!
Thứ Tư, 01/05/2024 09:02

Tôi đã “chơi” cổ phiếu như thế nào?

Lãi bao nhiêu không quan trọng, hiện thực được bao nhiêu phần lãi đó mới quan trọng.

Đầu năm 2018, chân ướt chân ráo tôi bước vào thị trường chứng khoán (TTCK), tôi không nghĩ rằng thị trường sẽ chấm dứt chuỗi thăng hoa kéo dài 2 năm trước đó. Chỉ hơn 4 tháng sau, kể từ ngày tôi đặt bút ký vào hợp đồng mở tài khoản chứng khoán, VN-Index lập đỉnh 1,198 điểm (10/04/2018), mọi thành quả trước đó bị xóa sạch.

Thời điểm đó, quyết định (mua) phụ thuộc nhiều ở các môi giới chứng khoán. Sau khi có được chút lãi ở giai đoạn đầu, tôi càng tự tin vào kiến thức ít ỏi mình có được, tự giao dịch và nhanh chóng chuốc lấy bối rối khi không biết phải xử lý khoản đầu tư cổ phiếu đang bị “kẹp” khi thị trường lao dốc như thế nào.

Ảnh minh họa

Bạn bè của tôi nói đùa rằng, “chưa bán thì chưa lỗ” hay “muốn giảm lỗ thì nạp thêm tiền đi”. Rồi tôi cũng ngậm đắng nuốt cay “chốt lỗ” gần 25% vào tháng 7/2018 và dặn lòng không lao vào trò này nữa, dùng số tiền còn lại đầu tư cho việc học, nâng cao kiến thức.

Tôi cũng mừng thầm vì đã đứng ngoài trong giai đoạn VN-Index rơi về mốc 650 điểm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, cũng là giai đoạn khởi đầu cho một thời kỳ tiền siêu rẻ, kèm theo sau đó là lạm phát khắp nơi mà đến thời điểm hiện tại các ngân hàng trên thế giới vẫn đang phải gồng mình đối phó.

Lý trí thì khó thắng được con tim, tôi quay lại thị trường khoảng cuối năm 2020 – khi thị trường đã xác nhận tăng được một đoạn xa rồi. Như lời một bài hát rất hay của nhạc sĩ Khắc Hưng “Ngày mai sẽ khác, sẽ lại thấy hàng cây rất xanh…”, tôi muốn thấy tài khoản của mình xanh như hàng cây này. Đúng vậy, lần này rất khác.

Tôi đầu tư vào một cổ phiếu duy nhất thuộc ngành công nghệ thông tin, tiếng lóng của người trong ngành gọi là “all-in” để chỉ cho hành động này. Tôi (cùng nhiều nhà đầu tư khác) có khoản lãi khá lớn, thậm chí nhiều lần bình quân giá lên. Sau đó, thông qua “alo model” tôi còn kiếm được một khoản lãi hơn 30% từ việc đầu tư một cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp.

Nhưng bối rối không mất đi, chỉ chuyển từ năm nay sang năm khác hoặc từ dạng này sang dạng nọ. Khi thị trường bắt đầu đi vào giai đoạn downtrend nữa, tức là khi VN-Index đã xác nhận giảm một đoạn tôi mới nhận ra và vội vàng đóng vị thế vào khoảng cuối tháng 9/2022. Kết quả có lãi, dù hơi tiếc khi đã không đóng sớm hơn. Sau đó, tiếp tục dùng tiền đầu tư cho việc học.

Mãi đến tháng 3/2023 tôi mới tham gia trở lại một lần nữa.

Lần thứ ba gia nhập TTCK, tôi muốn xác định rõ ràng phong cách đầu tư cho mình là phòng thủ hay tấn công, đồng thời phân bổ tài sản với một tỷ lệ phù hợp vào danh mục chứng khoán, khoảng 20%.

Ảnh minh họa

Dựa trên kinh nghiệm của các lần trước, tôi biết mình không phải người theo phong cách đầu tư thiên về tấn công, hay không thiên về những cổ phiếu có tính đầu cơ cao, theo xu hướng. Mặc dù 2023 là năm cổ phiếu chứng khoán tăng trưởng rất mạnh, nhưng danh mục không có một cổ phiếu nào. Chủ yếu nắm những cổ phiếu thuộc nhóm ngành có câu chuyện riêng, top đầu của ngành; và phải được đặt trong môi trường vĩ mô trong và ngoài nước tương đối thuận lợi. Điều này quan trọng, rõ ràng 2021 là năm tôi không thực sự chú ý quá nhiều vào phân tích, gọi là “nhắm mắt mua” vẫn có lãi, sự đồng thuận tăng thấy rõ ở hầu hết nhóm ngành.

Hơn hết, tôi ít khi mua bán một mã nào đó một cách chóng vánh, chủ yếu nắm một thời gian (theo tôi) là đủ dài. Khi chạm mức lợi nhuận hoặc rủi ro thì nên chủ động tuân thủ kỹ luật chốt lãi hoặc cắt lỗ.

Không sử dụng đòn bẩy (vay margin) cũng cách quản lý độ an toàn của danh mục theo phong cách đầu tư của tôi. Mặc dù có những giai đoạn TTCK rất tốt, nhà đầu tư cá nhân rất FOMO nhưng tôi vẫn giữ cho mình trạng thái trung lập nhất có thể. Điều này giúp tôi bớt bận tâm hơn trong những giai đoạn thị trường có những cú sụt sâu, điều mà đã diễn ra vào tháng 8/2023, VN-Index rơi hơn 55 điểm.

Nhà đầu tư huyền thoại Jesse Livermore đã nói “dễ dàng hơn khi theo dõi một vài mã hơn là nhiều mã”.

Danh mục của tôi không bao giờ quá 4 cổ phiếu và luôn có một lượng tiền mặt nhất định – mặc dù điều này làm tốn chi phí vốn. Trong đó, luôn có 1 cổ phiếu với tỷ trọng lớn nhất, 1 cổ phiếu khác cùng nhóm ngành nhưng tỷ trọng nhỏ hơn; và tùy thời điểm sẽ có từ 1 – 2 cổ phiếu khác có tỷ trọng nhỏ, nhưng chủ yếu là những cổ phiếu thuộc nhóm ngành khác, với mục tiêu giúp cho danh mục cân bằng hơn hoặc ít nhất bảo vệ được tổng danh mục trong những giai đoạn tôi cảm thấy cổ phiếu chủ lực đang có rủi ro.

Bên cạnh đó, nếu cảm thấy bối rối trong việc chọn ngành hoặc cổ phiếu, có thể dựa vào phân tích và khuyến nghị từ những tổ chức chuyên nghiệp mà hiệu quả của họ đã được công nhận.

Với việc áp dụng các kinh nghiệm này, hiện nay tôi cũng có được một khoản lãi, dù không cao, nhưng tốt hơn so với gửi tiền tiết kiệm. Đương nhiên, mọi thứ đều cần thời gian để chứng minh, muốn vẽ được đường thẳng cần có ít nhất hai điểm.

Luôn nhớ rằng lãi bao nhiêu không quan trọng, hiện thực được bao nhiêu phần lãi đó mới quan trọng.

Văn Tấn

FILI

Các tin tức khác

>   Kinh nghiệm nào cho nhà đầu tư qua sự cố hệ thống VNDirect? (29/03/2024)

>   Hội quán Chứng khoán sinh hoạt định kỳ tháng 3/2024 với chủ đề “Cơ hội đầu tư quý 2 qua góc nhìn FA và Fn” (22/03/2024)

>   Người Việt đầu tư tiền ảo lãi đậm trong năm 2023, đứng top 3 thế giới (18/03/2024)

>   Thời kỳ bong bóng AI đã đến? (16/03/2024)

>   'Cháy tài khoản' dù Bitcoin đạt đỉnh (05/03/2024)

>   Chứng khoán tháng 3 vẫn tích cực? (05/03/2024)

>   Tối ưu hóa nguồn vốn FDI (09/03/2024)

>   Từ vụ 'đánh bạc' cổ phiếu họ FLC, rút bài học về nguyên tắc đầu tư (28/02/2024)

>   Warren Buffett: Kỷ nguyên tăng trưởng ấn tượng của Berkshire Hathaway đã qua (26/02/2024)

>   Warren Buffett ca ngợi Charlie Munger là kiến trúc sư của Berkshire Hathaway (24/02/2024)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật