'Ăn theo' đường Vành đai 2, metro, giá nhà đất nóng lên
Trước những thông tin tích cực từ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, nhiều dự án bất động sản tại khu vực lân cận rục rịch đẩy nhanh tiến độ thi công và bán hàng. Hạ tầng giao thông sẽ giúp giải quyết bài toán nhà ở cho TPHCM.
Giao dịch nhộn nhịp, giá bán tăng
Được quy hoạch cách đây 15 năm, tuyến đường Vành đai 2 TPHCM có tổng chiều dài 64km nhưng đến nay chỉ có 50km được đưa vào khai thác. Trong 14km còn lại, có khoảng 6km đi qua địa bàn TP.Thủ Đức, dự kiến khởi công cuối năm nay.
6km đường Vành đai 2 được chia làm 2 đoạn. Đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (bao gồm nút giao Bình Thái), dài 3,5km. Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến điểm cuối đường Phạm Văn Đồng hướng về nút giao Gò Dưa.
Vành đai 2 đi qua TP.Thủ Đức còn có đoạn dài 2,7km từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa đã khởi công nhưng đến nay vẫn dang dở. Cùng với các tuyến giao thông hiện hữu, Vành đai 2 khép kín toàn tuyến được kỳ vọng sẽ mở thêm không gian phát triển đô thị phía Đông, tạo liên kết vùng.
Một đoạn đường Vành đai 2 đi qua TP.Thủ Đức đã ngưng thi công nhiều năm qua. Ảnh: Anh Phương
|
Tuyến giao thông trọng điểm nhất TPHCM là metro Bến Thành - Suối Tiên cũng vừa lùi thời điểm vận hành thương mại vào cuối năm. Hiện dự án này đã hoàn thành 98% khối lượng thi công nhưng vẫn còn một số vướng mắc nên phải điều chỉnh thời gian vận hành thương mại.
Việc các tuyến giao thông huyết mạch như Vành đai 2 và metro Bến Thành - Suối Tiên chốt thời điểm kết nối, vận hành toàn tuyến đã trở thành lực đẩy cho thị trường bất động sản khu vực lân cận.
Tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên dự kiến vận hành thương mại vào cuối năm nay. Ảnh: Hoàng Giám
|
Theo khảo sát của phóng viên, thị trường bất động sản tại khu vực lân cận tuyến đường Vành đai 2 đang có chuyển biến tích cực. So với thời điểm cuối năm ngoái, giao dịch nhà đất có dấu hiệu sôi động hơn và giá bán tăng.
Đơn cử như thị trường nhà đất khu vực đường Tô Ngọc Vân, TP.Thủ Đức bắt đầu "nóng" lên. Nhà mặt tiền trên tuyến đường này đang được chào bán với mức giá từ 120-150 triệu đồng/m2, nhà đất trong hẻm từ 80-100 triệu đồng/m2, tuỳ vị trí và diện tích.
Anh T.M - môi giới nhà đất tại khu vực TP.Thủ Đức cho biết so với năm trước, thị trường mua bán nhà đất hiện nay tại các khu dân cư hiện hữu đã nhộn nhịp hơn.
Không chỉ nhà đất, thị trường căn hộ chung cư tại khu vực lân cận đường Vành đai 2 cũng đang rộn ràng trở lại. Một số dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công hoặc mở bán giai đoạn tiếp theo, như King Crown Infinity hay Fiato Uptown.
Hạ tầng giao thông sẽ giúp giải quyết bài toán nhà ở
Chia sẻ với phóng viên, đại diện chủ đầu tư một dự án chung cư nằm sát tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, TP.Thủ Đức, cho biết, hơn ai hết, những người mua nhà tại dự án này mong ngóng từng ngày tuyến giao thông này được đưa vào vận hành. Bởi không chỉ người mua ở thực sẽ thuận tiện hơn trong việc di chuyển mà còn gia tăng giá trị cho thuê.
Theo vị này, mặc dù tuyến metro liên tục lùi thời điểm khai thác thương mại nhưng giá bán căn hộ tại dự án chưa từng giảm. Lúc mở bán, căn hộ 1 phòng ngủ có giá 5,5 tỷ đồng/căn, hiện nay được giao dịch với giá gần 6 tỷ.
Ngoài việc đốc thúc tiến độ các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, UBND TPHCM đang đẩy mạnh giải ngân dòng vốn đầu tư công. Đây là lực đẩy giúp cho thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn và các dự án hiện hữu lân cận dự án giao thông sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Theo TS Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao dịch vụ tư vấn đầu tư của Savills Việt Nam, ở góc độ phát triển bất động sản, sự mở rộng của các dự án hạ tầng giao thông sẽ giúp gia tăng quá trình hình thành các khu đô thị, giải quyết bài toán nhà ở cho TPHCM.
“Người dân tại những dự án bất động sản nhà ở nằm trên các trục đường có thể tiếp cận với các công trình giao thông liên kết vùng này, sẽ thuận tiện hơn trong quá trình sinh sống, học tập và làm việc tại nơi có mật độ dân số cao như TPHCM, đặc biệt là nhóm người trẻ”, ông Khương nói.
Nhìn từ câu chuyện sản xuất, thương mại và logistics, chuyên gia Savills Việt Nam cho biết từ trước đến nay, việc kết nối giữa TPHCM và các tỉnh thuộc ĐBSCL hay các tỉnh Đông Nam bộ chủ yếu dựa vào những con đường độc đạo, đường quốc lộ truyền thống và thường xuyên trong tình trạng quá tải.
“Nhờ các dự án đường vành đai trong tương lai, việc vận chuyển hàng hóa liên vùng sẽ diễn ra thuận tiện hơn, từ đó thu hút các nhà đầu tư, kéo theo nhu cầu về thuê mua bất động sản khu công nghiệp như trung tâm dữ liệu, kho lạnh… và nhu cầu thuê văn phòng. Sự kết hợp giữa các công trình giao thông sẽ rút ngắn thời gian cũng như tiết kiệm chi phí, từ đó thúc đẩy vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi các nước trong khu vực”, ông Khương phân tích.
Anh Phương
VietNamNet
|