Thứ Sáu, 24/05/2024 13:27

Từ vụ cháy ở Trung Kính, ĐBQH đề xuất cấm nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ

Từ vụ cháy ở Trung Kính làm 14 người chết, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An đề xuất cần quy định trong luật về việc cấm nhà ở kết hợp kinh doanh, cho thuê trọ đông người.

Sáng 24/5, trao đổi bên hành lang Quốc hội, Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An chia sẻ, vụ cháy ở Trung Kính (Hà Nội) là một sự việc hết sức bi thảm khi có 14 người chết và 1 người đang nguy kịch.

Chính quyền phải có biện pháp "mạnh tay"

Đề cập đến việc Quốc hội đang xem xét sửa Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, đại biểu Trịnh Xuân An cho biết: "Khi Ủy ban Quốc phòng và An ninh thẩm tra luật này, cá nhân tôi cũng đã đề cập đến câu chuyện phải rà soát lại các quy định về phòng cháy đối với nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh".

Ông Trịnh Xuân An cho rằng, nguy cơ xảy ra cháy nhà ở kết hợp kinh doanh rất hiện hữu, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc điểm của việc cháy nhà ở, nhất là nhà ở kết hợp với kinh doanh, khu trọ cho người lao động, học sinh, sinh viên thuê là "nếu cháy thì khả năng dẫn đến chết người với số lượng lớn".

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An. Ảnh: Hoàng Hà

Theo phân tích của ông An, điều kiện cơ sở hạ tầng đặc thù như ở khu Trung Kính (quận Cầu Giấy) hay Khương Hạ (quận Thanh Xuân) là nhà trong ngõ, trong hẻm nhỏ, cũng là điều kiện hết sức tự nhiên và bình thường, nhưng sẽ dẫn đến câu chuyện rất khó khăn cho công tác chữa cháy nếu xảy ra cháy.

Đề cập đến tính đồng bộ trong quản lý dân cư và cơ sở hạ tầng, ông An cho rằng phải đầu tư thêm vào nhà xã hội, nhà ở cho thuê với người thu nhập thấp. Đây là giải pháp cần quan tâm trước tiên nhưng mới chỉ là ý tưởng, chưa triển khai được và người dân không có sự lựa chọn nào khác là thuê trọ trong ngõ, ngách.

Nhấn mạnh việc Hà Nội hiện nay đang còn rất nhiều quỹ đất có thể xây nhà cho người thu nhập thấp thuê, ông An thông tin thêm, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản đã có cơ chế nhưng phải đi vào thực chất hơn.

Ngoài ra, khâu phòng ngừa chính là tăng cường ý thức của người dân trước các nguy cơ cháy. Bởi vì các cấp chính quyền, lực lượng chuyên trách sẽ không có đủ người mà đi đến từng nhà để canh chừng.

"Tất cả những khu vực tập trung đông người lao động, công nhân ở Hà Nội, TP.HCM hay những thành phố lớn như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh,... phải rà soát một cách chặt chẽ và kỹ lưỡng tất cả cơ sở, nhà ở theo dạng này. Đồng thời, phải trang bị cho khu vực đó bình cứu hỏa; sắp xếp bố trí cầu thang, nơi thoát hiểm", ông An đề nghị.

Ông An lưu ý, công tác phòng tránh ở đây liên quan trực tiếp đến người dân, chính quyền cấp cơ sở. Những nhà trong ngõ, trong hẻm không chỉ ở khu Trung Kính mà còn rất nhiều trên toàn thành phố Hà Nội, vậy nên cần phải rà soát và cảnh báo để vận động người dân làm tốt hơn công tác phòng tránh.

Mặt khác, đại biểu cho rằng các cấp chính quyền cũng phải có biện pháp "mạnh tay". Đó là khi rà soát trên địa bàn của mình mà cảm thấy có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân thì phải có những yêu cầu về an toàn cháy nổ.

Nếu nhà cửa xây theo kiểu không còn lối thoát thì phải cưỡng chế, yêu cầu người dân bỏ ngay các vật cản, phải thiết kế thêm lối thoát.

Phải đồng bộ các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, những biện pháp kỹ thuật, biện pháp mang tính cưỡng bức bắt buộc thì mới không để xảy ra những vụ cháy thảm khốc như thời gian qua.

Theo ông An, Quốc hội đang sửa Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cần thiết có thể thiết kế một mục hoặc một chương về phòng cháy đối với nhà ở chứ không phải chỉ là một điều đơn giản như dự thảo.

"Quay đi, quay lại thì trách nhiệm, vai trò của cá nhân, của mỗi người dân, mỗi một con người trong phòng cháy là rất quan trọng. Chúng ta lúc nào cũng phải cảnh giác đối với nguy cơ cháy nổ, nếu để xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất lớn", ông An nhấn mạnh.

Rà soát việc kinh doanh mặt hàng dễ cháy ở khu đông dân

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị có quy định đối với nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thì phải có phương án, giải pháp phòng cháy, biện pháp ngăn cháy.

Theo ông An, phải có quy định cụ thể hơn. Ví dụ, cấm nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, phòng trọ đông người.

Trong trường hợp vụ cháy ở Trung Kính, tầng 1 ngôi nhà có cửa hàng sửa chữa xe, nếu chập cháy sẽ tạo nên nguy cơ rất rõ ràng. Trong đó, nguy cơ đầu tiên của người ở các tầng trên là ngạt khói trước khi bị lửa cháy.

"Vì vậy, chúng ta phải rõ ràng trong quy định của pháp luật, phải cấm kinh doanh trong nhà có đông người ở như khu nhà trọ này", ông An nhấn mạnh một lần nữa.

Hiện trường vụ cháy ở Trung Kính, Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Ông An cho rằng, nhà ở kết hợp kinh doanh trong các trường hợp như shophouse, nhà mặt phố thì phải có phương án ngăn cháy cụ thể hơn giữa các tầng, hoặc phải có cách vách, các hệ thống chữa cháy tại khu vực kinh doanh.

"Chúng ta cũng phải chấp nhận mất một thời gian để chuyển đổi, có điều kiện cho người dân ổn định lại cuộc sống và sản xuất kinh doanh, nhưng về lâu dài, tôi cho rằng chúng ta nên cấm việc này", ông An nhắc lại và nhấn mạnh đây không phải là "quản lý không được thì cấm" mà là ngăn ngừa và dập tắt rủi ro nếu cháy xảy ra thì chết người. 

Bên cạnh đó, ông An cũng lưu ý, phải rà soát lại các quy định về kinh doanh mặt hàng dễ cháy ở khu dân cư.

Ví dụ, trong khu nhà trọ mà để kinh doanh xe đạp điện, mút xốp, vật liệu dễ cháy, hóa chất, hàng hóa nguy cơ cháy cao... thì phải có những điều kiện khắt khe hơn trong phòng cháy, chữa cháy.

Thu Hằng

VietNamNet

Các tin tức khác

>   Giá nhà ở tại Singapore đắt nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương (23/05/2024)

>   Đẩy mạnh gỡ vướng cho condotel (23/05/2024)

>   Xu hướng dòng tiền: Chọn gì ở lưng chừng con sóng? (21/05/2024)

>   Nhà ở xã hội: Khó làm, khó bán (21/05/2024)

>   Bộ trưởng Xây dựng: Lãi suất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thu hút người vay (20/05/2024)

>   Chung cư 'ngáo' giá, người mua chuyển hướng săn nhà tập thể cũ 2 tỷ đồng (18/05/2024)

>   Giá đất Hòa Lạc nóng rẫy, nhà đầu tư nghi ngại rút khỏi thị trường (17/05/2024)

>   TPHCM sẽ đấu giá 3,790 căn hộ tái định cư bỏ trống ở Thủ Thiêm (16/05/2024)

>   Phú Yên chỉ còn duy nhất 1 sàn giao dịch bất động sản hoạt động (16/05/2024)

>   Người có tiền mua bất động sản "để đấy", người có nhu cầu thực khó tiếp cận (16/05/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật