có nhiều tiềm lực phát triển nhưng các chuyên gia tại diễn đàn cho rằng, hiện vẫn còn một số thách thức và rủi ro cho các nhà đầu tư vào thị trường fintech Việt Nam. Theo ông Dinh, thứ nhất là hành lang pháp lý cho fintech chưa thực sự hoàn thiện, nhất là đối với công nghệ mới. Thời gian cập nhật, sửa đổi và bổ sung pháp luật chưa phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Thứ hai, các công ty fintech thường gặp khó khăn về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, cũng như chiến lược phát triển dài hạn nên khó có cơ hội bùng nổ.
Thứ ba, khối fintech đang đối mặt với rủi ro về bảo mật như mạo danh, đánh cắp thông tin, dữ liệu người dùng… Điều này không chỉ gây tổn thất cho cá nhân người sử dụng mà còn ảnh hưởng đến chính các nhà phát triển. Bà Louise Adams, Giám đốc điều hành của Aurecon cũng cho biết, theo báo cáo về tình hình An ninh mạng Việt Nam năm 2023, hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền tấn công, tăng 8,4% so với năm 2022. Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân ở mức báo động, kéo theo hàng loạt hình thức lừa đảo trực tuyến liên tục xảy ra…
Cuối cùng, nhận thức của người tiêu dùng ở Việt Nam về các sản phẩm fintech vẫn còn hạn chế. Người dân vẫn chưa ý thức được việc bảo mật thông tin cá nhân. Điều này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho chính người tiêu dùng, cũng như các tổ chức tài chính.
Theo ông Daniel Boyer, Phó giám đốc điều hành của Cơ quan thương mại và đầu tư Chính phủ Úc, Chính phủ Việt Nam và khối doanh nghiệp đang ưu tiên số hóa ngành dịch vụ và đầu tư vào công nghệ mới. Theo Google, Temasek và Bain & Company, trong năm 2023, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam tăng trưởng 19%, trị giá hơn 30 tỉ đô la Mỹ, xếp thứ ba ở Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Đến năm 2030, nền kinh tế số của Việt Nam kỳ vọng sẽ đạt giá trị 120-200 tỉ đô la Mỹ.
Minh Thảo
TBKTSG
|