Các ông lớn dầu khí kinh doanh đi lùi trong quý 1
Quý 1/2024, nhóm các doanh nghiệp xăng - dầu - khí chứng kiến sự phân hóa mạnh. Trong nhóm các ông lớn, chỉ mình PLX tăng lãi. Nhóm còn lại phân hóa trái chiều. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng nổi bật xen lẫn một số cái tên lùi sâu, thậm chí thua lỗ.
Thống kê từ VietstockFinance, trong số 32 doanh nghiệp ngành xăng - dầu - khí công bố BCTC quý 1, có 14 cái tên báo lãi tăng trưởng, 14 doanh nghiệp giảm lãi và 4 trường hợp thua lỗ.
Các ông lớn lùi sâu
3 trong số 4 ông lớn đầu ngành ghi nhận kết quả quý 1 giảm sút so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng - dầu - khí trong quý 1/2024
|
Dẫn đầu mức giảm là BSR khi rơi 30% lãi ròng trong quý 1, chỉ đạt hơn 1.1 ngàn tỷ đồng. Một phần lý do là vì crack spread (khoảng cách giá dầu thô và thành phẩm) trong quý 1 thu hẹp so với cùng kỳ, nên dù giá dầu có tăng nhưng lợi nhuận vẫn đi lùi. Tuy nhiên, nguyên nhân chính cho mức giảm này là việc nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngừng sản xuất để bảo dưỡng tổng thể lần 5 (TA5) từ 15/3/2024.
Việc bảo dưỡng này đáng lẽ diễn ra từ năm 2023, nhưng được dời sang 2024 theo quyết định tại ĐHĐCĐ thường niên 2023. Đợt bảo dưỡng kéo dài dưới 48 ngày, nên một phần ảnh hưởng sẽ được ghi nhận vào quý 2/2024.
Diễn biến giá dầu thế giới trong quý 1/2024 |
|
PV Gas (HOSE: GAS), dù đạt lợi nhuận cao nhất ngành với hơn 2.5 ngàn tỷ đồng, nhưng cũng giảm sút 30% so với cùng kỳ. Phía GAS giải thích, giá CP (contract price) bình quân trong quý 1 thấp hơn cùng kỳ 11%, tương ứng giảm 74.17 USD/tấn. Mặt khác, sản lượng khí khô và LPG tiêu thụ đều giảm lần lượt 14% và 9%, kéo doanh thu trong kỳ đi xuống.
Thực tế, GAS và BSR là 2 doanh nghiệp thuộc trung và hạ nguồn của ngành dầu khí. Việc nhà máy lọc dầu Dung Quất phải dừng bảo dưỡng đã gây ra tác động không nhỏ vì thiếu đi nguồn khí từ nhà máy này, dẫn đến sản lượng sụt giảm.
Tình hình kinh doanh của GAS |
|
Trong khi đó, PV Oil (UPCoM: OIL) báo lãi giảm 8%, còn 233 tỷ đồng. Tuy nhiên trong quý vừa qua, OIL thực chất đã đạt doanh thu quý cao thứ 3 lịch sử kể từ khi niêm yết (gần 30 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 44%) và ghi nhận lãi trước thuế tăng 5%.
Ngoài ra, cần lưu ý rằng, nếu so với kế hoạch từ ĐHĐCĐ 2024, thành quả của các ông lớn là không tệ. Ngoại trừ GAS chưa công bố kế hoạch, BSR gần như hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm, trong khi OIL cũng thực hiện được 41% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Tình hình kinh doanh của Petrolimex |
|
Petrolimex (HOSE: PLX) là cái tên duy nhất tăng trưởng trong nhóm 4 ông lớn. Trong quý 1, PLX đạt 75 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 11%; lãi ròng tăng mạnh 73%, lên gần 1.1 ngàn tỷ đồng. Phía PLX giải trình rằng có 3 yếu tố giúp hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả trong quý 1: nguồn cung năng lượng, giá dầu thế giới diễn biến ổn định hơn các năm; nguồn cung xăng dầu tại các nhà máy trong nước ổn định, đảm bảo nguồn cung đúng kế hoạch; nhờ điều hành kinh doanh nội bộ đã tối ưu, phù hợp biến động thị trường.
Tương tự như BSR, PLX cũng gần “về đích” chỉ sau 1 quý, khi thực hiện được 80% kế hoạch lãi trước thuế được ĐHĐCĐ thông qua.
Phân hóa
Các doanh nghiệp nhóm xăng - dầu - khí có sự phân hóa mạnh trong quý 1
|
Sự phân hóa của các doanh nghiệp dầu khí còn lại có thể phân ra 3 nhóm: thượng nguồn (Upstream - nhóm dịch vụ khai thác và thăm dò E&P), trung nguồn (Midstream - nhóm tập hợp, vận chuyển tài nguyên) và hạ nguồn (Downstream - nhóm doanh nghiệp lọc dầu).
Trước khi kết thúc quý 1, nhóm thượng nguồn đã nhận được kỳ vọng kết quả tích cực nhờ việc triển khai các gói thầu hạn chế thuộc đại dự án Lô B - Ô môn hay giá cho thuê giàn khoan đang ở mức cao kỷ lục. Các dịch vụ khoan, xây lắp giàn khoan và kho nổi cũng nhận được công việc mới, giá trị cao hơn. Thực tế cho thấy, nhóm thượng nguồn đã đạt kết quả ấn tượng trong quý 1 năm nay.
Chẳng hạn như PVS, lãi ròng quý 1 hơn 301 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 40%, dù doanh thu đi ngang. Việc giá vốn sụt giảm đã cải thiện lợi nhuận gộp của Doanh nghiệp, tăng từ 204 tỷ đồng lên hơn 258 tỷ đồng (27%). Ngoài ra, khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết ghi nhận tăng 25%, lên hơn 197 tỷ đồng, cũng đóng góp lớn vào thành quả sau cùng.
Các doanh nghiệp thượng nguồn như PVS có kết quả tốt trong kỳ |
|
Doanh nghiệp thượng nguồn khác là PVD - đơn vị khoan dầu thuộc PetroVietnam (PVN) cũng lãi đậm trong quý 1 với 158 tỷ đồng, gấp 2.4 lần cùng kỳ nhờ đơn giá cho thuê giàn khoan tự nâng tăng mạnh, cũng như có thêm doanh thu từ việc cho thuê giàn khoan (quý 1/2023 không ghi nhận doanh thu).
Đối với nhóm trung và hạ nguồn, nhiều đơn vị chứng kiến kết quả tăng trưởng âm. Như CNG rơi tới 94% lợi nhuận ròng, còn 1.3 tỷ đồng; PVG giảm 72%, còn khoảng 1 tỷ đồng; PGS giảm 14%, còn 28 tỷ đồng. Lý do đưa ra hoặc vì sản lượng khí sụt giảm như CNG, hoặc do vấn đề thị trường ảnh hưởng việc kinh doanh như PGS và PVG.
Trong khi đó, nhóm kinh doanh xăng dầu cho kết quả tương đối khả quan. COM tăng lãi tới 817%, đạt hơn 3 tỷ đồng. PPT tăng lãi 46%, đạt khoảng 2 tỷ đồng. TMC lãi gấp đôi cùng kỳ, đạt khoảng 2 tỷ đồng.
COM ghi nhận kết quả khả quan trong quý 1 |
|
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là “trùm xăng dầu miền Tây” PSH. Trong quý 1, doanh thu của PSH giảm sâu tới 88%, còn 476 tỷ đồng. Mức giảm này là nguyên nhân chính khiến PSH lỗ ròng 24 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 199 tỷ đồng).
PSH không giải thích chi tiết về câu chuyện này, nhưng thực tế Doanh nghiệp cũng đang trải qua thời kỳ khó khăn sau khi bị cưỡng chế thuế hơn 1 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2023.
Châu An
FILI
|