Cảng Rau Quả tiếp tục biến động lãnh đạo, lên kế hoạch phát hành hơn 7.8 triệu cp
Năm 2024, CTCP Cảng Rau Quả (HNX: VGP) đặt mục tiêu tổng doanh thu gần 12,023 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện 2023 và lãi sau thuế đi ngang ở mức gần 17.2 tỷ đồng. Công ty dự kiến tiếp tục có biến động dàn lãnh đạo, đồng thời lên kế hoạch tăng vốn mạnh mẽ với việc phát hành hơn 7.8 triệu cp trong năm 2024 hoặc 2025.
Kế hoạch lợi nhuận đi ngang giữa lúc nhiều thuận lợi đan xen khó khăn
Năm 2024, VGP đánh giá việc sở hữu vị trí cảng biển gần trung tâm TPHCM tiếp tục tạo nhiều thuận lợi, bên cạnh đó là hệ thống giao thông đường bộ đến các khu vực khác; hệ thống kho bãi và cầu cảng kết nối nhau bằng hệ thống giao thông nôi bộ; các khách hàng thuê kho đều là khách hàng lớn, đã gắn bó nhiều năm.
Tuy nhiên, VGP cũng xác định sẽ đối mặt nhiều khó khăn, bởi cảng Rau Quả là 1 trong 5 cảng tại TPHCM phải chuyển đổi công năng tại phần đất của cảng và tiếp tục kinh doanh khai thác trên cơ sở hiện hữu, do đó việc đầu tư cơ sở vật chất mới không được phép thực hiện.
Các chính sách pháp luật về khai thác, kinh doanh cảng có nhiều thay đổi, số lượng chính sách thay đổi nhiều làm phát sinh nhiều chi phí, thủ tục, thời gian thực hiện.
Ngoài ra, điều kiện tự nhiện diễn biến phức tạp, khó lường như triều cường liên tục lập đỉnh mới hàng năm, sụt lún đất ngày càng lớn, bồi lắng lòng sông nhanh…
Trước những nhận định đó, VGP đặt mục tiêu tổng doanh thu 2024 gần 12,023 tỷ đồng, giảm 8% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, doanh thu nông sản 12 tỷ đồng và doanh thu kinh doanh cầu cảng gần 23 tỷ đồng. Công ty dự kiến sau khi trừ hết chi phí, lãi sau thuế còn lại gần 17.2 tỷ đồng, đi ngang so với thực hiện 2023.
Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 của VGP
|
Bên cạnh đó, VGP cũng có kế hoạch thu hồi công nợ khó đòi, quá hạn của Công ty Otrans và Công ty Vinalimex.
Tại cuối năm 2023, VGP ghi nhận nợ xấu gần 29 tỷ đồng với CTCP Otran Miền Nam và 14 tỷ đồng với CTCP Xuất nhập khẩu Hạt điều và Hàng nông sản thực phẩm TPHCM (Vinalimex).
Riêng khoản nợ xấu của Vinalimex, đây là khoản phải thu theo hợp đồng hợp tác kinh doanh ký năm 2017, phụ lục hợp đồng ký năm 2018, thời hạn hợp tác 12 tháng kể từ ngày 01/04/2018. Tổng giá trị hợp đồng là 40 tỷ đồng, trong đó VGP góp tối đa 20 tỷ đồng thực hiện hoạt động kinh doanh hạt điều và các sản phẩm nông sản.
Nguồn: BCTC kiểm toán năm 2023 của VGP
|
Đối với dự án khu nhà ở Phú Thuận, VGP tiếp tục làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để ký gia hạn hợp đồng thuê khu đất số 1 Nguyễn Văn Quỳ, phường Phú Thuận, quận 7 và làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc cập nhật chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu dân cư liên phường Tân Thuận Tây - Bình Thuận - Tân Thuận Đông (phía nam) - Phú Thuận (phía Bắc rạch Bà Bướm).
Tại dự án này, VGP đã nộp hồ sơ xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch Đầu tư TPHCM. Việc xin chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện sau khi hoàn thành cập nhật chỉ tiêu kiến trúc - quy hoạch vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.
Với dự án khu thương mại Kim Thành - Lào Cai, VGP tiếp tục nghiên cứu các phương án để triển khai giai đoạn 2 theo quy hoạch mới của UBND tỉnh Lào Cai. Cuối năm 2023, VGP ghi nhận chi phí xây dựng dở dang tại dự án này hơn 21 tỷ đồng.
Dự án khu thương mại Kim Thành - Lào Cai được cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 15/08/2007, thay đổi lần thứ nhất ngày 15/10/2009 do UBND tỉnh Lào Cai cấp, Ban Quản lý Khu kinh tế Lào Cai cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần thứ hai ngày 20/08/2019.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 75 tỷ đồng. Hạng mục trung tâm thương mại - văn phòng cao 6 tầng đang được VGP khai thác, vận hành. Các hạng mục còn lại sẽ được xây dựng lộ trình triển khai phù hợp sau khi kế hoạch chi tiết được phê duyệt. Hiện tại, dự án vẫn đang trong quá trình xây thô; năm 2020, VGP đã thuê nhà thầu hoàn thiện xong hạng mục thi công bể phốt, hoàn thiện kiến trúc mặt ngoài tầng 1-2, trong nhà tầng 1-2. Từ năm 2020, dự án đang chờ kế hoạch chi tiết được phê duyệt.
|
Kế hoạch phát hành hơn 7.8 triệu cp
Một nội dung quan trọng khác sẽ được trình đại hội là phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2023 và tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu, tổng cộng hơn 7.8 triệu cp.
Cụ thể, VGP dự kiến phát hành gần 5.9 triệu cp để trả cổ tức năm 2023, tương ứng tỷ lệ 100:75 (cổ đông sở hữu 1 cp sẽ được hưởng 1 quyền, cứ 100 quyền sẽ được nhận 75 cp mới). Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên BCTC kiểm toán năm 2023.
Đồng thời, VGP có kế hoạch phát hành gần 2 triệu cp, tương ứng tỷ lệ 100:25. Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên BCTC kiểm toán năm 2023.
Các đợt phát hành đều dự kiến thực hiện trong năm 2024 hoặc 2025, toàn bộ không bị hạn chế chuyển nhượng. Tổng cộng 2 đợt phát hành sẽ có tỷ lệ tròn 100%, qua đó giúp VGP tăng vốn điều lệ thêm 78 tỷ đồng, sử dụng cho mục đích bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh.
Miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT chỉ sau 1 năm giữ chức
Theo tài liệu, HĐQT VGP dự trình ĐHĐCĐ thông qua miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với bà Trần Thị Anh Thơ. Trước đó, bà Thơ đã có đơn xin từ nhiệm, rút khỏi vị trí Chủ tịch và Thành viên HĐQT từ ngày 05/06/2024, vì lý do cá nhân.
Bà Thơ được bầu vào HĐQT VGP tại ĐHĐCĐ ngày 20/09/2020. Đến ngày 28/06/2023, bà được bầu giữ chức Chủ tịch. Nếu tờ trình miễn nhiệm được thông qua, bà Thơ sẽ khép lại giai đoạn làm Chủ tịch vỏn vẹn 1 năm.
Chiều ngược lại, bà Trương Thị Hải Yến - Kế toán trưởng VGP được ông Phạm Ngọc Quỳnh - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc VGP giới thiệu vào vị trí bị Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2026.
Trước đó, dàn nhân sự lãnh đạo của VGP cũng có biến động. Cụ thể, vào ngày 03/06, bà Đỗ Thị Dung - Phó phòng khai thác cảng, thư ký HĐQT, người được ủy quyền công bố thông tin - được bổ nhiệm làm người phụ trách quản trị VGP nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng ngày, bà Nguyễn Thị Khánh Hải - Thành viên HĐQT cũng được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2021-2026.
Huy Khải
FILI
|