Cách ông trùm bán lẻ Nhật AEON MALL mở rộng tại Việt Nam
Có mặt ở Việt Nam vào năm 2014 với trung tâm thương mại đầu tiên là AEON MALL Tân Phú, chỉ sau 10 năm, tập đoàn bán lẻ Nhật Bản đã nhanh chóng mở rộng quy mô lên 8 đại siêu thị cùng hàng trăm điểm bán nhỏ lẻ… Nhờ chiến lược “khéo léo” bắt tay với các doanh nghiệp Việt ở những dự án trì trệ nhiều năm hoặc được bổ sung, thay đổi mục đích quy hoạch ban đầu mà Tập đoàn AEON có được những khu đất phù hợp để xây các trung tâm thương mại.
AEON MALL Tân Phú Celadon là đại siêu thị của ông trùm bán lẻ xứ sở mặt trời mọc đánh dấu sự xuất hiện của một siêu thị trọn gói One-Stop Shopping đầu tiên tại Việt Nam, nơi có thể đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm, vui chơi, nghỉ ngơi và giải trí của khách hàng. Vốn đầu tư vào năm 2012 là 134 triệu USD, quy mô khu đất 7ha, sau hai năm khởi công đã nhanh chóng đi vào hoạt động.
Lần lượt sau đó, giai đoạn 2013-2016, Tập đoàn AEON của Nhật, thông qua pháp nhân tại Việt Nam là Công ty TNHH AEON Việt Nam và Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam, liên tiếp cho ra đời các trung tâm mua sắm quy mô lớn tại Bình Dương, Hà Nội. Mọc lên ở những khu vực vốn không phải thuộc lõi của đô thị, nhưng AEON MALL vẫn thu hút được lượng lớn khách hàng.
Một điểm chung khác có thể thấy là phần lớn trung tâm AEON được xây trên các khu đất của những dự án bị trì trệ nhiều năm, Tập đoàn Nhật Bản “khéo léo” bắt tay với các doanh nghiệp Việt để dễ dàng đầu tư và đẩy nhanh tiến độ. Bỏ xa các đối thủ như Emart, Lotte đến từ Hàn Quốc hay GO! (BigC trước đây), MM Mega Market (Metro trước đây) của Thái Lan, Parkson của Malaysia, vốn phát triển mảng bán lẻ tại Việt Nam trước đó hoặc cùng thời với AEON.
Sau thành công tại TPHCM là AEON MALL Bình Dương Canary quy mô 6.2ha, 95 triệu USD. Đây là trung tâm có quy mô dưới 100 triệu USD đầu tiên của AEON.
Tạo được danh tiếng tốt, AEON lần lượt ra mắt 3 đại siêu thị khác là AEON MALL Long Biên, Bình Tân và Hà Đông. Điểm chung của ba trung tâm này là đều được xây trên khu đất đã quy hoạch cho khu công nghệ hoặc khu y tế.
Cụ thể, AEON MALL Long Biên có vốn đầu tư đến 200 triệu USD. Nơi này từng là khu đất CTCP Him Lam mua lại từ CTCP Hanel vào năm 2007 để đầu tư khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội với tổng diện tích 38ha. Trong đó, các công trình dự án được phép xây dựng ở diện tích 12.4ha. Đầu năm 2014, Hà Nội chấp thuận xây dựng dự án khu thương mại, dịch vụ cộng đồng, triển lãm Aeon Mall Him Lam (AEON MALL Long Biên ngày nay). Theo đó, Him Lam bắt tay với AEONMALL Việt Nam xây dựng trên diện tích 9.6ha.
AEON MALL Bình Tân là đại siêu thị thứ hai của nhà bán lẻ Nhật Bản tại TPHCM. Lần này, AEONMALL Việt Nam hợp tác với Tập đoàn Hoa Lâm xây trung tâm thương mại 4.7ha trong khu y tế kỹ thuật cao Hoa Lâm Shangri-La rộng 40ha. Dự án y tế này được UBND TPHCM cấp phép từ tháng 7/2008 và dự kiến triển khai trong 10 năm. Dự án gồm 6 bệnh viện đa khoa, 5 bệnh viện chuyên khoa với tổng cộng 1,750 giường bệnh. Hoa Lâm ví dự án như “thành phố y tế đẳng cấp đầu tiên ở Việt Nam”. Đến nay, ngoài trung tâm AEON MALL, bệnh viện Quốc tế City, bệnh viện Gia An thì các dự án bệnh viện khác vẫn chưa xuất hiện.
Vị trí AEON MALL Bình Tân
Hiện trạng khu đất y tế hiện ngoài trung tâm AEON MALL, bệnh viện Quốc tế City, bệnh viện Gia An thì các dự án bệnh viện khác vẫn chưa xuất hiện. Ảnh Google map
AEON MALL Hà Đông 200 triệu USD cũng có cách làm khá giống khi AEON cùng BIM Group thực hiện. Tháng 5/2017, UBND TP. Hà Nội có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết Bệnh viện quốc tế Hà Đông và Trung tâm thương mại, tỷ lệ 1/500 (điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Bệnh viện quốc tế Hà Đông).
Dự án nằm tại phường Dương Nội, quận Hà Đông, tổng diện tích 16.7ha. Trong đó, đất để xây Bệnh viện quốc tế Hà Đông (600 giường bệnh) khoảng 7.1ha, chiếm gần 43% tổng diện tích khu đất; còn đất xây trung tâm thương mại hơn 9.5ha, chiếm 57%.
Hồi năm 2008, dự án Bệnh viện quốc tế Hà Đông được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cấp cho nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Hạ Long (BIM Group). Do đó, việc AEONMALL Việt Nam bắt tay BIM Group và việc Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 1/500 được coi là mở đường để triển khai dự án trung tâm thương mại.
Lễ động thổ AEON MALL Hà Đông có sự tham gia của BIM Group
Hải Phòng được chọn là điểm đến thứ hai khu vực phía Bắc của AEON. Dự án AEON MALL đầu tiên của Hải Phòng có diện tích 9.3ha nằm trên khu đất do CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát (thuộc CTCP Tập đoàn Việt Phát) làm chủ đầu tư tại khu vực Hồ Sen – Cầu Rào 2 thuộc phường Kênh Dương và Phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.
Để thu hút nhà đầu tư Nhật Bản, tháng 07/2017, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành quyết định số 1899/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ quy hoạch lô A37 trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 quận Lê Chân đến năm 2025, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất trong lô A37 để đảm bảo việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại AEON MALL. Trong đó, diện tích đất công cộng cấp thành phố được điều chỉnh từ 2.81ha thành 11.79ha; diện tích đất công cộng cấp quận từ 8.44ha xuống còn 1.36ha; đất giao thông từ 3.57ha xuống còn 2.29ha. Tháng 10/2017, CTCP Xây dựng Bất động sản Việt Phát được chấp thuận là nhà đầu tư dự án Trung tâm mua sắm AEON MALL Hải Phòng Lê Chân 180 triệu USD. Tháng 5/2018, UBND TP. Hải Phòng có quyết định cho phép chuyển nhượng dự án này và vài ngày sau đó, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam trở thành chủ đầu tư mới của dự án, và khởi công ngay trong tháng 5/2018.
Giữa năm 2023, đoàn làm việc của lãnh đạo TP. Hải Phòng đến Nhật Bản đã có buổi gặp gỡ với Tập đoàn AEON Mall và đề nghị đơn vị này sớm xây dựng trung tâm AEON MALL thứ hai tại Hải phòng.
Việt Phát và AEONMALL Việt Nam ký hợp đồng nguyên tắc vào tháng 06/2017
Cũng với Việt Phát, tháng 01/2024, Công ty TNHH AEONMALL Việt Nam và CTCP Tập đoàn Việt Phát đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc hướng tới phát triển dự án trung tâm thương mại tại Quảng Ninh. Dự án có tổng diện tích quy hoạch hơn 13ha. Trong đó, trung tâm thương mại 9.1ha, còn lại là hạ tầng giao thông. Tổng mức đầu tư trên 5.2 ngàn tỷ đồng. Được biết, khu đất xây dự án Tập đoàn Việt Phát có được từ việc trúng đấu giá quyền sử đất trả tiền thuê đất một lần khu đất hơn 13ha với giá hơn 764 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tại lễ khởi động dự án hồi tháng 1 năm nay, nhà đầu tư dự kiến xây dựng từ quý I/2024 đến quý 4/2025 và đưa vào hoạt động trong quý 1/2026.
Lễ khởi động AEON MALL Quảng Ninh vào tháng 1/2024. Nguồn: Báo Quảng Ninh
Thêm một lần với Việt Phát, ngay trong năm nay, AEON MALL Biên Hòa có kế hoạch khởi công. Một lần nữa lại là thương vụ giữa Tập đoàn Việt Phát với AEONMALL Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 6.1 ngàn tỷ (tương đương 268 triệu USD), diện tích đất 12ha.
Hồi tháng 5/2022, tỉnh Đồng Nai và AEONMALL Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại AEON MALL trên địa bàn TP. Biên Hòa. Tháng 8/2023, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm thương mại tại phường Hiệp Hòa, TP. Biên Hòa theo hình thức lựa chọn nhà đầu tư. Tháng 9, Đồng Nai thông báo mời gọi nhà đầu tư thực hiện. Tháng 11, tỉnh công bố có duy nhất Tập đoàn Việt Phát tham gia đăng ký thực hiện dự án. Tháng 12, UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư dự án đối với Việt Phát. Đầu năm 2024, Việt Phát công bố báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án “Trung tâm thương mại Hiệp Hòa” với phối cảnh là AEON MALL Biên Hòa.
Hiện tại các bên đang xúc tiến để có thể khởi công dự án trong tháng 5 này. Dự kiến tiến độ thực hiện từ quý 4/2024 hoàn tất các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai; quý 1/2025 xây dựng; quý 2/2027 đi vào vận hành giai đoạn 1. Quý 1/2035 – 2/2038 xây dựng, hoàn thành đi vào vận hành giai đoạn 2.
Huế là mảnh đất miền Trung đầu tiên của AEON MALL với trung tâm thương mại 170 triệu, diện tích hơn 8ha, khởi công hồi tháng 2/2023, dự kiến đi vào khai trương trong nửa cuối năm nay.
Được biết vào tháng 2/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Công ty AEONMALL Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về việc đầu tư trung tâm thương mại. Tháng 5/2021, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trung tâm thương mại dịch vụ tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương với vốn đầu tư tối thiểu 3,916 tỷ đồng. Tháng 6 tỉnh công bố kêu gọi đầu tư dự án. Tháng 10, CTCP Đầu tư Newland (Newland) được chấp thuận là nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tháng 4/2022, Newland thông báo kết quả tuyển chọn phương án kiến trúc cho dự án với hình ảnh logo của AEON trên phối cảnh kiến trúc.
Phối cảnh AEON Huế do Newland công bố
Không rõ Newland và Công ty AEONMALL Việt Nam hợp tác đầu tư dự án này vào thời điểm nào nhưng giữa năm 2022, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND tỉnh hướng dẫn giải quyết thủ tục chuyển nhượng toàn bộ dự án đối với dự án trung tâm thương mại dịch vụ tại Khu A – Đô thị mới An Vân Dương.
Lãnh đạo AEON Mall và New Land tại lễ khởi công dự án vào tháng 02/2023. Nguồn: UBND TT Huế
Gần đây nhất, AEON MALL Tân An, tỉnh Long An khởi công, đánh dấu trung tâm thương mại đầu tiên của Tập đoàn AEON Mall tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Khu đất xây dự án là do Tổng Công ty IDICO - CTCP (HNX: IDC) chuyển nhượng một phần dự án khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6, TP. Tân An, tỉnh Long An cho AEON Việt Nam. Cụ thể, Công ty con của IDC là CTCP Đầu Tư Xây dựng Long An IDICO (UPCoM: LAI), đồng thời là chủ đầu tư của dự án khu dân cư trung tâm mở rộng phường 6, trong năm 2022 đã ký hợp đồng nguyên tắc với đối tác AEON Việt Nam bán lô đất thương mại dịch vụ và đất giáo dục với tổng diện tích 21,870m2, tổng giá trị giao dịch hơn 437 tỷ đồng. Năm 2023, AEON Việt Nam đã thanh toán xong 152 tỷ đồng cho LAI.
AEON MALL Tân An có quy mô gần 2.2ha, tổng vốn đầu tư 45 triệu USD.
Như vậy tính đến nay có khoảng 9 trung tâm AEON MALL đã đi vào hoạt động, chuẩn bị khai trương và dự kiến khởi công. Theo tìm hiểu, AEON Việt Nam còn dự định mở thêm ít nhất 7 trung tâm thương mại thời gian tới ở các tỉnh thành như Bắc Giang, Cần Thơ, Hạ Long, Hóc Môn TP.HCM, Bắc Ninh, Thanh Hóa. Tập đoàn Nhật đã ký kết một số biên bản ghi nhớ hợp tác, nghiên cứu đầu tư, thoả thuận đầu tư với những địa phương này với ốn đầu tư mỗi trung tâm từ 170-250 triệu USD. Ước tính AEON Mall rót hơn 1.4 tỷ USD để xây 9 đại siêu thị, và dự kiến với những tỉnh thành ký kết sẽ rót thêm hơn 1.5 tỷ USD để đầu tư.
Nguồn: Người viết tổng hợp
Trong tầm nhìn dài hạn, AEON vẫn nhận định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai sau Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư. Năm 2023, dù kinh tế Việt Nam nói chung và ngành bán lẻ nói riêng gặp nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt leo thang, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhưng mảng bán lẻ của AEON vẫn tăng doanh số 4-5% và lượng khách mua tăng 3-4% so với năm trước đó.
Đến cuối năm 2024, dự kiến tổng số địa điểm kinh doanh của các công ty thành viên trong Tập đoàn AEON tại Việt Nam sẽ đạt hơn 160 địa điểm, bao gồm các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, trung tâm bách hoá tổng hợp và siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi trẻ em…
Kết thúc năm tài chính 2023 (niên độ 1/3/2023-29/2/2024), AEON Mall mang về hơn 423.2 tỷ yên (gần 2.7 tỷ USD) doanh thu hợp nhất, tăng 6.3% so với năm trước. Lợi nhuận ròng gần 21 tỷ yên (130 triệu USD), tăng 57%. Trong đó, doanh thu từ Việt Nam là 15.3 tỷ yên (91.2 triệu USD), tăng 15% so với năm trước.
Thu Minh
Thiết kế: TM
FILI
|