Nhịp đập Thị trường 23/05: Cổ phiếu dầu khí, thép đưa VN-Index tăng hơn 14 điểm
Kết phiên ngày 23/05, VN-Index đóng cửa ở mức 1,281.03 điểm (+14.12 điểm), thanh khoảng duy trì đạt gần 20,900 tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình 23,000 tỷ đồng phiên hôm qua. HNX-Index và UPCoM-Index lần lượt tăng 1.76 điểm và 0.47 điểm lên 246.91 điểm và 95.17 điểm.
Diễn biến vào phiên chiều có phần bất ngờ và không giống như những gì diễn ra ở phiên sáng, với xu hướng tăng duy trì xuyên suốt cho đến cuối phiên. Số mã tăng giá là 450 mã, chiếm áp đảo so với 295 mã giảm giá, tăng trần là 32 mã.
Phiên chiều, sắc xanh đã dần lan rộng áp đảo sắc đỏ ở nhóm cổ phiếu tài chính như chứng khoán và ngân hàng, đặc biệt là ở nhóm bảo hiểm.
Dễ dàng nhận thấy một số cổ phiếu thuộc nhóm chứng khoán đã quay đầu tăng giá trở lại trong phiên chiều như SSI, VIX và SHS, trong khi đó VCI trở lại vạch xuất phát. Như một bông hoa đỏ giữa khu rừng màu xanh, VND giảm giá hơn 3% so với phiên trước.
Tương tự, nhóm ngân hàng, vốn dĩ giao dịch tích cực ở đầu phiên, thì đến cuối phiên cũng đã lấy lại được sắc xanh, có thể kể đến như STB, HDB, CTG… Các cổ phiếu ngân hàng tăng giá trước đó vẫn duy trì ổn định phong độ như EIB và ACB. Nếu nhóm chứng khoán có VND, thì nhóm ngân hàng có BID là cổ phiếu đi ngược dòng, bộ đôi này tạo áp lực giảm lớn nhất lên VN-Index, nhưng không đáng kể.
Nhóm bảo hiểm tăng giá kịch tính, các cổ phiếu chạm trần như BMI và MIG, quan sát thấy cổ phiếu BVH cũng tăng hết biên độ vào cuối phiên.
Điểm sáng nhất vẫn nằm ở nhóm cổ phiếu thuộc ngành sản xuất, sắc xanh dần chiếm trọn trên bảng đồ nhiệt thị trường khi dần về cuối phiên.
Cổ phiếu NTP vẫn giữ vững mức tăng kịch trần xuyên suốt.
Còn cổ phiếu BSR tiếp tục trỗi dậy, đưa mức tăng giá lên hơn 7%, trong phần thảo luận tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của BSR sáng nay, Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương nói rằng dù chưa có số chính thức, nhưng kỳ vọng quý 2 sẽ có kết quả tốt nhờ vào crack margin dự kiến phục hồi từ tháng 6 trở đi. Giá dầu thô vẫn đang cao so với kế hoạch.
Nói về BSR cũng không nên bỏ qua các cổ phiếu có liên quan đến dầu khác như PVS, PVD, POW, CNG và nổi bật nhất là PLX và GAS. Giá dầu thô thế giới chiều nay nhích tăng nhẹ.
Đà tăng của các cổ phiếu khác như QNS, GEX, HPX, NKG, HSG, DPM, MSN, TCM, VEA hay DGC và cả SAB đều có mức tăng trưởng giá tốt trong phiên hôm nay. Sự tăng giá trên diện rộng của nhóm đã không bỏ lại các cổ phiếu chăn nuôi heo như DBC hay BAF, sáng nay giá heo hơi tại thị trường ba miền được biết đã giá từ 1,000 - 2,000 đồng/kg, lên giá 64,000 – 68,000 đồng/kg.
Cổ phiếu hàng không là HVN cũng cất cánh tăng gần 5%.
Tâm thế “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến” của khối ngoại cuối cùng đã thay đổi, sau 5 phiên bán ròng liên tiếp cuối cùng đã mua ròng trở lại hơn 36 tỷ đồng trên cả ba sàn. Kết phiên sáng, khối này vẫn bán ròng gần 525 tỷ đồng.
Khối ngoại mua ròng nhiều nhất cổ phiếu DBC gần 100 tỷ đồng, cổ phiếu MWG gần 80 tỷ đồng và PC1 gần 78 tỷ đồng. Ngược lại, bán ròng mạnh nhất VHM gần 91 tỷ đồng, VND hơn 66 tỷ đồng.
Diễn biến mua bán ròng của khối ngoại |
|
Phiên sáng: Nhóm chứng khoán chìm trong sắc đỏ, VN-Index lại quay đầu giảm điểm
Trạng thái tích cực của thị trường chứng khoán không thể giữ vững được hết phiên sáng, chỉ số VN-Index dừng ở mức 1,264.35 điểm (-2.56 điểm), sắc đỏ bao trùm nhóm chứng khoán.
Chỉ số sau khi tăng lại vào giữa phiên sáng đã giao dịch khá dằn co, sau cùng phần thắng thuộc về phe gấu. VN-Index lao dốc xuống 1,262.96 điểm (-3.95 điểm), tức là mốc thấp nhất tính từ đầu phiên. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng giảm lần lượt 0.4 điểm và 0.18 điểm.
Còn nhớ lại đầu phiên, số mã giảm điểm là cân bằng với số mã tăng, trong khi số mã đứng giá chiếm áp đảo; thì đến cuối phiên sáng, số mã giảm giá ghi nhận là 388 mã, cao hơn so với 285 mã tăng điểm. Thanh khoản ghi nhận khoản 10,360 tỷ đồng, thấp hơn trung bình 10,750 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu dầu khí, điển hình là GAS và PLX đang tác động rất tích cực nhất lên chỉ số. Ngoài ra, còn một số cổ phiếu có liên quan đến dầu khí khác như PVD, PVS, BSR và POW cũng tăng tốt. Diễn biến này dường như phớt lờ các biến động của giá dầu thô thế giới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/05, hợp đồng dầu WTI mất 1.09 USD (tương đương 1.39%) còn 77.57 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent lùi 98 xu (tương đương 1.18%) xuống 81.90 USD/thùng. Sáng nay, giá dầu tương lai cũng có xu hướng giảm.
Trong khi đó, FPT vẫn là cổ phiếu tác động gây áp lực nhiều nhất lên chỉ số, xếp sau là các cổ phiếu ngân hàng BID, CTG, LPB, VPB.
Ngoài các cổ phiếu ngân hàng, thì nhóm chứng khoán đang có diễn biến dường như kém tích cực nhất. Trong đó, VND giảm gần 5%, ghi nhận mức cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây với 21.98 triệu đơn vị; kéo theo các cổ phiếu khác như VIX, SSI, SHS và VCI cũng giảm đáng kể.
Ở nhóm xây dựng và bất động sản, cổ phiếu PC1 đang là ngôi sao sáng nhất với mức tăng hơn 4%, HDG, HUT và REE cũng tăng hơn 1%. Sáng nay có một thông tin đáng chú ý, Cục Hải quan Khánh Hòa đã ban hành Thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) – ông Nguyễn Tâm Thịnh từ ngày 06/05.
Khối ngoại ghi nhận bán ròng gần 524 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tập trung bán mạnh VHM và FPT, ngoài ra còn có MSN.
Mở rộng ra châu Á, VN-Index đang cùng chiều với Hang Seng, Shanghai Composite và ngược chiều Singapore Straits Times, Nikkei 225.
10h35: Cổ phiếu dầu khí lấy lại sắc xanh cho VN-Index
Trái ngược với diễn biến kém tích cực đầu phiên, VN-Index đột ngột có cú quay đầu tăng điểm khá mạnh chạm mốc 1,270.75 điểm (+3.84 điểm), nhưng sau đó chỉ số tiếp tục rơi về dưới tham chiếu trước khi một lần nữa quay đầu tăng mạnh trở lại. Điều này dẫn tới việc chỉ số VN-Index đang giao dịch với biên độ khá rộng từ đầu phiên. Đến 10h32, VN-Index diễn biến quanh 1,269.43 điểm (+2.37).
Thanh khoản thị trường nhìn chung không có nhiều sự đột phá. Giá trị giao dịch tính tới 10h32 phút là gần 6,300 tỷ đồng, kém hơn giá trị trung bình của phiên hôm qua là 7,100 tỷ đồng.
Trong diễn biến hiện tại của thị trường, đã có nhiều ngành tăng điểm hơn so với đầu phiên. Các ngành có mức tăng lúc mở cửa đã mở rộng đà tăng, đơn cử như ngành bán buôn tăng hơn 4%, ngành khai khoáng là gần 1.6% và tiện ích là 1.15%.
Nhìn trên bảng đồ nhiệt sẽ thấy, nhóm sản xuất đang có diễn biến tích cực. Trong đó, cổ phiếu NTP đã tăng hết biên độ, đây là một trong số 31 doanh nghiệp nằm trong danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố chỉ vài ngày trước đó. Theo đó, tỷ lệ vốn của SCIC tại NTP là 37.1%.
Cùng nhóm sản xuất, cổ phiếu BSR tăng hơn 6% trong bối cảnh ĐHĐCĐ của Công ty này diễn ra vào sáng nay. Doanh nghiệp đặt mục tiêu lãi sau thuế gần 1,200 tỷ đồng.
Ở nhóm bán buôn, PLX nổi bật lên với cổ phiếu có mức tăng trần. Sắp tới đây, Tập đoàn sẽ nhận được 38 tỷ đồng cổ tức từ PGC và 77 tỷ đồng cổ tức từ PLC.
Ngược lại, có hai ngành giảm điểm đáng chú ý là dịch vụ lưu trú – ăn uống – giải trí và sản phẩm cao su, cùng giảm hơn 1%. Trong số các ngành giảm điểm, tài chính và bảo hiểm đang giao dịch khá ảm đạm, nhiều cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng gần như giảm giá, tích cực hơn thì đi ngang, chỉ le lói một số cổ phiếu như ACB ,VCB và EIB thuộc nhóm ngân hàng hay ORS thuộc nhóm chứng khoán là tăng điểm.
Về cổ phiếu tác động đến chỉ số, nhóm cổ phiếu họ dầu khí đang làm tốt vai trò dẫn dắt, với GAS và PLX đóng góp hơn 1.7 điểm vào mức tăng chung của chỉ số, chỉ bấy nhiêu đã đủ cân lại tác động giảm giá 1.4 điểm của top 10 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất mà dẫn đầu là FPT và 4 cổ phiếu ngân hàng theo sau là BID, CTG, LPB, VPB.
Khối ngoại vẫn vậy, bán ròng 390 tỷ đồng trên cả 3 sàn, lập nên chuỗi bán ròng 6 phiên liên tiếp. Phiên này, khối ngoại tập trung bán VHM, FPT và MSN.
Mở cửa: VN-Index mở cửa trong sắc đỏ
Phiên sáng hôm nay, VN-Index mở cửa kém tích cực, chìm trong sắc đỏ, tích tắc rơi rơi 3.56 điểm so với phiên trước. Tính tới 9h32, VN-Index giao dịch quanh 1,266.31 điểm, hạ 0.6 điểm so với phiên trước. Diễn biến này trái ngược với HNX và UPCoM, khi chỉ số của hai sàn này vẫn giữ được sắc xanh.
Độ rộng thị trường đang cân bằng giữa số mã tăng giá 240 mã và số mã giảm giá 241 mã, nhưng số mã đứng giá là 1,104 mã, cho thấy thị trường đang khá lưỡng lự.
Diễn biến của nhóm ngành cũng tương tự khi số ngành tăng điểm gần như ngang bằng với số ngành giảm điểm. Trong đó, ngành giảm giá mạnh nhất là bán lẻ, kế đến là lưu trú - ăn uống - giải trí, tài chính khác...; đáng chú ý là sắc đỏ gần như chiếm vị thế vượt trội trong nhóm tài chính và bảo hiểm, với loạt các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán giảm giá. Ngược lại, nhóm ngành tăng điểm mạnh nhất là vật liệu xây dựng, bán buôn, xây dựng…
Hiện tại, cổ phiếu đang tạo áp lực lớn nhất cho chỉ số là FPT mặc dù Công ty vừa công bố kết quả kinh doanh tích cực. Sơ bộ 4 tháng đầu năm 2024, FPT có lãi trước thuế 3,447 tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ và thực hiện được 31% kế hoạch năm.
Ngược lại, HPG đang là cổ phiếu tích cực nâng đỡ chỉ số nhất. Ngày 25/05 tới HPG sẽ chốt danh sách cổ đông được nhận cổ phiếu phát hành thêm. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 24/05. Hòa Phát dự kiến phát hành gần 581.5 triệu cp để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ thực hiện quyền là 10%, cổ đông sở hữu 10 cp được nhận 1 cp mới.
Hôm qua ngày 22/05, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cho 9 thành viên vay gần 25 ngàn tỷ đồng thông qua kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO), kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4.5%/năm. Cũng trong phiên 22/05, NHNN đã phát hành 650 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất trúng thầu đã tăng từ 3.9%/năm trong phiên trước đó lên 4%/năm.
Trên thế giới, chứng khoán Mỹ tối qua giảm điểm sau khi biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed được công bố, cho thấy ngân hàng trung ương khó có thể sớm hạ lãi suất, cho thấy sự thiếu tiến triển trong những tháng gần đây về mục tiêu giảm lạm phát. Kết phiên ngày 22/05, chỉ số Dow Jones lùi 201.95 điểm (tương đương 0.51%) xuống 39,671.04 điểm – đánh dấu phiên giảm điểm mạnh nhất trong tháng 4, còn Nasdaq Composite giảm 0.18% xuống 16,801.54 điểm.
Kha Nguyễn
FILI
|