Tự doanh thắng lớn, công ty chứng khoán đang cầm “hàng” gì?
VN-Index đã có mức tăng hơn 155 điểm trong quý đầu năm với 68% cổ phiếu niêm yết tăng giá. Với xác suất cao như vậy, mảng tự doanh của các công ty chứng khoán (CTCK) cũng có một quý bội thu.
Theo thống kê của VietstockFinance, tổng lợi nhuận tự doanh quý 1 các CTCK đạt hơn 4.2 ngàn tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ và tăng 40% so với quý liền trước.
Kết quả của mảng tự doanh đã đóng góp đáng kể vào lợi nhuận quý 1 của toàn khối. Tổng lợi nhuận của 78 CTCK đạt hơn 6,451 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. So với quý trước, lợi nhuận tăng gần 40%.
Top 10 CTCK lãi tự doanh lớn nhất quý 1/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Chứng khoán SSI dẫn đầu trong top lợi nhuận tự doanh với số lãi tới 720 tỷ đồng. Kết quả tự doanh tăng ở mức 17% và 19% so với cùng kỳ năm trước và quý trước.
Xếp ở vị trí thứ 2, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đạt mức lãi gần 600 tỷ đồng.
Liền sau, Chứng khoán VNDIRECT cũng báo lãi trên 500 tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả lãi giảm hơn 33% so với quý liền trước.
Trong quý này, tự doanh của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) và Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đều bứt phá mạnh, lần lượt đạt hơn 390 tỷ đồng và 183 tỷ đồng. Bên cạnh việc chuyển lỗ thành lãi tự doanh so với cùng kỳ, 2 công ty này cũng đều báo lãi tăng mạnh so với quý trước.
Top báo lãi tự doanh có sự góp mặt của nhiều CTCK có tiếng như Chứng khoán Vietcap (VCI), Chứng khoán Thiên Việt (TVS), Chứng khoán Rồng Việt (VDS), Chứng khoán TP.HCM (HSC), Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS)…
Xét về danh mục, Chứng khoán SSI tập trung danh mục tài sản ghi nhận qua lãi/lỗ (FVTPL) ở chứng chỉ tiền gửi (25 ngàn tỷ đồng) và trái phiếu chưa niêm yết (11.4 ngàn tỷ đồng).
Ở danh mục cổ phiếu, SSI đang nắm một số cổ phiếu nổi bật như VPB, STB, FPT, HPG. Đồng thời, để phòng ngừa rủi ro chứng quyền có bảo đảm (CW), SSI nắm một lượng cổ phiếu HPG, STB đáng kể.
Đối với TCBS, trái phiếu chưa niêm yết là “bài tẩy” trong danh mục tài sản tài chính. Ở thời điểm cuối quý 1, Công ty nắm giữ hơn 16.5 ngàn tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết. Danh mục cổ phiếu niêm yết, Công ty sở hữu gần 500 tỷ đồng, tạm ghi lỗ hơn 7.5%.
Danh mục tài sản FVTPL của Chứng khoán VNDIRECT cũng tập trung nhiều vào trái phiếu chưa niêm yết (8.7 ngàn tỷ đồng) và chứng chỉ tiền gửi (4.5 ngàn tỷ đồng).
Danh mục cổ phiếu của Công ty cũng có quy mô đáng kể, đạt hơn 2.6 ngàn tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và chưa niêm yết. Trong đó, các cổ phiếu nổi bật là VPB, HSG, ACB, C4G, LTG.
Khác với các CTCK kể trên, tự doanh SHS tập trung nhiều hơn vào cổ phiếu, nổi bật như VPB, MWG, FRT, SHB, TCD.
Ở TPS, trái phiếu chưa niêm yết chiếm phân nửa danh mục tài sản FVTPL. Phần còn lại chia khá đều vào cổ phiếu niêm yết và chứng chỉ tiền gửi.
Chứng khoán Vietcap nổi tiếng với danh mục tài sản sẵn sàng để bán (AFS) khủng. Cuối quý 1, Công ty nắm giữ hơn 4.2 ngàn tỷ đồng AFS với giá trị trường hơn 6.8 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 60%. Các cổ phiếu nổi bật gồm KDH, PNJ, IDP, MSN, MBB, FPT, TDM.
VCBS có phân bổ danh mục khá tương đồng với SSI khi danh mục chủ yếu tập trung trái phiếu chưa niêm yết và chứng chỉ tiền gửi.
Danh mục của TVS cho thấy chiến lược an toàn với chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn. Ở danh mục cổ phiếu, Công ty nắm các mã VNM, HPG, IDC, KBC…
VDS có chiến lược tập trung vào cổ phiếu. Công ty đang nắm các mã HSG, VNM, DBC, ACB, MWG, CMG, QNS…
Dù thị trường thuận lợi, vẫn có CTCK phải báo lỗ tự doanh. Lỗ đậm nhất là Chứng khoán HD (HDBS) với mức lỗ gần 310 tỷ đồng. 2 công ty xếp sau là Chứng khoán SBS và Chứng khoán Phố Wall (WSS) với mức lỗ vào khoản 20 tỷ đồng.
Các CTCK lỗ tự doanh quý 1/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
HDBS thì nắm phần lớn là trái phiếu chưa niêm yết với giá trị gần 410 tỷ đồng.
Ở nhóm báo lỗ tự doanh, SBS đầu tư vào cổ phiếu. Danh mục của Công ty ghi lỗ hơn 15%.
Với Chứng khoán Phố Wall (WSS), Công ty nắm nhiều cổ phiếu UPCoM như HAF, ILF, MGG.
* Danh mục tài sản FVTPL, AFS được lấy tại ngày 31/03/2024
Chí Kiên
FILI
|