Những khoản dự phòng phải thu “bạc tỷ” của công ty chứng khoán
Các khoản phải thu tồn đọng có giá trị lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đã nằm trên báo cáo tài chính của một số công ty chứng khoán (CTCK) trong nhiều năm liền.
Từ quý 1/2016, Chứng khoán Agribank (AGR) bắt đầu ghi nhận dự phòng suy giảm giá trị các khoản phải thu lên tới hơn 500 tỷ đồng. Tới năm 2017, giá trị dự phòng lên mức hơn 1 ngàn tỷ đồng và tăng lên 1.2 ngàn tỷ đồng cuối năm 2018.
Với số liệu từ báo cáo tài chính gần đây nhất, quý 1/2024, AGR vẫn ghi nhận khoản dự phòng gần 1.1 ngàn tỷ đồng.
Khoản dự dòng của AGR bắt đầu phát sinh từ năm 2016 |
|
Trong nhóm CTCK, trường hợp các công ty có khoản phải khó đòi không phải là hiếm, hầu hết được hoạch toán vào mục phải thu khác và được trích lập dự phòng.
Tính tới cuối quý 1/2024, toàn nhóm CTCK đang ghi hơn 3.7 ngàn tỷ đồng dự phòng suy giảm các khoản phải thu. Giá trị dự phòng tương đương 0.73% tổng tài sản của CTCK cùng thời điểm (tổng tài sản của CTCK hơn 515 ngàn tỷ đồng).
Các khoản dự phòng phải thu khác của CTCK
Đvt: Tỷ đồng
|
Top 10 CTCK có giá trị dự phòng phải thu khác lớn nhất
Đvt: Tỷ đồng
|
Tỷ lệ này giảm nhẹ so với cuối năm 2023, một phần do tổng tài sản của CTCK cuối quý 1/2024 tăng 6.5% so với đầu năm.
So với toàn bộ giá trị tài sản của công ty chứng khoán, số tiền phải dự phòng là không quá đáng kể nhưng nếu đi vào từng trường hợp cụ thể vẫn có những CTCK nặng gánh vì khoản dự phòng này.
Đơn cử trường hợp của Chứng khoán BOS (ART), Công ty đang lãnh khoản dự phòng hơn 560 tỷ đồng, gấp 3.5 lần tài sản công ty cùng thời điểm.
Hay Chứng khoán Saigon Beryaja (SBBS) với khoản dự phòng 200 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần tài sản.
Về độ khủng của giá trị dự phòng, khoản dự phòng trên 1 ngàn tỷ, tương đương 36% tổng tài sản đồng đã giúp AGR dẫn đầu toàn nhóm.
Một số khoản dự phòng nổi bật khác thuộc về Chứng khoán Trí Việt (TVB) với 342 tỷ đồng; Chứng khoán APEC (APS) 181 tỷ đồng; Chứng khoán Đại Việt (DVSC) gần 90 tỷ đồng; Chứng khoán SSI có khoản dự phòng 231 tỷ đồng và Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) dự phòng 530 tỷ đồng.
Vậy các khoản dự phòng này đến từ đâu?
Tại Chứng khoán BOS, BOS ghi nhận dự phòng 467 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Đây là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại MSB nhưng Ngân hàng đã tự động thu giữ và chưa giải thích đầy đủ nguyên nhân.
BOS cho biết Công ty đang đề nghị MSB phối hợp làm rõ vấn đề này.
Ngoài ra, Công ty còn ghi nhận các khoản dự phòng phải thu dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp (29.3 tỷ đồng), dự phòng với Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu Tâm An (26 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển IMR (17.5 tỷ đồng), CTCP Vật tư thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội (20 tỷ đồng).
Khoản thu với 3 công ty kể trên là khoản đặt cọc theo hợp đồng đặt cọc mua cổ phiếu của CTCP Quản lý Quỹ Hợp lực - Unicap với các đơn vị có liên quan đến các cá nhân bị khởi tố theo vụ án thao túng thị trường chứng khoán mà các cá nhân này đang là đại diện pháp luật. Do đó, BOS phải trích lập 100% với các khoản phải thu này.
Ngoài các khoản phải thu khác kể trên, Chứng khoán BOS còn phải dự phòng suy giảm giá trị khoản cho vay margin với giá trị gần 115 tỷ đồng, cụ thể là khoản cho vay mã chứng khoán GAB.
Thuyết minh dự phòng phải thu của BOS trên báo cáo kiểm toán 2023
|
BOS đã thực hiện trích lập 100% với khoản cho vay này. Trên sàn, cổ phiếu GAB không có giao dịch ngay sau khi Cơ quan điều tra thực hiện điều tra vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" đối với ông Trịnh Văn Quyết; sau đó, mã này bị dừng giao dịch, hủy niêm yết nên Công ty không thể xử lý bán chứng khoán ký quỹ để thu hồi khoản nợ.
SBBS thì ghi nhận khoản phải thu 210 tỷ đồng trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (2011), Công ty chỉ mới thu hồi được hơn 9.3 tỷ đồng.
SBBS cho biết đã tiến hành nộp đơn đề nghị giám đốc thẩm đến Tòa án Nhân dân tối cao để yêu cầu Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) có trách nhiệm bồi thường 210 tỷ đồng cùng tiền lãi.
Vụ Huyền Như cũng khiến một CTCK phải ôm nợ là Chứng khoán Phương Đông (ORS). Sau này khi Công ty tái cấu trúc thành Chứng khoán Tiên Phong, khoản nợ 379 tỷ đồng đã được xóa.
Sau tái cấu trúc, ORS đã xóa khoản nợ từ vụ Huyền Như
|
Trở lại câu chuyện của AGR, khoản dự phòng khủng gần 1.1 ngàn tỷ đồng của AGR có 599 tỷ đồng đến từ trái phiếu của Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Khoản trái phiếu đã đáo hạn được đánh giá không có khả năng thu hồi và được trích lập dự phòng 100%.
Ngoài ra, AGR cũng trích lập dự phòng với hơn 500 tỷ đồng với các khoản cam kết mua và bán lại chứng khoán (niêm yết, chưa niêm yết).
Các khoản phải thu của AGR
|
Tại ĐHĐCĐ năm 2024, Chủ tịch AGR Phan Văn Tuấn cho biết Công ty vẫn đang rà soát, đánh giá, phân tích, thậm chí nhờ vả cơ quan pháp luật, tuy nhiên việc thu hồi nợ hết sức khó khăn. Các tài sản tài chính là các cổ phiếu chưa niêm yết, gần như không có giá trị đến từ các tổ chức không còn hoạt động, gần như là công ty ma, do đó không có khả năng để trả nợ.
AGR cũng đưa ra pháp luật nhờ xác minh, và đã rất nhiều vụ kiện ra tòa đã thắng kiện. Đến thời điểm, Agriseco vẫn chưa thu được đồng nào mặc dù phối hợp rất tích cực với cơ quan pháp luật, ngay cả Vinashin thì doanh nghiệp này cũng đã xin làm thủ tục phá sản do đó khả năng thu hồi nợ ở doanh nghiệp này bằng 0.
Về phần TVB, Công ty công bố báo cáo kiểm toán 2023 với lãi ròng 63 tỷ đồng - 1 năm khấm khá so với số lỗ hơn 317 tỷ đồng vào năm trước. Tuy nhiên, báo cáo kiểm toán vẫn còn một số điểm chưa đẹp, đơn vị kiểm toán tiếp tục lưu ý về khoản phải thu khoảng 480 tỷ đồng, đã được trích lập gần 336.5 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.
Đây là các khoản phải thu hợp đồng mua bán chứng khoán do TVB ký kết với 3 doanh nghiệp là CTCP Xây dựng Đầu tư Mạnh Cường, CTCP Phát triển Đầu tư Việt Bắc và CTCP Tư vấn Đầu tư Vĩnh Thành. Công ty đã trích lập tổng cộng 70% với các khoản phải thu này.
Theo thuyết minh, các hợp đồng TVB ký kết với 3 công ty kể trên nhằm chuyển tiền tìm kiếm cơ hội đầu tư có khả năng mang lại lợi tức cao thông qua việc tìm kiếm các khách hàng có nhu cầu căn bản các loại chứng khoán. Công ty sẽ hưởng phí dịch vụ 0.5% trên giá trị chứng khoán giới thiệu thành công, thời hạn hợp đồng là 1 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm lập báo cáo, các khoản phải thu này đều đã quá hạn thanh toán theo điều khoản hợp đồng.
Đáng chú ý, việc đàm phán và ký kết hợp đồng với các công ty này do các cá nhân trong ban lãnh đạo cũ của Công ty trực tiếp thực hiện nên ban lãnh đạo hiện tại đã đánh giá thận trọng khả năng thu hồi và quyết định lập dự phòng.
Tới ngày lập báo cáo kiểm toán 2023 (tháng 4/2024), Công ty đã nhận được 14 tỷ đồng thanh toán từ các đối tác nêu trên.
Tại APS, Công ty dự phòng 100% với khoản thu 172.7 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản tạm ứng cho các các nhận trong công ty với mục đích kinh doanh.
Chứng khoán DVSC có gần 90 tỷ đồng dự phòng với các khoản cho vay, ứng trước tiền bán quá hạn trên 3 năm. Khoản dự phòng này tương đương gần 40% giá trị tài sản của Công ty tại cùng thời điểm.
Cũng có tên trong top CTCK có khoản dự phòng “bạc tỷ”, SSI nắm một khoản phải thu khó đòi Công ty TNHH TMXD Phúc Bảo Minh từ việc bán tài sản tài chính trong nhiều năm. Khoản này được dự phòng gần 232 tỷ đồng. Mặc dù giá trị phải thu không phải là nhỏ nhưng chỉ bằng 0.3% tổng tài sản của SSI. Công ty cũng không thuyết minh nhiều về khoản phải thu này.
Với SHS, Công ty có khoản dự phòng phải thu khác 503 tỷ đồng. Trong đó, 442 tỷ đồng đến từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh chứng khoán.
Ngoài ra, khoản phải thu 45 tỷ đồng từ CTCP Vật tư Nông sản là khoản phải thu liên quan vụ kiện giữa hai công ty về việc xử lý tài sản đảm bảo cho khoản cho vay ký quỹ.
Dự phòng phải thu khó đòi của SHS
|
Yến Chi
FILI
|