Đồng Nai dần trở thành trung tâm kinh tế: Sân bay mới đang thành hình và loạt khu công nghiệp mọc lên
Tỉnh Đồng Nai của Việt Nam đang chuyển mình thành trung tâm kinh tế mới ở miền Nam, với sự hình thành của sân bay quốc tế Long Thành và nhiều khu công nghiệp mới.
Tỉnh dự định phát triển thêm 11 khu công nghiệp mới đến năm 2030, nâng tổng số lên 50 khu. Sân bay quốc tế Long Thành hiện đang được xây dựng và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026.
"Đồng Nai là tỉnh hưởng lợi nhiều nhất từ nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ Việt Nam ở các khu vực phía Nam", ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia tại Tokyo. Ông cho biết sân bay mới, kết hợp với cảng quốc tế Cái Mép-Thị Vải ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, sẽ đóng vai trò trung tâm "hỗ trợ nền kinh tế tương lai của miền Nam Việt Nam”.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai
|
Khu vực xung quanh Tp.HCM từ lâu được đánh giá là trung tâm kinh tế của quốc gia, nhưng Chính phủ từ lâu vẫn tập trung vào đầu tư phát triển miền Bắc. Và khi Hà Nội và các thành phố lân cận đã bắt kịp sự phát triển của khu vực Tp.HCM và lân cận, Chính phủ đã bắt đầu tái tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng ở miền Nam trong khoảng 3 năm trở lại đây, ông Lĩnh giải thích.
Sự xuất hiện của sân bay quốc tế mới cũng là điểm nhấn trong thời gian gần đây. Sân bay Long Thành sẽ có công suất lên tới 125 triệu hành khách mỗi năm, gấp 3 lần so với sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện tại. Sân bay sẽ có 4 nhà ga, với các tuyến bay mới cùng với các tuyến hiện có tại Tân Sơn Nhất, theo ông Lĩnh.
Xung quanh sân bay, nhiều dự án hạ tầng khác đang được triển khai nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, bao gồm 4 dự án đường cao tốc đã và đang được thực hiện, và một tuyến đường sắt dự kiến sẽ mở vào khoảng năm 2030.
Đại công trình sân bay quốc tế Long Thành
|
Trung tâm mới này được kỳ vọng sẽ thu hút các dịch vụ như logistics và lưu trú. Ông Lĩnh cũng cho biết tỉnh đang cố gắng thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đào tạo nghề cho ngành du lịch.
Tỉnh Đồng Nai trở thành “thỏi nam châm” hút vốn nước ngoài nhờ vị trí gần Tp.HCM. Trong những năm 1960, tỉnh đã thành lập khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam và kể từ đó đã thu hút nhiều công ty lớn như tập đoàn Hyosung của Hàn Quốc, Tập đoàn Formosa Plastics của Đài Loan và Nestle.
Trước đây, tỉnh Đồng Nai chào đón mọi khoản đầu tư, nhưng giờ thì khác. Ông Lĩnh cho biết trọng tâm hiện tại là "hướng tới các cụm công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn”, đồng thời cố gắng thu hút các dự án công nghệ cao và tạo việc làm cho lao động có tay nghề cao.
Ông Lĩnh cho biết tỉnh Đồng Nai có lợi thế về nguồn nhân lực, với khả năng tiếp cận giáo dục cả trong tỉnh và tại Tp.HCM. "Chúng tôi luôn nhắc nhở nhân viên cách giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cần thiết để doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh", vị này chia sẻ.
Trong quý đầu tiên của năm, Đồng Nai xếp thứ 6 cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hơn 1,600 dự án FDI từ 46 quốc gia và vùng lãnh thổ và tổng vốn đầu tư khoảng 36 tỷ USD.
Tỉnh cũng đang hưởng lợi từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia. Kể từ khi rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc trở nên rõ ràng do căng thẳng Mỹ-Trung và đại dịch COVID-19, nhiều công ty đã chuyển hướng sang Việt Nam. "Nhiều công ty đến Việt Nam sau COVID-19 đang nói về chiến lược 'Trung Quốc cộng một'", ông Hiroyuki Ishii, Tổng Giám đốc của nhà phát triển khu công nghiệp Long Đức Investment, cho biết.
Long Đức Investment - một liên doanh do tập đoàn thương mại Nhật Bản Sojitz, Daiwa House Kobelco Eco-Solutions, và Donafoods thành lập - hiện có hai khu công nghiệp ở Đồng Nai và đang triển khai khu công nghiệp Long Đức 3. Một số công ty muốn thu hẹp quy mô tại Trung Quốc hoặc đang xem xét lại việc mở rộng công suất sản xuất tại đó và đang đầu tư vào Việt Nam thay thế, ông Ishii nói.
Bên cạnh việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thị trường nội địa ngày càng tăng trưởng cũng là một lý do để các công ty chuyển vào Đồng Nai, theo ông Hiroyuki Taguchi, quản lý bộ phận phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp của Sojitz. Các doanh nghiệp trong tỉnh có thể được chia thành ba nhóm: Doanh nghiệp thâm dụng lao động, doanh nghiệp nhắm vào thị trường nội địa, hoặc doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Trong đó, hai nhóm sau đang tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.
"Miền Bắc Việt Nam thường có các cụm công nghiệp lớn, tập trung vào các công ty sản xuất nặng như ô tô và điện tử, có mối quan hệ kinh doanh với Trung Quốc. Trong khi đó, miền Nam có đặc điểm là đa dạng ngành nghề hơn, bao gồm cả ngành thực phẩm," ông Taguchi nói thêm.
Vũ Hạo (Theo Nikkei Asia)
FILI
|