Quà tặng cho dân: Không chỉ để… tặng quà!
Kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), mới đây, UBND TP Hà Nội thông báo sẽ giao quận, huyện, thị xã tổ chức tặng mỗi hộ gia đình một lá cờ Tổ quốc theo mẫu chung toàn thành phố. Thông tin này lập tức gây chú ý, trong đó có nhiều ý kiến phản đối với lý do hầu hết các hộ dân đều đã tự sắm sẵn cờ với tinh thần mang trách nhiệm công dân; do đó món quà sẽ không mang nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, nhiều người dân Thủ đô đề nghị nên dành kinh phí mua sắm cờ cho các hoạt động thiết thực hơn như giúp đỡ người nghèo, nâng chất lượng chăm sóc môi trường, chỉnh sửa, xây dựng thêm phòng vệ sinh, phòng học hoặc trạm y tế…
Ý tưởng tặng cờ cho dân của Hà Nội không phải mới. Cách đây 4 năm (2020), nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, UBND TP Hoa phượng đỏ cũng chi 269 tỷ đồng để tặng quà nhân dân thành phố gồm một bộ ấm chén và một lá cờ Tổ quốc. Dư luận cũng dậy sóng vì so với nhiều thứ dân cần, dân thiếu thì bộ ấm chén và lá cờ vốn là “tài sản” dân tự sắm lâu nay. Tại sao chính quyền thành phố không tập trung nguồn lực để tăng tốc và tăng chất chỉnh trang, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thụ hưởng cộng đồng; hoặc lấy 269 tỷ đồng ấy thực hiện các công trình nhà trẻ, lớp học, trích lập 1 phần làm chi phí vận hành, hỗ trợ học phí cho con em công nhân, người nghèo hoặc chăm sóc người già neo đơn, bệnh tật… Chắc chắn, dù không trực tiếp thụ hưởng nhưng những công dân có đời sống khá, thu nhập cao, ổn định sẽ tự nguyện và đồng thuận với chủ trương và chính sách an sinh tốt đẹp ấy.
Hướng tới kỷ niệm một sự kiện lịch sử - văn hóa quan trọng của đất nước, thành phố, cộng đồng bằng các hoạt động tôn vinh đi cùng phục vụ, chăm lo cụ thể, thiết thực cho người dân trong quốc gia, địa phương, địa bàn ấy là cách làm ý nghĩa và hiệu quả nhất.
Như TP.HCM đã áp dụng trong đợt kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, ban đầu chính quyền thành phố lên kế hoạch bắn pháo hoa tại 16 điểm nhưng sau đó, thành phố rút xuống chỉ còn 5 điểm. Có thể số tiền tiết kiệm không phải quá lớn song hành động tiết giảm này có ý nghĩa nhiều mặt, trong đó có việc thành phố tập trung mọi nguồn lực để thực hiện chính sách an sinh đều-khắp cho các đối tượng cần được chăm lo và cả đối tượng phát sinh (cùng với Hà Nội, TP.HCM có lượng người nhập cư đông nhất), nhất là trong tình hình kinh tế khó khăn, thất nghiệp gia tăng…
Được biết, hiện thành phố đã và đang đẩy mạnh chỉ đạo, đẩy nhanh tốc độ triển khai các công trình hạ tầng - giao thông trọng điểm quốc gia - thành phố, các công trình cầu đường dân sinh trong nội thành, liên quận để kịp tiến độ kỷ niệm 50 năm ngày thành phố hòa bình. Điển hình là cụm bệnh viện ở các khu vực cửa ngõ thành phố đã và đang về đích như bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi (sẽ hoàn thành vào quý 2 -2024), bệnh viện huyện Nhà Bè (được tái khởi động sau 12 năm “lơ lửng”), hay bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức đã hoàn thành khối lượng gần 100% để tất cả cùng chính thức vận hành, phục vụ người dân vào dịp 30-4-2025.
Bên cạnh những công trình lớn, có độ bao phủ rộng nêu trên và nhiều hoạt động kỷ niệm mà người dân cũng là đối tượng thụ hưởng (gián tiếp lẫn trực tiếp) nên chăng thành phố có một kế hoạch phân loại thành phần để có những phần quà phù hợp, thiết thực; quan trọng là qua đó cũng kích hoạt một phần chính sách mua sắm - chi tiêu công.
Ví dụ, nếu chia theo hộ gia đình, sẽ tặng các phiếu mua, giảm giá sâu đối với các mặt hàng điện tử gia dụng hoặc phiếu du lịch, ăn uống, mua sắm… Hoạt động này sẽ liên kết với ngành du lịch, công thương và mạng lưới mua bán lẻ, ẩm thực của thành phố để lên các chương trình kích cầu. Hoặc nếu về đêm thì đẩy mạnh chúng vào trong các chương trình “thức cùng thành phố không ngủ” chẳng hạn. Khi đã có định hướng là “thành phố của sự kiện” thì việc tận dụng “tặng quà” để biến thành sự kiện có tính phổ biến rộng khắp là rất nên làm.
Hoặc nếu áp dụng cho đối tượng người nghèo, người ở trọ (có đăng ký tạm trú) thì thành phố có thể hỗ trợ 1 tháng tiền điện, nước như chia sẻ phần nào gánh nặng khó khăn của họ trong thời buổi khó khăn cả về kiếm sống lẫn môi trường sống (phải đối diện với thời tiết nắng nóng gay gắt, kéo dài).
Nếu để gọi là “lưu lại dấu ấn” hay gắn với kỷ niệm ngày lễ trọng đại thay vì một món quà tặng cụ thể nhưng lại quá… dễ sắm (như lá cờ), lại không sử dụng thường xuyên thì nên là một vật phẩm thiết thực, gắn với nhu cầu sử dụng của mỗi hộ gia đình, người dân sẽ là cách dễ nhận sự đồng thuận hơn.
Tất nhiên, ngoài việc giám sát để không thất thoát kinh phí thì quy trình phân loại, tổ chức triển khai sẽ khá phức tạp nhưng, với một chính quyền số đang giai đoạn hoàn tất dữ liệu sạch thì đây cũng chính là phép thử - cả chạy thử về hạ tầng công nghệ lẫn cách thức vận hành, xử lý thông tin.
Cho nên, không đơn thuần chỉ là việc gợi ý một món quà tặng mà còn là cách thức tặng quà. Hơn thế, món quà cũng không chỉ là lưu lại một dấu son kỷ niệm mà là sự ghi nhận, lời tri ân của chính quyền với nhân dân qua 50 năm có biết bao sức người đã hội tụ, đóng góp cho nửa thế kỷ hòa bình - phát triển của thành phố.
Quốc Học
FILI
|