Imexpharm chuẩn bị trả cổ tức với tỷ lệ 20%
Theo nghị quyết ngày 28/06, HĐQT CTCP Dược phẩm Imexpharm (HOSE: IMP) thông báo chốt quyền chi cổ tức với tỷ lệ 20% cho năm 2023. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 11/07/2024.
Tỷ lệ cổ tức 20% của IMP gồm 10% bằng tiền (tương đương 1 cp nhận 1,000 đồng) và 10% bằng cổ phiếu (cổ đông nắm giữ 10 cp được nhận 1 cp mới). Thời hạn thanh toán cổ tức bằng tiền dự kiến vào 23/07/2024.
Với hơn 70 triệu cp đang lưu hành, dự kiến IMP sẽ chi khoảng 70 tỷ đồng và phát hành thêm 7 triệu cp mới để hoàn tất việc chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của Doanh nghiệp được nâng lên hơn 770 tỷ đồng.
Thực tế, tỷ lệ 20% mới được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Tại đại hội 2023, mức cổ tức kế hoạch chỉ là 10% tiền mặt và 5% cổ phiếu (tức tổng 15%). Tuy nhiên, việc tiếp tục phá kỷ lục lãi ròng với gần 300 tỷ đồng (tăng trưởng 34% so với 2022 - cũng là một năm đạt lợi nhuận kỷ lục) là một trong những nguyên nhân khiến Doanh nghiệp thay đổi quyết định.
Cũng tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch HĐQT Chaerhan Chun cho biết mức 20% không hẳn sẽ duy trì tiếp trong tương lai, mà phụ thuộc vào tình hình kinh doanh. Theo bà Chun, HĐQT IMP đang tập trung nền tảng cơ bản của Doanh nghiệp, vì đây là yếu tố giúp IMP tăng trưởng, thu hút nhiều đầu tư.
“Chúng tôi cũng sẽ tập trung vào việc gia tăng giá trị doanh nghiệp và nâng cao giá cổ phiếu. Không chỉ quan tâm đến cổ tức, chúng tôi mong muốn nhà đầu tư chú trọng nhiều hơn đến giá trị tiềm năng của các cổ phiếu Imexpharm mà họ đang nắm giữ” – theo bà Chun.
Cho năm 2024, IMP đặt mục tiêu tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận với kế hoạch lãi trước thuế 423 tỷ đồng, tăng 12%. Tuy nhiên tại quý 1/2024, kết quả không được như mong đợi. Dù vẫn đạt tăng trưởng nhẹ về doanh thu, nhưng giá vốn tăng mạnh đã khiến lãi gộp của IMP giảm 22%, còn 181 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, IMP lãi sau thuế 62 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ.
Giải trình từ phía IMP cũng nêu yếu tố tăng giá nguyên liệu đầu vào là một trong những nguyên nhân kéo lùi kết quả kinh doanh. Bên cạnh đó là tình hình cạnh tranh trên thị trường, và việc nhà máy IMP4 đi vào hoạt động (từ quý 3/2023) khiến chi phí khấu hao và vận hành gia tăng.
Kết quả kinh doanh của Imexpharm |
|
Tuy vậy, IMP vẫn được các công ty chứng khoán (CTCK) đánh giá cao về dư địa tăng trưởng. Theo CTCK Yuanta Việt Nam (YSVN), công bố thì các nhà máy IMP1, IMP2, IMP3, IMP4 mới chỉ đạt công suất lần lượt là 67%, 37%, 57%, 61% trong năm 2023 (theo công bố từ IMP). Điều này phần nào do việc cân đối hàng tồn kho. Với việc các nhà máy chưa đạt công suất tối đa, cho thấy IMP còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu kênh ETC khi danh mục thuốc được mở rộng.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho IMP là việc Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 03/2024 về danh mục thuốc đáp ứng nguyên tắc, tiêu chuẩn EU-GMP. Đây là một điểm thuận lợi cho IMP khi công ty đáp ứng được 12/93 loại thuốc được ban hành theo thông tư. YSVN cho rằng đây sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng cho kênh ETC trong năm 2024.
Bên cạnh đó, giá nguyên liệu API đang hạ nhiệt, nhờ vào nhu cầu API giảm do Ấn Độ đang thực hiện các bước để tự chủ về nguồn API, và Trung Quốc tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất trong bối cảnh nhu cầu suy yếu.
Cùng với kênh ETC chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng trong quý 1/2024 (tăng 58% so với cùng kỳ), IMP đang tiếp tục thúc đẩy kênh OTC với kế hoạch phát triển thị trường miền Bắc và củng cố lại thị trường miền Nam và miền Trung. Ngoài ra, vào tháng 02/2024, Genuone và IMP đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược đánh dấu bước tiến lớn trong việc sản xuất các loại thuốc biệt dược chất lượng cao giá cả cạnh trạnh. Khi mà phần lớn thị phần thuốc biệt dược đang nằm trong tay các nhà sản xuất nước ngoài.
Châu An
FILI
|