Thứ Bảy, 15/06/2024 09:43

ĐHĐCĐ PITCO: Mảng sơn sẽ có lãi năm nay nhưng cổ tức còn phải chờ

Lãnh đạo PITCO lạc quan về hoạt động kinh doanh mảng sơn trong năm 2024. Tuy nhiên, sắp tới cổ đông vẫn chưa thể kỳ vọng vào việc nhận cổ tức bởi Công ty còn lỗ lũy kế, đến nay gần 29 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của PITCO diễn ra sáng ngày 14/06/2024. Ảnh: Tử Kính

CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (PITCO, HOSE: PIT) nhận định năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng nhưng thế giới vẫn bất ổn về chính trị - xã hội, do đó việc xuất khẩu của Công ty sẽ gặp rất nhiều rủi ro.

Cho đến hiện tại, PIT còn kinh doanh ở 2 mảng chính gồm gia vị và sơn. Công ty đã quyết định đóng cửa mảng xăng dầu, phần lớn ảnh hưởng bởi cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết đi vào khai thác khiến lượng lớn xe không đi qua cửa hàng. Sản lượng sụt giảm khoảng 70%.

Với mảng xuất khẩu hồ tiêu và gia vị khác, PIT cho biết vẫn hoạt động ổn định, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông qua tìm kiếm thêm khách hàng và thị trường tiềm năng như tham gia các hội chợ quốc tế. Mảng sản xuất xuất khẩu gia vị cao cấp sẽ được đẩy mạnh thêm tại thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm gia vị cao cấp mới cũng như đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tại nhà máy gia vị Tân Uyên. Hiện, với sản lượng 5 triệu sản phẩm/năm nhà máy Tân Uyên phải tăng ca thêm giờ kể cả thứ 7 và Chủ nhật.

Ở mảng sơn, lãnh đạo PIT vẫn e ngại thị trường bất động sản năm nay còn ảm đảm kéo dài có thể khiến hoạt động bán sơn của Công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Theo Chủ tịch HĐQT Trần Trung Kiên, từ đầu năm, mảng sơn đã ký thêm các hợp đồng với các đối tác nước ngoài nên nhà máy hiện đang vận hành công suất tối đa. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh nằm ở thiết bị, cơ sở hạ tầng sau nhiều năm hoạt động đã cũ và lỗi thời.

Công ty cho biết sẽ đẩy mạnh tiết giảm chi phí trung gian như thuê kho trung chuyển, nhân sự mảng nội địa, đồng thời dự kiến có lợi nhuận nhờ thúc đẩy hợp tác gia công xuất khẩu với đối tác trong và ngoài nước để vận hành tối đa công suất nhà máy.

Quý 1 đi được nửa chặng đường lợi nhuận

Khoản lỗ năm 2023 của PIT chủ yếu do trích lập chi phí dự phòng hơn 11 tỷ đồng, trong đó khoản nợ CTCP Sắt thép Đông Á chiếm tỷ trong cao, khoảng 9.5 tỷ đồng.

Do công ty mẹ và công ty con mảng sơn đều có các khoản nợ quá hạn lâu năm, không đối chiếu được công nợ, xác định không thể đòi được, đã dự phòng đủ nhưng chưa hạch toán theo quy định, nên BKS đề xuất làm các thủ tục và hạch toán theo quy định.

Ngoài ra, BKS cho rằng xí nghiệp Tân Uyên chưa có kiểm soát chéo từ Công ty; công suất máy chưa sử dụng hết trong khi tỷ trọng tiêu hạt và tiêu xay trên tổng sản lượng bán chưa cao nên đề xuất thay đổi, có sự kiểm tra chéo về hàng hóa, nguyên vật liệu của công ty mẹ và nâng cao tỷ lệ bán hàng từ xí nghiệp sản xuất.

Với tình hình này, PIT chỉ đặt mục tiêu doanh thu đi ngang so với thực hiện năm ngoái là 710 tỷ đồng; lãi sau thuế 2.6 tỷ đồng sau khi lỗ gần 9 tỷ đồng trước đó. Doanh nghiệp định hướng 4 năm tới, doanh thu tăng thêm 30 tỷ đồng mỗi năm, đến 2028 sẽ đạt 830 tỷ đồng. Lãi trước thuế 6 tỷ đồng, gấp đôi năm 2024.

Quý đầu năm nay, doanh thu gấp đôi cùng kỳ năm ngoái, đạt 263 tỷ đồng, giúp Công ty có lãi trở lại 1.3 tỷ đồng sau khi lỗ nặng quý 4/2023 và gấp 27 lần thời điểm một năm trước; nhờ vậy đi được lần lượt 37% và 50% chặng đường doanh thu và lợi nhuận chỉ sau quý 1.

PIT nói tình hình thế giới ổn định khiến nhu cầu tăng cao và giá tiêu tăng mạnh đã tạo ra kết quả trên. So với đầu năm, phải thu khách hàng đã tăng 55%, lên gần 118 tỷ đồng. Một số khách hàng đáng kể gồm Công ty TNHH Ottogi Việt Nam (10.6 tỷ đồng), Công ty Frutex Australia (15.7 tỷ đồng).

Định hướng chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của PIT giai đoạn 2024 – 2028. Nguồn: PIT

Đã trích lập hết nợ xấu, cổ tức còn phải chờ lâu vì tình hình khó khăn

Theo Tổng Giám đốc Huỳnh Đức Thông, cổ đông nào gắn bó lâu năm với PIT thì có lẽ còn phải chờ trong thời gian dài nữa để có thể nhận cổ tức do Công ty còn lỗ lũy kế. “Doanh nghiệp làm thì được nhưng do trích dự phòng nên lỗ, PITCO vẫn còn rất nhiều khó khăn”, ông Thông giãi bày.

Về giải pháp, lãnh đạo nói chỉ đơn giản là bán hàng nhiều hơn để cải thiện doanh thu. Ngoài ra, một vấn đề khiến Doanh nghiệp lâm vào thế khó liên quan đến vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) kéo dài trong nhiều năm, đến nay chưa được hoàn gần 50 tỷ đồng trong khi phải đi vay số tiền lớn để trang trải hoạt động kinh doanh, bao gồm cả trả lương nhân viên, làm chi phí tài chính ở mức rất cao.

PITCO là một trong những công ty hoạt động với chi phí tài chính lớn nhất trong hệ thống Petrolimex”, Chủ tịch nói.

Nhiệm kỳ 2019-2024 được đánh giá là nhiệm kỳ biến động nhất của PIT từ trước đến nay, từ nhân sự đến hiệu quả kinh doanh. Các khoản trích lập dự phòng nợ xấu cũng phần nào đến từ các năm trước ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả hiện tại.

Công ty cho biết toàn bộ vấn đề tồn đọng, gồm các khoản nợ khó đòi đã được chuyển cho cơ quan thi hành án ở các quận, đến nay cơ bản đã trích lập toàn bộ; đồng thời HĐQT sẽ quán triệt để không phát sinh trích lập trong năm 2024.

Tổng Giám đốc từ nhiệm, bầu mới HĐQT nhiệm kỳ 2024 – 2029

Cổ đông PIT bầu 5 Thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2024-2029; trong đó có 4 thành viên do công ty mẹ Công ty TNHH MTV – Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (PGCC, nắm 56.34% cổ phần) gồm ông Trần Trung Kiên, ông Vũ Cường, ông Văn Tuấn Anh, bà Đậu Khánh Phương. Còn ông Nguyễn Đức Cường được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 18.2%.

Thành viên BKS mới gồm bà Nguyễn Thị Huê và bà Nguyễn Hoàng Mỹ Linh do PGCC đề xuất, còn bà Lê Thúy Đào được đề cử bởi nhóm cổ đông sở hữu 18.79%.

Sau đại hội, ông Kiên tiếp tục được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm quyền Tổng Giám đốc trong giai đoạn kiện toàn nhân sự và đại diện 26.33% lượng cổ phần có quyền biểu quyết của công ty mẹ. Ngoài ra, ông còn đang làm Chủ tịch HĐTV công ty con Công ty TNHH MTV Sơn Petrolimex.

Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Văn Tuấn Anh (1977) đại diện phần vốn 13.17%. Bà Đậu Khánh Phương (1976) hiện đang làm Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐTV Sơn Petrolimex. Ông Vũ Cường (1976) hiện đang làm Phó Tổng Giám đốc PGCC. Người trẻ nhất là ông Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1995.

Trước thềm đại hội, ông Thông từ nhiệm vai trò Tổng Giám đốc kiêm người công bố thông tin do nguyện vọng cá nhân. PIT sau đó bổ nhiệm ông Kiên giữ vai trò quyền Tổng Giám đốc tạm thời cho đến hết ĐHĐCĐ thường niên 2024. Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hải làm người công bố thông tin.

Thành viên HĐQT PIT nhiệm kỳ 2024 – 2029. Từ trái qua: ông Nguyễn Đức Cường, ông Văn Tuấn Anh, ông Trần Trung Kiên, bà Đậu Khánh Phương và ông Vũ Cường. Ảnh: Tử Kính
Thành viên BKS nhiệm kỳ 2024 – 2029. Từ trái qua: bà Nguyễn Hoàng Mỹ Linh, bà Lê Thúy Đào và bà Nguyễn Thị Huê. Ảnh: Tử Kính

Tử Kính

FILI

Các tin tức khác

>   PXA: Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 không đủ điều kiện tổ chức (lần 1) và Thông báo mời họp lần 2 (14/06/2024)

>   TSG: Thông báo ngày đăng ký cuối cùng dự kiến để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 (14/06/2024)

>   Dù khó khăn, một doanh nghiệp xi măng vẫn “gồng mình” chia cổ tức cho cổ đông (14/06/2024)

>   Người giàu nhất Việt Nam sẵn sàng dốc hết tiền vào giấc mơ xe điện (14/06/2024)

>   VNT: CBTT Hợp đồng kiểm toán báo cáo tài chính cho niên độ tài chính năm 2024 (14/06/2024)

>   D11: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (14/06/2024)

>   AMC: Công bố thông tin lựa chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính 2024 (14/06/2024)

>   PGT: Nghị quyết Hội đồng quản trị (14/06/2024)

>   PGT: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (14/06/2024)

>   VTJ: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (14/06/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật