Quý 1, lãi ròng TMS giảm 28% trước nhiều áp lực chi phí và hụt lãi từ công ty liên doanh, liên kết
CTCP Transimex (HOSE: TMS) công bố BCTC quý 1/2024 với doanh thu thuần tăng trưởng 49% so với cùng kỳ, toàn bộ mảng kinh doanh cốt lõi đều tăng trưởng. Nhưng sau cùng lãi ròng lại giảm 28% trước áp lực từ nhiều khoản chi phí tăng cao và lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm mạnh.
Quý 1/2024, toàn bộ các mảng kinh doanh cốt lõi của TMS đều ghi nhận tăng trưởng doanh thu so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu cước vận tải, dịch vụ giao nhận hàng hóa, dịch vụ kho vận, sà lan hơn 524 tỷ đồng, tăng 33%; doanh thu cho thuê văn phòng, cho thuê tàu hơn 31 tỷ đồng, tăng 171%; doanh thu cung cấp dịch vụ khác gần 141 tỷ đồng, tăng 144%.
Với khoản giảm trừ doanh thu do vé máy bay bị hoàn trả, doanh thu thuần TMS đạt gần 691 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ và thực hiện 24% kế hoạch năm đề ra là hơn 2,895 tỷ đồng. Sau khi trừ giá vốn, TMS lãi gộp gần 115 tỷ đồng, tăng 44%.
Nguồn: BCTC quý 1/2024 của TMS
|
Một điểm sáng khác đến từ doanh thu tài chính tăng 90%, lên hơn 20 tỷ đồng, nhờ phát sinh lãi chuyển nhượng khoản đầu tư và chứng khoán kinh doanh, bên cạnh việc tăng mạnh cổ tức, lợi nhuận được chia và lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, TMS lại không giữ được mức lãi ròng như cùng kỳ, do những áp lực đến từ chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh và giảm mạnh khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết.
Cụ thể, chi phí tài chính trong quý 1 của TMS lên đến gần 40 tỷ đồng, tăng 90%, do tăng chi phí lãi vay. Mặt khác, việc chi nhiều hơn cho nhân viên quản lý, dịch vụ mua ngoài và phân bổ lợi thế thương mại khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của TMS bị đội lên 56%, ghi nhận gần 61 tỷ đồng.
Nguồn: BCTC quý 1/2024 của TMS
|
Về phần các khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết, quý 1 vừa qua TMS chỉ nhận về hơn 17 tỷ đồng, thay vì gần 32 tỷ đồng như cùng kỳ.
Thực tế, tình trạng kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng này cũng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh 2023 và không chỉ tại các công ty liên doanh, liên kết mà còn ở những công ty liên quan khác của TMS.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT TMS là ông Bùi Tuấn Ngọc từng nhắc đến một loạt công ty liên quan kinh doanh không hiệu quả, có thể kể đến như Công ty TNHH Nippon Express (Việt Nam) đã không hoàn thành kế hoạch, chỉ đạt gần 30% và cách xa rất nhiều so với kết quả 2022; CTCP Cảng Mipec đang lỗ do chưa lấp đầy được sản lượng hàng tuần vào cảng, một số hãng tàu chưa lựa chọn; CTCP Dịch vụ Vận tải và Thương mại (Transco) lỗ do 2 tàu hàng rời lão hóa buộc phải thanh lý vào cuối năm 2023; ngoài ra còn những cái tên khác như CTCP Giao nhận Vận tải Ngoại thương (VNT), CTCP Giao nhận Vận tải Miền Trung (Vinatrans Đà Nẵng), Công ty TNHH Trung tâm phân phối Transimex (DC) ghi nhận kết quả khó khăn, bên cạnh CTCP Dịch vụ Logistics Thăng Long (Thăng Long Logistics) dù có lãi nhưng không đạt kế hoạch.
Sau cùng, TMS lãi trước thuế gần 42 tỷ đồng, giảm 31% so với quý 1/2023 và mới chỉ thực hiện 10% kế hoạch đề ra là gần 419 tỷ đồng. Lãi ròng gần 38 tỷ đồng, giảm đến 28%.
Kết quả kinh doanh quý 1/2024 của TMS
Đvt: Tỷ đồng
|
Tại thời điểm cuối quý 1/2024, TMS có tổng tài sản hơn 7,838 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm, phần lớn trong đó là giá trị tài sản cố định hơn 2,832 tỷ đồng (chiếm 36%) và giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào công ty liên doanh, liên kết hơn 1,735 tỷ đồng (chiếm 22%).
Theo thuyết minh BCTC, TMS có 1 công ty liên doanh là Nippon và 5 công ty liên kết, bao gồm Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (CLX), Giao nhận Vận tải Ngoại thương (VNT), Vận tải Container Hải An (HACT), Thủy Đặc Sản (SPV) và Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc.
Trong các công ty kể trên, Nippon là khoản đầu tư lớn nhất với giá trị gần 783 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch TMS từng cho biết Công ty hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải này hàng năm mang về phần cổ tức rất quan trọng đối với TMS. Trong tương lai, TMS có kế hoạch tiếp tục đàm phán và thoái vốn khoản đầu tư này.
Nguồn: BCTC quý 1/2024 của TMS
|
Ngoài ra, TMS cũng dành hơn 210 tỷ đồng để đầu tư ngắn hạn vào cổ phiếu đang niêm yết, hay gửi ngắn hạn ngân hàng gần 299 tỷ đồng. Cuối quý 1, lượng tiền và tương đương tiền của TMS tăng 19% lên gần 531 tỷ đồng, chiếm 7% tổng tài sản.
Về nguồn vốn, TMS có dư nợ vay hơn 2,320 tỷ đồng (chiếm 30%), tăng gần 6% so với đầu năm. Công ty vay ngắn hạn và dài hạn ngân hàng nhằm bổ sung nhu cầu vốn lưu động, đồng thời phát hành trái phiếu thường trong nước nhằm bổ sung vốn cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh.
Huy Khải
FILI
|