Xử lý vướng mắc cho các dự án nhà ở thương mại 'tắc' do pháp luật đất đai
Sáng 27/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở (dự án thí điểm).
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng cần có tiêu chí lựa chọn thí điểm những dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở - Ảnh: VGP/Minh Khôi
|
Theo Luật Nhà ở năm 2014, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Đất đai năm 2024, điều kiện sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất chỉ được áp dụng với đất ở, hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở.
Vì vậy, các dự án sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại cho đến trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực, ngày 1/7/2015 đã phải tạm dừng triển khai.
Vì vậy, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội nhằm tiếp tục cụ thể hoá chủ trương đường lối của Đảng về "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại". Tạo lập hành lang pháp lý để quản lý thị trường quyền sử dụng đất, thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch.
Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất, nhà đầu tư chủ động trong việc thực hiện các dự án nhà ở thương mại, dự án xây dựng đô thị, giảm thiểu sự can thiệp của cơ quan hành chính, hạn chế phát sinh thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí tuân thủ, hạn chế khiếu kiện của người dân khi bị thu hồi đất.
Dự thảo nghị quyết bảo đảm công khai, minh bạch trong sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở; tính kế thừa các quy định pháp luật đất đai về cơ chế thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; xử lý dứt điểm vướng mắc còn tồn tại do xung đột giữa pháp luật về đất đai và nhà ở.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho biết, điều kiện thực hiện dự án thí điểm phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng; có trong danh mục dự án thuộc chương trình, kế hoạch phát triển tại địa phương; được UBND cấp tỉnh có văn bán chấp thuận về việc thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Loại đất để thực hiện dự án thí điểm nằm trong khu vực đô thị, là: Đất thuộc khu vực đô thị, khu vực quy hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt; doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; cơ sở phải di dời do gây ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời do không phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Việc thực hiện dự án thí điểm không vượt quá 30% tổng diện tích khu đất thuộc kế hoạch phát triển nhà ở đến năm 2030, không vượt quá 30% số lượng dự án đang có quyền sử dụng đất.
UBND cấp tỉnh quy định cụ thể việc thực hiện dự án thí điểm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trình HĐND cùng cấp thông qua danh mục dự án thí điểm.
Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết, xác định rõ loại đất thí điểm, tiêu chí lựa chọn các dự án thí điểm, trình tự thủ tục thực hiện các bước đầu tư dự án nhà ở thương mại theo quy định pháp luật hiện hành.
"Việc thực hiện thí điểm chỉ giải quyết những dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc sự thay đổi về chính sách quản lý, pháp luật về đất đai, nhà ở trước đây, không thay thế các chính sách khác", Phó Thủ tướng lưu ý.
Nhật Quang
FILI
|