Bài cập nhật
Góc nhìn 27/06: Cần bứt phá lên vùng 1,270 - 1,280 để đảm bảo xu hướng tăng
TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể giữ được vùng giá này và hướng đến các kịch bản tươi sáng hơn. Tuy vậy, nếu nhìn trên đồ thị tuần và tháng vẫn cần hai phiên cuối tuần có thể bứt phá lên được vùng 1,270 - 1,280 điểm đảm bảo được xu hướng tăng trong trung hạn.
Áp lực giảm
CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta): Thị trường có thể sẽ gặp áp lực giảm trong phiên 27/06. Đồng thời, Yuanta cho rằng nhịp hồi trong hai phiên vừa qua cũng có thể nhanh chóng kết thúc khi lực cầu đang suy yếu. Tuy nhiên, cũng không loại trừ đà tăng nhẹ vẫn có thể xảy ra khi đây là thời điểm chốt NAV của các quỹ trong quý 2/2024, dù đà tăng có thể sẽ không lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp hồi để đưa tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp 40%-45% danh mục trong ngắn hạn. Đồng thời, các nhà đầu tư chưa nên mua vào trong giai đoạn này.
Xuất hiện tín hiệu tốt?
CTCK Tiên Phong (TPS): Tiếp tục phục hồi với thanh khoản thấp, thị trường dần bước vào vùng cân bằng giữa hai phe mua và bán, từ đó tạo một nền giá quanh ngưỡng 1,250 - 1,270 điểm. Đây là tín hiệu tốt của thị trường sau phiên giảm giá mạnh trước đó.
TPS kỳ vọng vào việc thị trường có thể giữ được vùng giá này và hướng đến các kịch bản tươi sáng hơn. Tuy vậy, nếu nhìn trên đồ thị tuần và tháng vẫn cần hai phiên cuối tuần có thể bứt phá lên được vùng 1,270 - 1,280 điểm để có thể đảm bảo được xu hướng tăng trong trung hạn.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
CTCK BIDV (BSC): VN-Index tăng lên ngưỡng 1,260 ngay đầu phiên sáng 26/06 trước khi lực bán xuất hiện và đẩy chỉ số xuống ngưỡng 1,245. Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy tại đây đã giúp chỉ số ngược dòng trở lại và đóng cửa tại mốc 1,261.24 điểm, tăng gần 5 điểm so với phiên hôm 25/06.
Về giao dịch của khối ngoại, hôm 26/06 khối này bán ròng trên sàn HOSE và mua ròng nhẹ trên sàn HNX. Thị trường đang giao dịch với thanh khoản rất thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhà đầu tư nên giao dịch cẩn trọng trong những phiên này.
Tăng tỷ trọng cho danh mục đầu tư trung dài hạn
CTCK Đông Á (DAS): Nhà đầu tư có thể giải ngân gia tăng tỷ trọng cho danh mục đầu tư trung dài hạn, quan tâm nhóm cổ phiếu công nghệ, khu công nghiệp, xây lắp và sản xuất điện, cổ phiếu thép. Đối với giao dịch ngắn hạn có thể trading T+ các cổ phiếu đã có nền tích luỹ thời gian qua và còn dư địa phục hồi về mức đỉnh của năm 2024.
Nên duy trì tỷ trọng hợp lý
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): VN-Index phục hồi khá tốt, thanh khoản cải thiện hơn, nhiều mã/nhóm mã vượt đỉnh giá gần nhất như các mã điện, nước, xăng dầu, khu công nghiệp, săm lốp, bảo hiểm, đã ảnh hưởng khá tích cực lên thị trường.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư ngắn hạn nên duy trì tỷ trọng hợp lý. Nhà đầu tư trung - dài hạn nắm giữ danh mục hiện tại, các vị thế xem xét gia tăng tỷ trọng mới, cần đánh giá cẩn trọng hơn dựa trên kết quả kinh doanh quý 2 và triển vọng cuối năm của các doanh nghiệp đầu ngành, khi quý 2/2024 đang dần kết thúc.
Trường hợp tỷ trọng dưới mức trung bình có thể xem xét giải ngân các mã đang có thanh khoản gia tăng tốt trở lại. Mục tiêu là các mã cổ phiếu đầu ngành, dự báo có có kết quả kinh doanh triển vọng tích cực trong cuối năm.
Không nên mua lại quá sớm
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index hình thành mẫu nến rút chân sau khi chạm đường MA100 ngày, cho thấy phản ứng của phe mua tương đối chủ động và lực cầu bắt đầu có tín hiệu giải ngân thăm dò. Mặc dù vậy, rủi ro giảm điểm vẫn đang có phần lấn át hơn khi nhiều cổ phiếu trụ vẫn đang cho thấy quán tính điều chỉnh chưa kết thúc.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tránh mua lại quá sớm, chỉ giải ngân 1 phần tỷ trọng nhỏ trading quay vòng cho các vị thế đang nắm giữ tại khi chỉ số lui về vùng hỗ trợ.
Nên tiếp tục quan sát và hành động chậm
CTCK Asean (Aseansc): Thị trường phiên 26/06 vận động theo kịch bản tích cực và giữ vững được mốc MA50 vào cuối phiên. Trong phiên lực cầu liên tục xuất hiện ở vùng giá thấp nhưng áp lực tâm lý e ngại lượng cổ phiếu T+ chỉ giảm bớt khi diễn biến mua mạnh mẽ hơn vào cuối phiên. Tuy nhiên, việc thanh khoản duy trì ở mức thấp cũng vẫn là yếu tố đáng lo ngại trong ngắn hạn nên nếu thị trường trở lại diễn biến tiêu cực hơn đi kèm với thanh khoản gia tăng, nhà đầu tư cần đề cao quản trị rủi ro.
Do đó, Aseansc cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục quan sát và hành động chậm; tránh bán hoảng loạn khi mốc chỉ số 1,250 điểm vẫn được giữ vững.
Rủi ro vẫn hiện hữu trên thị trường?
CTCK BETA: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index duy trì xu hướng tiêu cực trong ngắn hạn khi chỉ số chính nằm dưới các đường MA10, MA20. Cùng với đó các chỉ báo như SAR, MACD và cặp (DI+, DI-) tiếp tục duy trì tín hiệu tiêu cực. Hiện tại, vùng 1,240-1,250 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn cho thị trường.
Trong bối cảnh thị trường hiện tại, mặc dù lực cầu bắt đáy đã xuất hiện, nhưng thị trường vẫn chứng kiến sự phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu. Điều này cho thấy nhà đầu tư cần thận trọng trong việc lựa chọn các mã cổ phiếu để đầu tư, nên ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng tài chính vững mạnh, triển vọng tăng trưởng tốt trong quý 2.
Ngoài ra, các tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn duy trì tín hiệu tiêu cực cho thấy rủi ro vẫn hiện hữu trên thị trường và đà bán ròng của khối ngoại liên tục được kéo dài đồng thời tạo áp lực tâm lý lên thị trường. Việc duy trì một danh mục đầu tư đa dạng để giảm thiểu rủi ro cũng là một chiến lược cần thiết trong thời điểm hiện tại
Thanh Tú
FILI
|