Xây dựng BSR trở thành doanh nghiệp năng lượng hàng đầu
Xây dựng, phát triển CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) đồng bộ, hiệu quả và bền vững, giữ vững vị trí là nhà cung cấp các sản phẩm lọc hóa dầu hàng đầu của Việt Nam, có khả năng cạnh tranh ở trong nước và khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia… là mục tiêu hàng đầu và xuyên suốt được HĐQT, Ban Tổng Giám đốc quán triệt, triển khai sâu rộng, hiệu quả.
Đặc biệt, công tác quản trị doanh nghiệp, quản trị biến động, thúc đẩy các dự án đầu tư được BSR coi là những động lực tăng trưởng, góp phần xây dựng doanh nghiệp từng bước trở thành hạt nhân của lĩnh vực lọc hóa dầu tại Việt Nam, là doanh nghiệp năng lượng hàng đầu khu vực.
Quản trị theo mô hình hiện đại
Thời gian qua, BSR đã làm việc với đơn vị kiểm toán chuyên nghiệp trong nước để triển khai kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) được lập theo IFRS (International Financial Reporting Standards) – được xem là chuẩn mực BCTC quốc tế gồm các tiêu chí được ban hành bởi Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế IASB (International Accounting Standards) với mục tiêu đặt ra các quy tắc chung để công bố thống nhất, minh bạch và so sánh được BCTC trên toàn thế giới.
Chuẩn IFRS sẽ trợ giúp BSR nâng cao năng lực quản trị tài chính, bao gồm phân tích và ra quyết định, bảo đảm cập nhật các xu hướng mới như báo cáo phát triển bền vững, cam kết khí thải, các giao dịch phát sinh và bảo đảm rủi ro… Đồng thời, góp phần trợ giúp các nhà đầu tư xác định chính xác hơn về giá trị doanh nghiệp, dễ so sánh với các doanh nghiệp khác, qua đó tác dụng tích cực đến xếp hạng và tạo điều kiện thuận lợi cho BSR thu xếp vốn trong quá trình nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Áp dụng chuẩn IFRS hiện cũng là xu hướng bắt buộc, cần thực hiện theo lộ trình để tối ưu hóa hiệu suất công việc.
Tháng 9/2023, Fitch Ratings (một trong ba tổ chức xếp hạng lớn nhất thế giới) đã xếp hạng tín nhiệm BSR lần đầu ở mức "BB" với "Triển vọng tích cực". Ngay sau đó, Fitch Ratings đã khảo sát lại hồ sơ và điều chỉnh xếp hạng của BSR lên mức “BB+” với “Triển vọng ổn định”. Đây cũng là cột mốc vững chắc cho BSR trong việc tăng khả năng huy động vốn trên thị trường quốc tế, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đối với các dự án đầu tư trong tương lai.
Trước khi được xếp hạng, BSR đã trải qua một thời gian dài làm việc với Fitch Ratings để đánh giá, thu thập dữ liệu, phỏng vấn lãnh đạo. Công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm được thực hiện liên tục từ tháng 1/2023, hoàn tất vào tháng 9/2023. Quá trình đánh giá được thực hiện một cách độc lập, khách quan theo quy trình và tiêu chí của Fitch Ratings.
“Kết quả xếp hạng tín nhiệm từ tổ chức quốc tế hàng đầu sẽ là công cụ đánh giá hữu ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xem xét, đưa ra các quyết định hợp tác đầu tư với BSR. Chủ động tham gia đánh giá với Fitch Ratings đã thể hiện cam kết của BSR đối với các nhà đầu tư tiềm năng về hiệu quả hoạt động, trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ luật pháp” – theo Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương.
BSR cũng hợp tác đơn vị tư vấn xây dựng hoàn thiện hồ sơ rủi ro cấp Ban nhằm hoàn thiện hệ thống quản trị, nâng hiệu quả quản lý và kiểm soát rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Đây là nhiệm vụ trọng tâm của BSR trong năm 2024.
Kỹ sư BSR đã làm chủ khoa học kỹ thuật lọc hóa dầu
|
Dựa trên các quy tắc quản trị được ban hành, BSR tiếp tục hoàn thiện hồ sơ rủi ro cho các Ban chức năng và danh mục KPI tương ứng, tiến tới hoàn thiện hệ thống quản trị. BSR cùng đơn vị tư vấn tiến hành kiểm tra, rút kinh nghiệm những hạn chế, và tiếp tục phát huy những giải pháp, có kế hoạch phấn đấu để triển khai Dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Bên cạnh đó, BSR tiếp tục lan tỏa văn hóa doanh nghiệp gắn với Quản trị rủi ro, phù hợp với công tác đào tạo, tuyên truyền văn hóa đến các ban chức năng cùng toàn thể CBCNV và người lao động đang làm việc tại BSR.
Để tối ưu hoá quản trị điều hành và thuận tiện trong hoạt động SXKD, BSR đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó từ năm 2016, BSR đã áp dụng hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) với hơn 500 KPI được áp dụng thực hiện. Ngoài ra, việc tối ưu hoá NMLD Dung Quất với hoạt động tinh chỉnh bộ điều khiển và triển khai hệ thống điều khiển đa biến giúp BSR tiết kiệm được khoảng 12 triệu USD.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện trong các hoạt động SXKD cũng giúp BSR đạt được nhiều thành quả cao. Doanh nghiệp đã hoàn thành và áp dụng hệ thống bộ giải pháp “Văn phòng điện tử” gồm 15 phân hệ tích hợp; triển khai và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị tổng thể nguồn lực doanh nghiệp (ERP) giai đoạn 1, gồm: Phân hệ tài chính-kế toán và Kế toán quản trị; Quản lý mua sắm hàng hóa; Quản lý kho (Hydrocarbon và Non-Hydrocarbon); Quản lý phân phối và bán hàng; Tích hợp hệ thống (SOA), hệ thống ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị) đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Ngoài ra, BSR đã triển khai và đưa vào khai thác chính thức giải pháp làm việc hiệu suất cao trên nền tảng Microsoft 365 cho toàn bộ CBCNV. Đồng thời, đẩy mạnh khai thác, cải tiến các hệ thống quản lý sản xuất, bảo dưỡng theo định hướng thông minh và tích hợp; tự phát triển và xây dựng hàng loạt hệ thống như hệ thống báo cáo quản trị trực quan (Visualization) công tác sản xuất, bảo dưỡng, thương mại, nhân sự, công việc theo thời gian thực (realtime); hệ thống khai báo và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cho CBCNV và nhà thầu, đối tác, khách hàng.
Là hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia
Đẩy mạnh quản trị theo hướng hiện đại không chỉ giúp BSR mạnh lên, mà còn là động lực để Doanh nghiệp trở thành hạt nhân của Trung tâm Lọc hóa dầu quốc gia tại miền Trung.
Để hiện thực mục tiêu, BSR cùng đơn vị tư vấn quốc tế là Tập đoàn tư vấn Boston (BCG, trụ sở chính tại Hoa Kỳ) hoàn thiện Chiến lược phát triển BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của chiến lược là xây dựng, phát triển doanh nghiệp gắn liền với chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia và Chiến lược phát triển KT-XH của đất nước. Bên cạnh đó, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả và bền vững, năng động và nâng khả năng cạnh tranh cả trong nước hay khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tham gia tích cực vào các giải pháp để đạt được Net Zero vào năm 2050, có trách nhiệm cao với cộng đồng, xã hội và môi trường.
NMLD Dung Quất đóng vai trò là hạt nhân trong việc hình thành Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại miền Trung.
|
Về động lực, vừa qua, BSR có quyết định điều chỉnh Dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất. Dự án ra đời nhằm nâng công suất chế biến của Nhà máy từ 148,000 thùng/ngày lên 171,000 thùng trên ngày; sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V - đáp ứng tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc của Chính phủ; nâng cao độ linh động lựa chọn dầu thô, đảm bảo nguồn cung dầu thô lâu dài và có hiệu quả cho Nhà máy.
Ông Nguyễn Văn Hội – Chủ tịch HĐQT BSR nhìn nhận: Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” định hướng lấy NMLD Dung Quất là hạt nhân, xây dựng nhà máy là Trung tâm Lọc hóa dầu và Năng lượng Quốc gia tại miền Trung. Từ đây, BSR sẽ đánh giá cơ hội đầu tư, tận dụng lợi thế hạ tầng để đón đầu các xu hướng mới, tận dụng hạ tầng của NMLD Dung Quất làm trục tâm phát triển hóa dầu và năng lượng.
Trong trung và dài hạn, BSR tiếp tục lộ trình triển khai các dự án hóa dầu và năng lượng – là động lực mới làm tăng quy mô phát triển của Công ty.
BSR cũng đặc biệt chú trọng công tác nghiên cứu phát triển (R&D). Nhận định từ 2014 đến nay, công tác R&D của BSR đã tạo ra thêm doanh thu khoảng 4,000 tỷ đồng từ các giải pháp KHKT, tối ưu hóa sản xuất. Vì vậy, việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển sẽ là cơ sở để ứng dụng các giải pháp KHKT vào sản xuất, là nhiệm vụ trọng tâm của công tác quản trị BSR những năm qua.
Dịch vụ
FILI
|