Sếp lớn "công ty may trả cổ tức khủng" rời ghế sau 30 năm gắn bó
CTCP May Xuất khẩu Phan Thiết (UPCoM: PTG), doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức gấp hàng chục lần thị giá, vừa bổ nhiệm bà Đặng Thùy Mai giữ chức Tổng Giám đốc Công ty, thay cho ông Lê Thanh Hoài Vũ xin nghỉ vì lý do sức khỏe không thể tiếp tục làm việc.
Ngày 22/06, ông Lê Thanh Hoài Vũ - Tổng Giám đốc PTG có đơn từ chức và thôi việc sớm nhất có thể. Ông Vũ lấy làm tiếc vì lý do sức khỏe không thể làm việc tại Công ty và tự hào là một phần phát triển của Công ty suốt 30 năm qua.
Ngay sau đó, HĐQT PTG đã tổ chức cuộc họp và chấp thuận đơn từ chức Tổng Giám đốc với ông Lê Thanh Hoài Vũ theo nguyện vọng cá nhân. Đồng thời, bổ nhiệm bà Đặng Thùy Mai giữ vị trí này thay ông Vũ. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/07/2024.
Ông Lê Thanh Hoài Vũ sinh năm 1971, nguyên quán Bình Thuận, trình độ chuyên môn Cử nhân Kinh tế. Ông gia nhập PTG từ năm 1994, được nhiệm làm Tổng Giám đốc Công ty từ năm 2017 và trúng cử vào HĐQT PTG từ năm 2012, sau đó rút lui khỏi danh sách ứng viên bầu HĐQT nhiệm kỳ 2024-2026. Ông Vũ hiện đang sở hữu trực tiếp 53,850 cp PTG, tương ứng 1.08% vốn.
Bà Đặng Thùy Mai sinh năm 1985, trình độ chuyên môn Cử nhân Kinh tế, hiện đang là Phó Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT PTG nhiệm kỳ 2024-2026. Bà Mai đang sở hữu riêng 153,810 cp PTG (tỷ lệ 3.08%).
Công ty may này có gì đáng quan tâm?
PTG tiền thân là xí nghiệp May Phan Thiết, đơn vị trực thuộc Công ty May mặc Xuất khẩu Bình Thuận, được thành lập từ năm 1994, hoạt động dưới mô hình CTCP từ năm 2002. Lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất quần áo may sẵn; may gia công (chủ yếu xuất khẩu đi Nhật Bản); cho thuê văn phòng; dịch vụ lưu trú ngắn ngày… PTG sở hữu 1 công ty con là Công ty TNHH Dịch vụ PLG với vốn điều lệ 500 triệu đồng do PTG góp 100% vốn.
Sau 30 năm thành lập, từ xí nghiệp ban đầu chỉ 565 lao động với 14 chuyền may, đến nay PTG đã mở rộng lên 67 chuyền may với 2,900 lao động. Công ty trải qua 8 lần tăng vốn điều lệ, từ 2.5 tỷ đồng lên gần 50 tỷ đồng vào năm 2022, tức gấp gần 20 lần.
Về tình hình kinh doanh, giai đoạn 5 năm gần đây (2019-2023), doanh thu PTG duy trì quanh ngưỡng 400 tỷ đồng/năm, đạt mức cao nhất 501 tỷ trong năm 2022. Lãi ròng dao động từ 20-50 tỷ đồng. Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu doanh thu hơn 506 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Tuy nhiên, lãi ròng dự kiến giảm 3% xuống còn 45.5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 5 năm gần nhất của PTG
|
|
Độc lạ cổ phiếu "trà đá" chia cổ tức cực khủng
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PTG gần như không có giao dịch, thị giá suốt nhiều tháng qua nằm ở mức 500 đồng/cp, không bằng "cốc trà đá".
Diễn biến giá cổ phiếu PTG từ đầu năm 2024
|
|
Lần gần nhất, cổ phiếu PTG có thanh khoản là ngày 01/02 với 45,000 cp được giao dịch thỏa thuận, tổng giá trị giao dịch 23 triệu đồng. Nguyên do cơ cấu cổ đông của PTG khá cô đặc.
Tại cuối năm 2023, cổ đông lớn nhất của PTG là gia đình Chủ tịch HĐQT Huỳnh Văn Nghi sở hữu tới 39.44% vốn, trong đó ông Nghi sở hữu trực tiếp 13.35%. Theo sau là gia đình Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Bình nắm giữ 16.35% vốn, riêng ông Bình là 6.46%.
Tuy nhiên, PTG gây chú ý cho giới đầu tư khi là doanh nghiệp có truyền thống trả cổ tức khủng từ khi lên sàn UPCoM năm 2010, đỉnh điểm tỷ lệ tới 120% bằng tiền (12,000 đồng/cp) cho 3 năm 2017, 2019 và 2021, gấp hàng chục lần giá thị trường.
Cổ tức năm 2024 dự kiến là 100% bằng tiền, trong đó Công ty đã tạm ứng 50% vào giữa tháng 6. Gần nhất, mức cổ tức tiền mặt năm 2023 chỉ 2,000 đồng/cp, tương ứng chi gần 10 tỷ đồng.
Thế Mạnh
FILI
|