Thứ Ba, 07/05/2024 08:20

Vì sao May Sông Hồng quyết định đầu tư tại Ai Cập?

Ký được nhiều đơn hàng hơn giúp CTCP May Sông Hồng (HOSEMSH) lãi ròng quý 1 gấp rưỡi cùng kỳ, đạt trên 52 tỷ đồng. Đón đầu cơ hội, HĐQT MSH quyết định góp trên 1.6 triệu USD thành lập liên doanh tại Ai Cập nhằm tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ và được miễn thuế xuất khẩu sang Mỹ. 

Lãi quý 1 gấp rưỡi cùng kỳ

Quý 1/2024, doanh thu thuần MSH đạt hơn 770 tỷ đồng và lãi ròng trên 52 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 51% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cải thiện 0.6 điểm phần trăm lên mức 12.4%. Công ty cho biết do ký được nhiều đơn hàng hơn nên doanh thu tăng, mặc dù chi phí đầu vào tăng nhưng lợi nhuận hoạt động tài chính tăng cao nên lợi nhuận tăng. 

Năm 2024, May Sông Hồng đặt mục tiêu doanh thu 5,200 tỷ đồng và lãi trước thuế 370 tỷ đồng, lần lượt tăng 15% và 21% so với thực hiện 2023. Kết thúc quý 1, Công ty lãi trước thuế hơn 62 tỷ đồng, thực hiện được 17% kế hoạch lợi nhuận năm.

Nguồn tài chính ổn định, lành mạnh cũng là lý do để MSH đều đặn trả cổ tức bằng tiền hàng năm cho cổ đông với tỷ lệ từ 25-45%. Riêng năm 2021, tỷ lệ cổ tức lên đến 95% trong đó 45% bằng tiền mặt và 50% bằng cổ phiếu.

Đầu tháng 12/2023, MSH đã chi hơn 187 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2023, tương đương tỷ lệ 25%. Năm 2024, Công ty dự kiến trả cổ tức 20-40% vốn điều lệ.

Đơn hàng quay trở lại nhưng giá vẫn thấp

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo MSH dự báo tình hình năm nay sẽ khá hơn 2023, và sẽ bình phục vào 2025. Năm 2024, đơn hàng đã quay trở lại (đơn hàng chính vụ tốt, đơn hàng trái vụ còn chưa ổn định) nhưng mặt bằng giá vẫn rất thấp.

Do đó, kế hoạch trên được xây dựng tương đối an toàn. Dự kiến doanh thu 2024 được tính dựa trên tỷ trọng hàng FOB quay lại và chiếm tỷ lệ 85-90%. Lợi nhuận dự kiến khá hơn năm 2023 nên biên lợi nhuận tốt hơn.

Đối với kế hoạch thiết lập chuỗi sản phẩm từ xơ sợi để đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhằm giảm phụ thuộc vào bên ngoài, lãnh đạo May Sông Hồng cho biết Công ty vẫn do dự với dự án đầu tư sang ngành dệt bởi chi phí khá tốn kém (7-9 năm thu hồi vốn), lợi nhuận thấp, hơn nữa MSH không có kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số công ty Trung Quốc hiện đã sang Việt Nam đầu tư, và cũng mở ra nhiều cơ hội cho MSH.

Gia tăng năng suất

Đón cơ hội mới, MSH có 2 nhà máy mới, trong đó nhà máy Sông Hồng 10 (SH10) với hơn 40 chuyền may đã hoạt động 100% công suất. Đây là nhà máy chuyên sản xuất các đơn hàng xuất khẩu cho các đối tác lớn của Công ty.

Nhà máy Xuân Trường 2 (XT2) với quy mô 50 chuyền may, đã khởi công từ quý 4/2023, dự kiến vận hành vào cuối năm 2024 - đầu năm 2025. Về khách hàng, Công ty xây dựng kế hoạch khách hàng nhằm đảm bảo nhà máy có đơn hàng sản xuất ngay. Công suất hoạt động năm đầu tiên dự kiến 50%, và đạt 100% từ năm thứ 3.

Nếu 2 nhà máy trên hoạt động hết công suất, quy mô sản xuất của May Sông Hồng vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 255 chuyền may với gần 15,000 lao động, nâng tổng công suất lên 17%.

Người dân địa phương làm việc tại nhà máy Sông Hồng 10. Ảnh: MSH

Doanh nghiệp may đầu tiên Việt Nam đầu tư sang Ai Cập

Táo bạo hơn là kế hoạch đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập liên doanh sản xuất và kinh doanh các sản phẩm về dệt may và may mặc tại Ai Cập, đã được HĐQT MSH thông qua cuối tháng 1/2024. 

Bên đối tác tham gia liên doanh là Giza For Upper Egypt Development. Giá trị vốn góp của MSH hơn 1.62 triệu USD (khoảng 41 tỷ đồng), chiếm 50% vốn điều lệ Công ty liên doanh. HĐQT cử Tổng Giám đốc Bùi Việt Quang làm người đại diện quản lý 100% vốn của MSH tại Công ty liên doanh.

Hiện, May Sông Hồng là công ty thứ hai của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập. "Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, lợi thế cạnh tranh cho Công ty, và đây là định hướng đúng đắn", đại diện MSH khẳng định.

Cụ thể, Ai Cập có nhiều lợi thế, đây là nước có nền văn minh lâu đời, chi phí nhân công thấp hơn nhiều Việt Nam, hiệp định tự do ký với Israel theo đó hàng xuất đi Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần. Nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía khách hàng, họ luôn đặt ra quan ngại về rủi ro địa chỉnh trị, vì vậy các khách hàng của MSH cũng rất quan tâm đến dự án này.

Theo lãnh đạo MSH, đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Để giảm thiểu rủi ro, May Sông Hồng đầu tư quy mô nhỏ và cử người ở Công ty sang vận hành. Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tùy vào thực tế.

Bầu HĐQT nhiệm kỳ mới

Về tình hình nhân sự, HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 được bầu mới bao gồm ông Bùi Đức Thịnh, ông Bùi Việt Quang, bà Bùi Thu Hà, bà Lê Thị Hồng Yến, ông Nguyễn Mạnh Tường, bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Đinh Tràng Thi và ông Bernard Szeto W.K.

Sau đó, HĐQT MSH đã họp và nhất trí bầu ông Bùi Đức Thịnh tiếp tục đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029.

Thế Mạnh

FILI

Các tin tức khác

>   BCR: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (06/05/2024)

>   MDA: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 (06/05/2024)

>   AMV: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/05/2024)

>   MCF: Tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (06/05/2024)

>   CPC: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/05/2024)

>   DAE: Nghị quyết Hội đồng quản trị (06/05/2024)

>   FUEKIV30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 05/05/2024 (06/05/2024)

>   FUEMAV30: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 05/05/2024 (06/05/2024)

>   FUEKIVFS: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 05/05/2024 (06/05/2024)

>   FUEKIVND: Thông báo thay đổi giá trị tài sản ròng ngày 05/05/2024 (06/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật