Thứ Bảy, 01/06/2024 11:21

Foxconn chuyển hướng sang xe điện và AI

Foxconn đang đặt cược lớn vào tương lai với việc mở rộng sang các lĩnh vực mới như xe điện và máy chủ cho AI. Sự chuyển đổi này được coi là cần thiết khi thị trường điện thoại thông minh đã bão hòa và biên lợi nhuận đang dần giảm.

“Năm nay, chúng tôi kỳ vọng hợp tác với hai nhà sản xuất xe hơi truyền thống của Nhật Bản”, Chủ tịch Young Liu chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào ngày 31/05. Sự kiện này cũng đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập Foxconn, với tên gọi chính thức là Hon Hai Precision Industry.

Dù không cung cấp chi tiết cụ thể, nhưng ông Liu ám chỉ rằng công ty đang muốn thực hiện hợp đồng sản xuất xe điện cho một số nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.

Dấn sâu vào mảng xe điện

Mảng kinh doanh xe điện của Foxconn đang dần thành hình. Xe buýt điện do Foxconn sản xuất từ năm 2022 đã được sử dụng trong các tuyến địa phương ở Đài Bắc và Cao Hùng. Công ty cũng đã bắt đầu bàn giao mẫu xe chở khách đầu tiên, Model C, trong năm nay và mẫu xe này đã trở thành mẫu xe bán chạy nhất trên thị trường xe điện trong khu vực.

Foxconn cũng có kế hoạch sản xuất hàng loạt mẫu xe Model B vào nửa đầu năm 2025 và hy vọng sẽ xuất khẩu các mẫu xe này sang Đông Nam Á và Bắc Mỹ. Tuy nhiên, công ty đang phải đối mặt với những “cơn gió ngược” khi thị trường xe điện toàn cầu chững lại. Các startup Mỹ mà Foxconn lên kế hoạch hợp tác đang gặp khủng hoảng kinh doanh, buộc công ty phải chuyển sang chiến lược hợp tác với các hãng sản xuất ô tô lớn.

Tận dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng

Foxconn có kế hoạch tăng lợi nhuận bằng cách tận dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng như đã làm với Apple, đồng thời tăng cường xử lý các linh kiện lõi. Công ty đang thiết lập một hệ thống sản xuất hàng loạt chất bán dẫn cacbua silic thế hệ tiếp theo và pin cho xe điện.

Kể từ khi đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc vào năm 2019, ông Liu đã thúc đẩy xe điện trở thành lĩnh vực kinh doanh hàng đầu để tăng trưởng trogn bối cảnh mảng kinh doanh điện thoại thông minh tăng trưởng chậm lại.

Được thành lập vào năm 1974 bởi cựu Chủ tịch Terry Gou, Foxconn đã thể hiện sở trường vượt trội trong việc chuyển dịch sản xuất để đáp ứng nhu cầu, từ linh kiện tivi, linh kiện máy tính cho đến máy tính hoàn thiện và điện thoại thông minh.

Chất xúc tác cho sự tăng trưởng đưa công ty đến được vị trí như ngày nay là iPhone, sản phẩm mà Foxconn đã sản xuất kể từ thế hệ đầu tiên vào năm 2007. Với thế mạnh về sản xuất hàng loạt tại Trung Quốc, công ty này được biết đến là nhà sản xuất iPhone theo hợp đồng lớn nhất thế giới.

Hiện tại, hơn một nửa doanh số bán hàng của hãng là từ các sản phẩm của Apple. Tuy nhiên, với việc thị trường điện thoại thông minh đang dần bão hòa và công ty hiện là gã khổng lồ với doanh thu hàng năm xấp xỉ 192 tỷ USD, động lực tăng trưởng từ điện thoại thông minh đang dần tới giới hạn.

Biên lợi nhuận thấp cũng là một vấn đề, với biên lãi ròng ở mức khoảng 1-2% trong 7 năm liên tiếp.

Chớp lấy cơ hội từ cơn sốt AI

Không chỉ xe điện, Foxconn cũng đang phát triển mô hình sản xuất theo hợp đồng về máy chủ dành cho trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI).

Họ cũng nhận các đơn đặt hàng từ gã khổng lồ chip AI Nvidia và các công ty đám mây lớn của Mỹ.

Ông Liu cho biết: “Sau điện thoại thông minh và các sản phẩm khác, máy chủ dành cho AI sẽ là ngành kinh doanh trị giá 1 ngàn tỷ NTD (30.8 tỷ USD) kế tiếp”.

Nhà phân tích Yasuo Nakane của Mizuho Securities cho biết doanh số liên quan đến máy chủ AI của Foxconn sẽ tăng từ 8.5 tỷ USD trong năm kết thúc vào tháng 12/2023 lên 19 tỷ USD vào năm 2024 và 45 tỷ USD vào năm 2025, đồng thời có khả năng cao là doanh số bán hàng sẽ ngang bằng với doanh số từ iPhone vào năm 2027-2028.

Ngoài sản xuất theo hợp đồng, công ty cũng đang mở rộng chuỗi cung ứng máy chủ AI.

Một nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: “Foxconn có thể cung cấp tất cả các linh kiện chính như bảng mạch in, đầu nối và thiết bị làm mát”.

Thị trường hiện đang kỳ vọng rất nhiều vào sự tăng trưởng của công ty. Giá cổ phiếu Foxconn đã tăng hơn 60% kể từ tháng 3 và vốn hóa thị trường đã vượt quá 2.3 ngàn tỷ NTD.

Trọng tâm trong tương lai sẽ là việc tái cơ cấu công ty điện tử Sharp của Nhật Bản mà Foxconn đã mua lại vào năm 2016. Sharp đã công bố cắt giảm đáng kể hoạt động kinh doanh tấm nền màn hình tinh thể lỏng vào ngày 14/05, bao gồm cả việc đình chỉ hoạt động tại một nhà máy lớn ở Nhật Bản.

Sau cuộc họp ngày 31/05, ông Liu nói với các phóng viên rằng các giám đốc và đội ngũ quản lý mới sẽ được thành lập tại cuộc họp cổ đông của Sharp dự kiến ​​diển a vào cuối tháng 6.

Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)

FILI

Các tin tức khác

>   Phố Wall áp dụng cơ chế giao dịch T+1 trở lại sau 100 năm (01/06/2024)

>   “Bom nợ” Evergrande bị phạt 577 triệu USD, ông Hứa Gia Ấn bị cấm giao dịch chứng khoán suốt đời (01/06/2024)

>   Vọt gần 600 điểm, Dow Jones ghi nhận phiên tăng mạnh nhất trong năm 2024 (01/06/2024)

>   Doanh nghiệp niêm yết ở Trung Quốc tăng cổ tức và mua lại cổ phiếu (31/05/2024)

>   Phố Wall tiếp tục giảm, cổ phiếu Salesforce có phiên tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ (31/05/2024)

>   Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4.6% (30/05/2024)

>   Dow Jones mất hơn 400 điểm (30/05/2024)

>   Nasdaq Composite lần đầu tiên vượt mốc 17,000 điểm (29/05/2024)

>   Phố Wall trở lại cơ chế giao dịch T+1 sau 100 năm (28/05/2024)

>   Nasdaq Composite tiếp tục lập kỷ lục mới nhờ Nvidia (25/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật