Nâng Hạng Thị Trường MSCI: Việt Nam cải thiện tiêu chí, nhưng chưa vào danh sách xem xét nâng hạng
Thêm 1 năm trôi qua và Việt Nam vẫn chưa được thêm vào danh sách xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi.
MSCI (Morgan Stanley Capital International) là một công ty nghiên cứu đầu tư cung cấp các sản phẩm chỉ số tài chính, các phân tích thành quả và rủi ro danh mục cùng các công cụ quản trị cho nhà đầu tư tổ chức và quỹ phòng hộ.
|
Theo kết phân loại thị trường định kỳ công bố vào sáng ngày 21/06, MSCI vẫn chưa thêm Việt Nam vào danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi (Emerging market). Điều này không quá bất ngờ khi Việt Nam vẫn còn nhiều nút thắt chưa được giải quyết.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cũng tác động tới đất nước hình chữ S là Bulgaria được điều chỉnh từ “thị trường độc lập” (Standalone market) sang “thị trường cận biên” (Frontier Market). Việc có thêm 1 quốc gia mới gia nhập rổ có thể làm giảm tỷ trọng của các quốc gia khác trong chỉ số.
Tiến triển tích cực
Ở khía cạnh tích cực, MSCI đã ghi nhận một số tiến triển từ Việt Nam. Cụ thể, tiêu chí “khả năng chuyển nhượng” đã được nâng từ cần cải thiện "-" sang không có vấn đề lớn "+".
“Việt Nam đã có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng nhờ gia tăng giao dịch ngoài sàn và chuyển nhượng hiện vật mà không cần phê duyệt trước của cơ quan quản lý”, MSCI đánh giá.
Đến nay, các cơ quản quản lý thị trường chứng khoán Việt Nam rất tích cực hợp tác quốc tế, làm việc với các ủy ban chứng khoán, sở giao dịch và tổ chức xếp hạng thế giới để đẩy nhanh tiến trình nâng hạng.
Cần giải quyết điểm nghẽn nào?
Theo CTCK Rồng Việt (VDSC), TTCK Việt Nam cần giải quyết các nút thắt về (1) “giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài”, (2) chuẩn mực công bố thông tin của công ty đại chúng, (3) cơ chế vận hành giao dịch để cải thiện “khả năng tiếp cận thị trường” trong mắt của các tổ chức đầu tư quốc tế và gián tiếp nâng cao cơ hội nâng hạng thị trường của tổ chức MSCI.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng các nút thắt (2) và (3) có thể được tháo gỡ sớm và khả thi. Cụ thể, việc áp dụng IFRS bắt buộc từ năm 2025 sẽ giúp tiêu chí “luồng thông tin” đến nhà đầu tư được cải thiện trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các chuyên viên phân tích kỳ vọng nút thắt “pre-funding” sẽ được tháo gỡ khi quá trình lấy ý kiến và hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán đang có những tiến triển khả quan. Trong khi đó, nút thắt (1) liên quan đến giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sẽ cần nhiều thời gian hơn, từ nỗ lực của nhà quản lý và cả từ phía tổ chức niêm yết.
Nhiều công ty chứng khoán dự báo Việt Nam sẽ có khả năng vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI vào tháng 6/2025.
Gần 4 tỷ USD chờ đợi
Nếu được nâng hạng, thị trường Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn rất lớn từ các quỹ đầu tư lấy MSCI Emerging Market Index làm tham chiếu và đồng thời tái định giá thị trường với mức P/E cao hơn. Theo ước tính, vốn hóa của MSCI Vietnam Investable Market Index (MSCI Vietnam IMI) đạt 32 tỷ USD tại ngày 31/05/2024. Trong khi đó, vốn hóa MSCI Emerging IMI lên tới 7,239 tỷ USD.
VDSC dự báo nếu được MSCI nâng hạng, tỷ trọng vốn hóa các cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm 0.44% trong rổ chỉ số MSCI Emerging Market Index. Điều này hàm ý sẽ có một dòng vốn khoảng 4 tỷ USD của các quỹ đầu tư ngoại tham chiếu chỉ số này rót vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cổ phiếu được thêm vào đều thuộc MSCI Vietnam IMI.
Top 10 cổ phiếu hàng đầu thuộc MSCI Vietnam IMI
Vũ Hạo
FILI
|