Chủ Nhật, 02/06/2024 10:02

Chân dung ông lớn trang sức Pandora

Ngày 16/05, thương hiệu trang sức nổi tiếng Pandora đã khởi công nhà máy đầu tiên tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 150 triệu USD. Sau LEGO, thêm một "đại bàng" Đan Mạch chọn Bình Dương làm điểm đến.

Pandora bắt đầu từ năm 1982, trong một cửa tiệm kim hoàn nhỏ tại Copenhagen, Đan Mạch. Người thợ kim hoàn người Đan Mạch Per Enevoldsen và vợ thường sang Thái Lan tìm kiếm đồ trang sức để nhập khẩu. Khi nhu cầu tăng lên, trọng tâm dần chuyển sang bán buôn cho khách hàng ở quê nhà.

Pandora có khởi đầu tại một tiệm kim hoàn ở Đan Mạch - Nguồn: Pandora

Sau nhiều năm thành công với tư cách là nhà bán buôn, đến năm 1987, các hoạt động bán lẻ đã bị ngừng và Công ty dần chuyển đến cơ sở lớn hơn. Pandora bắt đầu tuyển các nhà thiết kế và tập trung tạo ra đồ trang sức độc đáo của riêng mình, đồng thời quyết định bắt đầu sản xuất tại Thái Lan 2 năm sau đó.

Mãi đến năm 2000, khái niệm vòng đeo tay Pandora lần đầu tiên được ra mắt tại Đan Mạch và được người tiêu dùng chấp nhận, nhu cầu ngày càng tăng. Công ty từ đó mở rộng ra quốc tế, thâm nhập vào các thị trường mới như Mỹ và Canada (2003), sau đó đến Đức và Úc (2004).

Năm 2005, Pandora sở hữu cơ sở chế tác đầu tiên quy mô lớn ở Gemopolis - một khu công nghiệp trang sức bên ngoài Bangkok và bắt đầu đặt chân đến Anh, Tây Ban Nha.

3 năm sau, Axcel mua lại 60% Pandora và khánh thành cơ sở sản xuất thứ hai tại xứ sở chùa vàng. Pandora niêm yết trên Sàn Giao dịch Chứng khoán NASDAQ OMX Copenhagen năm 2010. Trong cùng năm, các cơ sở sản xuất tiếp theo được mở ở Thái Lan cũng như bắt đầu thâm nhập vào thị trường mới và lớn hơn bao gồm Nga, Ý và Trung Quốc.

Gần đây nhất, vào năm 2017, Tập đoàn mở một cơ sở chế tạo ở Lamphun tại miền Bắc Thái Lan, gần Chiang Mai và cơ sở Triple A ở Gemopolis vào năm 2018.

Ngày nay, các sản phẩm của Pandora có mặt tại hơn 100 quốc gia trên 6 lục địa, thông qua hơn 6,700 điểm bán, bao gồm khoảng 2,600 cửa hàng. Đến cuối quý 1/2024, 2 thị trường trọng điểm của Pandora gồm Mỹ và Anh chiếm nhiều nhất với lần lượt 457 và 219 cửa hàng.

Thương hiệu Pandora vào thị trường Việt Nam thông qua Tập đoàn Norbreeze từ năm 2016 và khai trương 3 cửa hàng trong cùng năm. Đến năm 2021, cửa hàng cao cấp (flagship) đầu tiên ra mắt tại trung tâm TPHCM, mạng lưới lúc này lên đến 30 cửa hàng.

Năm 2023, cái tên Norbreeze Collective Asia (một thành viên thuộc Tập đoàn Norbreeze) lần đầu xuất hiện. Doanh nghiệp này do ông Nam Huynh làm Tổng Giám đốc, phân phối độc quyền thương hiệu Pandora tại khu vực Đông Dương. Còn tại Việt Nam, thành viên Tập đoàn Norbreeze đang vận hành chuỗi hệ thống 17 cửa hàng và website pandora.norbreeze.vn.

Ra đời từ năm 2004 với trụ sở đặt tại Singapore, Tập đoàn Norbreeze được thành lập bởi bộ đôi người Đan Mạch nhằm phân phối, xây dựng những thương hiệu mang phong cách “lifestyle” quốc tế.

Một cửa hàng Pandora tại Cresent Mall quận 7, TPHCM - Nguồn: Cresent Mall

Nhà máy đầu tiên của Tập đoàn Pandora tại Việt Nam nằm trên khu đất 7.5ha, thuộc khu công nghiệp VSIP III, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Đây là nhà máy chế tác trang sức đầu tiên bên ngoài Thái Lan và là cơ sở thứ 4 của doanh nghiệp từ Đan Mạch.

Cơ sở chế tác được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh LEED Gold, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và chỉ dùng nguyên liệu vàng, bạc tái chế. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo ra việc làm cho hơn 7,000 thợ thủ công với công suất hàng năm khoảng 60 triệu sản phẩm trang sức, đồng thời tăng năng lực chế tạo của Pandora lên khoảng 50%.

Đầu năm nay, Tập đoàn tuyên bố sẽ chỉ sử dụng bạc và vàng tái chế để sản xuất đồ trang sức - động thái sẽ tránh được 58,000 tấn CO2 mỗi năm, góp phần vào các mục tiêu bền vững của Pandora là giảm một nửa lượng khí thải carbon trên toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2040.

Chia sẻ tại lễ khởi công, Chủ tịch kiêm CEO Pandora - ông Alexander Lacik cho rằng, đây là cột mốc quan trọng trên hành trình phát triển của Tập đoàn. Cơ sở thủ công mới tại Việt Nam là cần thiết để bắt kịp với sự phát triển và đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Theo đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam - Nicolai Prytz, đây là dự án lớn thứ hai của Đan Mạch đầu tư vào Bình Dương trong thời gian gần đây. Trước đó, đầu năm 2022, Tập đoàn LEGO đầu tư nhà máy 1 tỷ USD tại Bình Dương. Nhà máy Pandora cũng nằm tiếp giáp với nhà máy LEGO theo hướng Tây Bắc.

Khu đất dự án ở khu công nghiệp VSIP III giáp với nhà máy LEGO đang xây dựng - Nguồn: Google Maps

Chủ đầu tư nhà máy là Công ty TNHH Pandora Production Việt Nam (100% vốn thuộc Pandora Production Holding A/S, trụ sở tại Đan Mạch), thành lập vào tháng 3/2023 với vốn điều lệ 230 tỷ đồng (tương đương 10 triệu USD), ngành nghề sản xuất chính là chế tác đồ trang sức thuộc nhóm ngành sản xuất dụng cụ thể dục, thể thao, đồ chơi, nhạc cụ, nữ trang, kim hoàn. Doanh nghiệp có 2 đại diện pháp luật là ông Christian Kruger (quốc tịch Đan Mạch) - Thành viên HĐTV và ông Jeerasage Puranasamriddhi (quốc tịch Thái Lan) - Tổng Giám đốc. Công ty đăng ký số lao động là 8,000 người.

Ông Jeerasage là Giám đốc Cung ứng của Pandora từ giữa năm 2020. Trước khi gia nhập ngành công nghiệp trang sức, ông có kinh nghiệm hơn 20 năm trong mảng chuỗi cung ứng ngành công nghiệp đồng hồ cho các công ty đa quốc gia khác nhau như Thụy Sỹ, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc và Thái Lan.

Dự án mở rộng năng lực sản xuất của Pandora được Ban quản lý các khu công nghiệp Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 3 năm ngoái và có thời hạn hoạt động đến năm 2067. Tổng mức đầu tư khoảng 3.7 ngàn tỷ đồng (150 triệu USD), vốn góp thực hiện dự án 230 tỷ đồng chỉ chiếm khoảng 6.13%.

Theo báo cáo, Pandora hiện đang thuê đất với mức giá 128 USD/m2 (chưa bao gồm thuế GTGT) cho toàn bộ thời hạn thuê, tương đương khoảng 9.6 triệu USD (khoảng 240 tỷ đồng) cho diện tích cả khu đất.

Tại VSIP III, Tập đoàn trang sức sẽ xây một khu nhà văn phòng 5,000m2 có 3 tầng. 3 khu nhà xưởng khoảng 7,000m2 mỗi khu, cao 2 tầng và một số khu vực khác. Công ty dành 42% diện tích khu đất cho cây xanh nhằm điều hòa và tạo cảnh quan.

Trước đó, doanh nghiệp Đan Mạch dự định sẽ lập và trình duyệt dự án, xin giấy phép vào quý 2/2023, sau đó tiến hành xây dựng và lắp đặt thiết bị từ quý 3/2024 đến quý 4/2024; đưa vào vận hành thử trong 2 quý đầu năm 2025; nhưng cho đến nay mới chính thức khởi công, do đó kế hoạch đi vào hoạt động được dời lại, có thể đến năm 2026.

Phối cảnh nhà máy Pandora tại Bình Dương - Nguồn: Pandora

Quý 1/2024, Tập đoàn có trụ sở tại Copenhagen báo cáo doanh thu tăng trưởng gần 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1 tỷ USD. Biên lãi gộp vốn đã cao, nay tiếp tục được cải thiện lên 79.4% - mức đỉnh lịch sử nhờ hiệu quả từ việc kết hợp kênh và chiến lược định giá.

Kết quả này có thể xem là tích cực, bởi quý đầu năm thường không phải thời điểm kinh doanh thuận lợi của doanh nghiệp trang sức, góp phần đưa lãi ròng tăng 9%, đạt 140 triệu USD. Nhìn lại quá khứ, “phong độ” của Pandora thường rơi vào quý cuối năm.

Diễn biến kết quả kinh doanh theo quý của Pandora từ năm 2016 đến nay (Đvt: tỷ USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Năm nay, Tập đoàn nhận định triển vọng kinh tế tiếp tục không chắc chắn. Lạm phát và lãi suất cao cho thấy bối cảnh đầy thách thức đối với người tiêu dùng ở nhiều thị trường.

Công ty Đan Mạch nhắm đến mục tiêu tăng trưởng doanh thu vào khoảng 7-10%, biên lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) khoảng 25%. Doanh thu theo đó kỳ vọng đạt khoảng 4.2 - 4.3 tỷ USD, đến nay đi được gần 1/4 chặng đường.

Dự phóng tăng trưởng doanh thu năm 2024 của Pandora - Nguồn: Người viết tổng hợp

Năm trước, Pandora kiếm gần 4 tỷ USD từ kinh doanh trang sức, tăng hơn 6% so với năm 2022, chủ yếu nhờ hoạt động bán trực tiếp tại các cửa hàng tăng đáng kể gần 20%, mang về gần 2.3 tỷ USD và chiếm hơn 57% tổng doanh thu, trong khi 1 năm trước đó chỉ góp 51%.

Tỷ trọng doanh thu của Pandora năm 2023 theo quốc gia. Nguồn: Người viết tổng hợp

Kinh doanh online đạt 830 triệu USD, cải thiện 5%. Hoạt động bán sỉ và phân phối bởi bên thứ ba thu hẹp mạnh 17%, còn 850 triệu USD; đóng góp mỗi mảng khoảng 21% vào doanh thu chung.

Dù là một doanh nghiệp Đan Mạch, nguồn thu chính của Pandora không nằm tại đất nước này. Thay vào đó, Mỹ tiếp tục là thị trường hàng đầu khi góp vào 30% trong năm 2023, giúp Công ty kiếm gần 1.2 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ.

Anh vẫn là nguồn thu lớn thứ hai (chiếm 13.6%) khi mang về hơn nửa tỷ USD, đi ngang so với năm 2022. Các vị trí sau đó thuộc về Ý, Đức, Mexico, Tây Ban Nha, Pháp, Úc, Trung Quốc… còn quê nhà Đan Mạch chỉ góp 0.1%.

Trong khi doanh thu tăng trưởng, giá vốn lại giảm, giúp lãi gộp năm 2023 tăng gần 10%, đạt 3.1 tỷ USD. Biên lãi gộp cải thiện từ 76.3% lên 78.6% và cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay.

Dù vậy, tổng chi phí hoạt động tăng tương đối mạnh - hơn 12%, lên 2.1 tỷ USD làm EBIT chỉ tăng nhẹ 4%, đạt gần 1 tỷ USD. Biên EBIT năm 2023 ở mức 25%, giảm nhẹ so với mức 26% của năm 2022 cũng như các năm trước.

Nhìn chung, giai đoạn 2019-2023, doanh thu và lãi ròng của Tập đoàn trang sức duy trì xu hướng tăng, dù chậm, do hoạt động bán lẻ chịu ảnh hưởng lớn bởi COVID-19 và tiêu dùng thế giới gặp khó khăn. Điểm tích cực nhất có lẽ nằm ở biên lãi gộp, tăng từ 73% năm 2019 lên 79% năm 2023.

Cuối năm ngoái, tổng tài sản của Pandora vào khoảng 3.3 tỷ USD, tăng khoảng 8%. Riêng tài sản cố định, máy móc và thiết bị là 0.4 tỷ USD; trong đó, tài sản tại Thái Lan chiếm gần 35%, giảm so với con số 47% năm trước đó. Lượng tài sản không biến động nhiều trong nửa thập niên qua.

Diễn biến kết quả kinh doanh của Pandora giai đoạn 2019-2023 (Đvt: Tỷ USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Đối với các cổ đông, bên cạnh cổ tức, điểm hấp dẫn của Pandora có lẽ nằm ở chương trình mua lại cổ phiếu quỹ bằng lượng lớn lợi nhuận thu được hàng năm, góp phần làm tăng giá trị trên mỗi cổ phiếu.

Năm 2023, Tập đoàn Đan Mạch đã chi ra khoảng 0.7 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ, trong khi lãi ròng chỉ khoảng 0.66 tỷ USD. 8 năm trở lại đây, Pandora đã chi tổng cộng 3.35 tỷ USD cho các chương trình mua lại, chưa bao gồm 2 tỷ USD cổ tức. Tổng tiền chi ra ngang ngửa mức lãi xấp xỉ 5 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu cũng vì vậy luôn duy trì trong khoảng 0.7 - 1 tỷ USD.

Diễn biến mua cổ phiếu quỹ và trả cổ tức của Pandora giai đoạn 2016-2023 (Đvt: Tỷ USD)

Nguồn: Người viết tổng hợp

Báo cáo cho thấy, năm ngoái, thương hiệu trang sức đón nhận khoảng 750 triệu khách hàng đến các cửa hàng trực tiếp lẫn trực tuyến, bán hơn 107 triệu sản phẩm. Tập đoàn có hơn 33,000 nhân viên trên toàn cầu, riêng tại Thái Lan có hơn 12,200 thợ thủ công lành nghề.

Tính đến cuối năm 2023, 71% vốn cổ phần Pandora được sở hữu bởi các tổ chức. Trong đó, các tổ chức Anh, Mỹ và Đan Mạch lần lượt nắm 29%, 28% và 14%. Công ty BlackRock (Mỹ) cũng có 10.2% cổ phần tại đây. HĐQT và Ban điều hành nắm khoảng 0.5%.

Hiện Pandora có 42 công ty con trực tiếp và 20 công ty con gián tiếp trên khắp thế giới, đều thuộc 100% vốn của Tập đoàn mẹ.

Tử Kính

Thiết kế: TM

FILI

Các tin tức khác

>   HOSE: Thông báo về việc loại bỏ giao dịch đối với 02 nhà đầu tư Trần Minh Hoàng, Hoàng Thị Lan Hương (31/05/2024)

>   AAT: BCTC năm 2023 (31/05/2024)

>   PVH: Giải trình liên quan Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 (31/05/2024)

>   STG: Thông báo mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 và bầu cử TV HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 (31/05/2024)

>   STG: CBTT Nghị quyết HĐQT thông qua tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 (31/05/2024)

>   KDC: Nghị quyết HĐQT về việc thông qua ngày chốt DSCĐ để thực hiện quyền nhận cổ phiếu từ đợt sử dụng cổ phiếu quỹ để chia cho CĐHH (31/05/2024)

>   GEG: Trích yếu Nghị quyết HĐQT số 16A ngày 30/05/2024 (31/05/2024)

>   SSB: Nghị quyết HĐQT về việc tăng phần vốn góp tại SeABank AMC (31/05/2024)

>   Mắc lỗi liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Chứng khoán Bảo Minh bị phạt tiền (31/05/2024)

>   AAT: Giải trình cơ sở ý kiến kiểm toán ngoại trừ của BCTCKT 2023 (31/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật